Thép Trung Quốc: Ném đá giấu tay!
Thép và các sản phẩm từ thép của Trung Quốc từ lâu đã ồ ạt đổ bộ vào Việt Nam. Tuy điều này là không quá bất ngờ khi nhu cầu tiêu thụ thép tại Việt Nam đang tăng mạnh, nhưng đằng sau vẫn ẩn chứa cả chiến lược chiếm lĩnh thị trường đầy toan tính.
Thép Trung Quốc lấn át
Tổng cục Hải quan cho biết, nhập khẩu sắt thép từ Trung Quốc trong 10 tháng năm 2015 đã đạt giá trị lên đến 3,49 tỉ USD. Cụ thể, Việt Nam đã nhập 7,7 triệu tấn sắt thép từ thị trường này, tăng 62% về giá trị so với cùng kỳ.
Ngoài ra, giá trị nhập khẩu các sản phẩm từ sắt thép cũng lên tới 1,13 tỉ USD, tăng gần 40%. Lũy kế 10 tháng, tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng sắt thép từ Trung Quốc là trên 4,6 tỉ USD. Theo ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc là quá lớn, đang tạo nhiều áp lực và gây khó khăn cho các nhà sản xuất trong nước.
Thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam qua các năm |
Thực tế, trong cơn khủng hoảng thừa ở Trung Quốc, lượng sắt thép đổ từ quốc gia này vào các nước Đông Nam Á mỗi năm lên đến khoảng 20 triệu tấn. Trong đó, Việt Nam nhập đến 30% con số này.
“Hiệp hội đã kiến nghị khá nhiều lần. Các cơ quan cũng chuẩn bị biện pháp phòng vệ, hàng rào kỹ thuật để có thể ngăn chặn nguồn sắt thép từ Trung Quốc vào Việt Nam”, Chủ tịch VSA nói.
Về mức tiêu thụ thép trên thị trường hiện nay, ông Dũng cho rằng do thị trường bất động sản hồi phục trong thời gian gần đây nên tổng lượng sắt thép xây dựng tiêu thụ tại Việt Nam cả năm 2015 sẽ đạt 7 triệu tấn, tăng trên 20% so với năm 2014. Ðây là mức tăng cao nhất của ngành thép trong 3 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, do giá nguyên liệu thép trên thị trường thế giới giảm mạnh cộng với nguồn thép nhập khẩu từ Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam quá lớn, cạnh tranh giữa các nhà sản xuất thép trong nước chắc chắn sẽ càng khốc liệt hơn.
Thép Việt lâm nguy
Cuối tháng 10 vừa qua, Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam đã gửi văn bản của Văn phòng chống gian lận EU đến Bộ Công Thương, bày tỏ nghi ngờ các doanh nghiệp Trung Quốc lợi dụng đưa sản phẩm sắt thép sang Việt Nam để trốn thuế chống bán phá giá. Cụ thể, EU đang áp dụng thuế chống bán phá giá ở mức 25,2% đối với thép Trung Quốc.
Theo văn bản này, EU đã nghi ngờ nhiều sản phẩm như ống nối, ống dẫn bằng sắt hay thép xuất khẩu xuất xứ từ Việt Nam có gốc gác từ Trung Quốc.
Ngoài việc chuyển thép bị áp thuế sang Việt Nam như một trung gian để lẩn tránh thuế, các nhà sản xuất và xuất khẩu thép Trung Quốc còn tìm cách đầu tư nhà máy sang Việt Nam để lấy xuất xứ Việt Nam, rồi xuất khẩu sang EU nhằm tránh thuế chống bán phá giá. Trong trường hợp đó, ngành thép Việt Nam có thể bị điều tra liên lụy.
Đầu tháng 9.2015, một doanh nghiệp thép Malaysia cũng khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cuộn cán nguội Việt Nam. Các sản phẩm thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam bị điều tra chống bán phá giá theo đơn kiện của tập đoàn thép CSC Steel Sdn. Trước đó, Ủy ban Chống bán phá giá Indonesia cũng thông báo tiến hành điều tra thép cuộn cán nguội từ Việt Nam. Những vụ kiện chống bán phá giá mà ngành thép Việt Nam gặp phải đều có “bàn tay vô hình” của các doanh nghiệp thép Trung Quốc nhúng tay vào.
Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Thép và Quặng sắt Trung Quốc Chi Jingdong cho biết, Trung Quốc đang cố gắng cắt giảm sản lượng thép khoảng 100 triệu tấn trong vài năm tới, riêng năm 2014 cắt giảm 80 triệu tấn. Nguyên nhân của động thái trên là do quốc gia này đang phải đối mặt với tình trạng dư thừa và ảnh hưởng tiêu cực của ngành sản xuất thép tới môi trường. Và thế là Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn để các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư.
Trong khi Trung Quốc hạn chế phát triển ngành thép do ô nhiễm môi trường, thì Việt Nam lại thu hút không ít dự án thép với công nghệ cũ. Một khảo sát được VSA tiến hành cho thấy, nhóm nhà máy hiện đại, sử dụng công nghệ và thiết bị tiên tiến của Ý hay Nhật tại Việt Nam hiện chiếm tỉ lệ khá khiêm tốn, khoảng 25%. Còn nhóm nhà máy công nghệ trung bình, bao gồm các nhà máy thép cũ sử dụng thiết bị Trung Quốc, lại chiếm tỉ lệ 55%.
Một trong những dự án thép “khủng” tại Việt Nam là Dự án Khu liên hợp Gang thép và Cảng nước sâu Sơn Dương do Tập đoàn Formosa (Đài Loan) đầu tư, đang chuẩn bị ra lò mẻ sản phẩm đầu tiên. Dự án này có mục tiêu trở thành dây chuyền sản xuất thép khép kín và cảng nước sâu lớn nhất Đông Nam Á. Nhưng dù Formosa tuyên bố sản phẩm chính của họ sẽ là thép tấm với dây chuyền sản xuất hiện đại thế giới, nhưng máy móc thiết bị phục vụ cho dự án lại chủ yếu nhập từ Trung Quốc.
Cụ thể, theo thông tin từ Chi cục Hải quan Vũng Áng, dự án Formosa bắt đầu nhập khẩu máy móc, thiết bị từ năm 2010. Các mặt hàng này phục vụ cho dự án lò luyện thép và nhà máy nhiệt điện, với 90% có nguồn gốc từ Đài Loan và Trung Quốc đại lục.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, hệ quả mà ngành thép Việt Nam phải hứng chịu sẽ rất nặng nề. “Sau khi góp phần khiến các doanh nghiệp thép của Việt Nam điêu đứng, họ sẽ có thể chi phối thị trường. Lúc đó, không hiểu điều gì sẽ xảy ra với thép Việt”, bà nói.
Đình Bắc
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Thái Huệ