Hủy
Kinh Doanh

Sacombank dùng 80 triệu cổ phiếu của ông Đặng Văn Thành và ông Đặng Hồng Anh để trừ nợ 1.600 tỷ đồng

Thứ Ba | 02/04/2013 12:30

Sacombank được toàn quyền quyết định mua, bán, định đoạt sở hữu 80 triệu cổ phiếu của ông Đặng Văn Thành và ông Đặng Hồng Anh.
 

Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - mã STB) công bố báo cáo tài chính kiểm toán riêng năm 2012. Trong đó, kiểm toán PWC lưu ý một số vấn đề.

Thứ nhất, PWC lưu ý, Sacombank đã ký một thỏa thuận với ông Đặng Văn Thành, nguyên Chủ tịch của ngân hàng và ông Đặng Hồng Anh, nguyên Phó Chủ tịch ngân hàng vào ngày 5/12/2012.

Theo thỏa thuận này, Sacombank đồng ý sử dụng gần 80 triệu cổ phiếu (7,435% vốn) của ông Đặng Văn Thành và ông Đặng Hồng Anh (giá thỏa thuận 20.000 đồng/cổ phiếu) để cấn trừ vào các khoản cho vay, đầu tư trái phiếu và phải thu khác với tổng giá trị thỏa thuận gần 1.600 tỷ đồng.

Các cổ phiếu này được phân loại là tài sản cấn trừ nợ trong các báo cáo tài chính cho năm 2012. Trong trường hợp này, Sacombank đã sử dụng cổ phiếu của chính ngân hàng làm tài sản siết nợ. Sacombank đã thông báo tới Ngân hàng Nhà nước và đã thông báo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM về thỏa thuận cấn trừ này.

Nguồn: Sacombank
Nguồn: Sacombank

Theo thỏa thuận nói trên, đã có 4 nội dung được thực hiện.
Nội dung thứ nhất, Sacombank dùng 80 triệu cổ phiếu để cấn trừ với khoản thu 172 tỷ đồng từ công ty Tín Việt. 1.425 tỷ đồng còn lại được cấn trừ cho 6 khoản cho vay: 678 tỷ đồng tại Sacomreal; 329 tỷ đồng đầu tư vào trái phiếu Sacomreal; 18 tỷ đồng cho vay Thành Thành Công; 192 tỷ đồng đầu tư vào trái phiếu Thành Thành Công; 148 tỷ đồng đầu tư vào trái phiếu công ty Đặng Huỳnh; 59 tỷ đồng cho vay công ty Thành Ngọc.

Cũng theo thỏa thuận này, ông Đặng Văn Thành và ông Đặng Hồng Anh ủy quyền cho Hội đồng quản trị được toàn quyền mua, bán định đoạt, sở hữu cổ phiếu Sacombank.

Vào ngày 11/12/2012, Sacombank đã ký các biên bản thanh lý với các đối tượng vay/phát hành trái phiếu nêu trên, hạch toán khỏi các khoản cho vay và đầu tư trái phiếu tương ứng, đồng thời giải chấp các tài sản đảm bảo liên quan. Sacombank ghi nhận toàn bộ giá trị khoản cấn trừ trị giá gần 1.600 tỷ đồng nêu trên trong khoản mục tài sản khác như là các tài sản cấn trừ cân nợ.

Nội dung thứ 2, đối với các tài sản mà ngân hàng (nhà kho MN1, MN2, MN3) và công ty quản lý nợ và khai thác tài sản Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín đã chuyển nhượng cho công ty Thiên Sơn trước đây, ngân hàng và công ty quản lý nợ và khai thác tài sản ngân hàng Sài Gòn Thương Tín nhận lại các tài sản này và hoàn trả cho công ty Thiên Sơn các khoản đã trả trước đây trị giá 376 tỷ đồng.

Trong đó, cấn trừ với khoản vay của công ty Thiên Sơn 215 tỷ đồng; Thanh toán các tổn thất đối với quyền sử dụng đất tại 40E Út Tịch (3 tỷ đồng) và quyền sử dụng đất tại phường Phước Trung (1,8 tỷ đồng) và mua lại lợi thế thương mại của bộ phận định giá Sacomreal 29 tỷ đồng. Phần còn lại trị giá 128 tỷ đồng được dùng để cấn trừ với các khoản phải thu từ công ty Tín Việt.

Nội dung thứ ba, hủy thỏa thuận nguyên tắc đã ký trước đây với công ty Đặng Huỳnh liên quan đến việc thuê lại quyền sử dụng đất tại khu công nghiệp Tân Kim.

Công ty Đặng Huỳnh có trách nhiệm hoàn trả số tiền 363 tỷ đồng cho Sacombank, trong đó thanh toán ngay đợt một 50 tỷ đồng vào ngày 7/11/2012 và số còn lại thanh toán tiếp trong vòng 18 tháng. Tại ngày 31/12/2012, số dư phải thu từ công ty Đặng Huỳnh là 313 tỷ đồng.

Nội dung thứ tư, chuyển nhượng danh mục 17 loại chứng khoán nhận cấn trừ nợ cho công ty Tín Việt theo giá trị sổ sách với tổng giá trị 728 tỷ đồng. Trong đó, 300 tỷ đồng được cấn trừ với các khoản đề cập ở trên và số còn lại được trả trên cơ sở thanh toán chia đều 6 tháng một lần trong 2 năm.

Tại ngày 31/12/2012, số dư phải thu từ công ty Tín Việt là 428 tỷ đồng, được đảm bảo bởi 17 loại chứng khoán đã chuyển nhượng quyền sở hữu.

Thứ hai, PWC lưu ý về khoản vay 9 tỷ đồng cho một số công ty chưa phù hợp với quy định.

Thứ ba, trong năm 2012, Sacombank đã ký thỏa thuận với một số cá nhân để mua và bán lại cổ phiếu. Đến ngày 31/12/2012, số dư liên quan đến các giao dịch này đã giảm xuống còn 222 tỷ đồng so với thời điểm 30/6/2012 là 757 tỷ đồng.

Đây là một hoạt động kinh doanh mới có giá trị trọng yếu của ngân hàng và ngân hàng đã tự xây dựng chính sách kế toán của mình và áp dụng cho các hoạt động này. Sacombank đã dừng không ký kết thỏa thuận mới nào liên quan đến hoạt động kinh doanh này kể từ tháng 9/2012.

Nguồn Dân Việt/Sacombank


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới