Hủy
Kinh Doanh

Nuôi cá cảnh: Vừa chơi vừa kiếm tiền

Thứ Hai | 02/05/2011 20:11

 
 
Cá cảnh đang được nuôi công nghiệp và mang lại doanh thu không nhỏ cho nhà đầu tư.

Cách đây khoảng 6 năm, mỗi ngày vựa cá cảnh của ông Trần Văn Tư, tên thường gọi là Tư đồng hồ (Q.12, TP.HCM) bán ra hàng ngàn con cá cảnh, thu về không dưới 1-2 chỉ vàng/ngày (khi đó giá vàng từ 800.000- 900.000 đồng/chỉ). Tính ra, nghề nuôi cá cảnh mang lại thu nhập không dưới 500 triệu đồng mỗi năm. Ông Tư nói, nếu tính theo giá hiện thời, thu nhập của ông khi đó phải tính bằng tiền tỉ.

Không chỉ bán được ở trong nước, nhiều người nước ngoài cũng tìm đến vựa cá của ông Tư đặt hàng. Khoảng 16-17 năm nay, cá cảnh nuôi tại Việt Nam rất được ưa chuộng và đã có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Nhiều tiền chưa chắc thành công

Bắt đầu từ năm 1990, ông Tư chỉ nuôi quy mô nhỏ với số vốn vài chục triệu đồng. Sau thấy việc nuôi cá cảnh mang lại nhiều lợi nhuận, ông bắt đầu mở rộng quy mô. Đến nay, tổng diện tích nuôi cá của vựa ông Tư đã lên tới hơn 1 ha với khoảng trên 100.000 con cá các loại như cá dĩa, ông tiên, bảy màu, phượng hoàng, sặc gấm, sặc vàng, cẩm thạch, lia thia, hồng nhung...

Theo ông Tư, nếu làm bài bản ngay từ đầu, tức là bao gồm ao nuôi, cá giống, các loại máy bơm oxy, máy phát điện... thì tổng vốn đầu tư cho quy mô hiện tại của vựa lên tới 4 tỉ đồng và phải thường xuyên đầu tư thêm. Ông cho biết không phải mùa nào, năm nào cũng đều nuôi ngần ấy loại cá, mà tùy theo nhu cầu thị trường, vào thời điểm khác nhau sẽ nuôi những loại cá khác nhau. Vì vậy người nuôi phải thường xuyên bổ sung giống cá mới.

Bên cạnh đó, chi phí hằng tháng để nuôi cá của vựa ông Tư là hơn 40 triệu đồng, riêng tiền thức ăn đã 30 triệu đồng. Trên diện tích ao nuôi 1 ha, ông thuê 2 công nhân với giá 4 triệu đồng/người/tháng. “Nếu mình rành kỹ thuật chăm sóc thì mới quản lý 2 nhân công đảm đương hết việc trông coi ở đây. Còn những người chưa có kinh nghiệm nuôi, quản lý thì 4-5 người cũng khó đảm đương nổi”, ông Tư nói.

Cách đây vài năm, nhìn thấy việc nuôi cá cảnh mang lại nhiều lợi nhuận, nhiều người đã lao vào nghề này. Nhưng “nuôi cá cảnh không phải là nghề cứ đổ nhiều tiền vô là làm được”, ông Võ Minh Châu, Phó Trạm Khuyến nông huyện Củ Chi (TP.HCM) nhận xét. Theo ông Châu, để nuôi cá cảnh thành công, ngoài vốn, sự am hiểu kỹ thuật thì kinh nghiệm cũng quan trọng không kém. Nếu không biết gì mà cứ bắt tay vào nuôi theo phong trào thì thất bại là khó tránh khỏi.

Chi cục Quản lý Chất lượng và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản TP.HCM cũng cho rằng, nuôi cá cảnh giống như nghề có tính chất gia truyền, không phải người trong nghề thì không dễ gì thành công.

Cá cảnh vốn rất nhạy cảm với thời tiết, chỉ một chuyển biến nhỏ cũng có thể bị bệnh. Nếu người nuôi không tinh ý điều chỉnh nhiệt độ, oxy sao cho hợp lý, cá có thể mắc bệnh và chết hàng loạt. Năm 2010, đã có tình trạng hàng loạt cá bảy màu bị chết khiến các hộ nuôi không kịp trở tay. “Nuôi cá cảnh cũng như bất cứ ngành nghề nào trong nông nghiệp đều chịu sự chi phối mạnh mẽ của yếu tố thời tiết, thiên tai, dịch bệnh”, ông Châu nói.

Bão giá rồi sẽ qua

Năm 2011 được cho là năm khó khăn đối với nghề nuôi cá cảnh bởi mọi chi phí đều tăng, từ điện, thức ăn cho đến nhân công. Ông Tư cho biết, so với cách đây 2 năm, giá thức ăn cho cá đã tăng gấp 3 lần trong khi giá bán cá hầu như không tăng. “Mấy năm trước, một tháng thu vào từ 50-60 triệu đồng là bình thường, bây giờ mức thu đã tụt thê thảm”, ông nói.

Tình hình kinh tế khó khăn khiến nhiều người nuôi cá lo lắng. Nhưng với hơn 20 năm kinh nghiệm, từng chống chọi qua nhiều đợt khủng hoảng, nhiều cơn bão giá, ông Tư cho rằng thị trường rồi sẽ đi lên. Sau mỗi đợt thị trường đi xuống, sẽ lại có một đợt hút hàng. Cơ hội sẽ dành cho những người biết cách cầm cự, chờ đợi để vượt qua khủng hoảng.

 

Theo Phòng Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM, toàn thành phố hiện có 283 hộ và 2 doanh nghiệp nuôi cá cảnh, với số lượng tổng cộng 60 triệu con thuộc 60 loài. So với năm 2009, số lượng cá cảnh đã tăng lên đáng kể (năm 2009 là 56 triệu con). Đặc biệt, nhiều đơn vị đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất như Công ty Saigonaquarium (ở xã Tân Thông Hội, Củ Chi) đang sở hữu đến 7 ha diện tích nuôi.

Các đơn vị nuôi cá cảnh không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu đi nhiều thị trường nước ngoài ở châu Á lẫn châu Âu và Mỹ. Tính riêng năm 2010, lượng cá cảnh xuất khẩu là 7,5 triệu con (năm 2009 xuất 7 triệu con), đạt doanh thu 7,5 triệu USD, theo Chi cục Quản lý Chất lượng và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản TP.HCM.

Mặc dù những tháng đầu năm 2011 có khó khăn, nhưng theo Phòng Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, lượng cá xuất đi trong quý I lên tới 2,9 triệu con. Trong đó thị trường châu Âu chiếm 70,5%, Mỹ chiếm 16,4%, còn lại là châu Á. Tuy nhiên, đại diện phòng Thủy sản cũng cho rằng, so với nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có điều kiện tự nhiên tốt hơn, nông dân có kinh nghiệm và tay nghề cao hơn, nhưng lượng cá xuất khẩu chỉ chiếm hơn 10% tổng số lượng cá được nuôi tại TP.HCM là quá ít. Nguyên nhân là sản phẩm chưa đồng nhất, người nuôi còn manh mún, tự phát.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới