Tìm danh xưng cho trà Việt
Trà xanh vẫn chiếm tới 94% trong tổng khối lượng trà xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh: nhandan.vn
Tại cuộc đấu giá ở Hong Kong vào cuối năm 2019, một cối trà gồm bảy bánh nhãn hiệu “Trà Bánh Hà Nội” sản xuất năm 1930 đã được bán với giá 1,5 triệu đô la Hong Kong và trở thành loại trà đắt nhất trong lịch sử ngành trà Việt Nam. Đại diện Thiên Vân Sơn, công ty chuyên sản xuất trà truyền thống tại Việt Nam, nhận định, xét về màu trà, hương trà hay vị trà thì Trà Bánh Hà Nội của Việt Nam đều không thua kém trà Phổ Nhĩ nổi tiếng nhất của Vân Nam, Trung Quốc. Nhưng so với loại trà đắt nhất thế giới thì giá của Trà Bánh Hà Nội phải chăng hơn rất nhiều. Hiện công ty này vẫn tự hào bán danh trà mang tên Hà Nội tại thị trường trong nước với giá hơn 4,2 triệu đồng/cối trà.
Câu chuyện này cho thấy một cái nhìn rất khác về trà của Việt Nam trên bản đồ trà thế giới. Bởi vì, ở thị trường lớn, theo ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Việt Nam đã chế biến được khoảng 15 loại trà khác nhau với sản phẩm chủ yếu là trà đen và trà xanh. Tuy nhiên, giá trà xuất khẩu bình quân của Việt Nam chỉ bằng 65% giá bình quân của các nước hàng đầu về xuất khẩu trà và chỉ bằng 55% giá xuất khẩu bình quân của Ấn Độ và Sri Lanka.
Về vấn đề này, ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, cho rằng thế giới nhìn nhận thị trường trà Việt Nam là thị trường giá rẻ và tìm kiếm lợi nhuận tại đây. Bởi vì, người làm trà dễ mua, dễ bán nên không trau chuốt, không đổi mới mà chỉ tập trung sản xuất để đạt thỏa thuận trước mắt. Chưa kể, do tình trạng sản xuất manh mún, có tỉnh có tới hàng trăm cơ sở sản xuất nhỏ, dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán. “Cứ dìm nhau, phân tán, phân chia thị trường thì không thể thoát ra khỏi bẫy giá rẻ của thế giới”, ông Long cảnh báo.
Trà xanh vẫn chiếm tới 94% trong tổng khối lượng trà xuất khẩu của Việt Nam. Đây là sản phẩm trà cấp thấp nhất, chủ yếu chỉ sử dụng phương pháp sao sấy truyền thống, chưa qua công đoạn chế biến sâu. Còn các sản phẩm trà cao cấp như trà đen, trà oolong, trà ướp hoa… chỉ chiếm 6% trong tổng khối lượng trà xuất khẩu. Mặc dù giá xuất khẩu các loại trà chế biến sâu này rất cao (năm 2023, giá xuất khẩu trà oolong đạt 2.900 USD/tấn, trà ướp hoa đạt 2.100 USD/tấn), nhưng do lượng xuất khẩu quá thấp, nên kim ngạch xuất khẩu không đáng kể.
Với lịch sử trồng trà hàng ngàn năm, Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu trà đứng thứ 5 trên thế giới. Đặc biệt, Việt Nam còn sở hữu gần 20.000 ha chè Shan rừng. Nhiều vùng chè Shan cổ thụ hàng trăm năm tuổi cho chất lượng cao như Suối Giàng Yên Bái, Hà Giang, Tà Xùa - Sơn La... Theo đánh giá của các chuyên gia và người tiêu dùng quốc tế, chất lượng sản phẩm trà Việt Nam không thua kém bất kỳ quốc gia sản xuất trà nào trên thế giới. Gần đây, trà xanh của thương hiệu Shanam được Tea Epicure của Mỹ xếp vào Top 1 dòng trà xanh thế giới với số điểm 94/100 điểm.
Điều đáng tiếc là những thương hiệu Việt có khả năng tiếp cận thị trường quốc tế như vậy chưa đủ nhiều và đủ rộng để tạo ra hiệu ứng của danh trà đến từ Việt Nam. Mặt khác, nhu cầu tiêu dùng trà trên thế giới đang thay đổi rất nhanh, chuyển từ các sản phẩm trà thông thường sang các sản phẩm trà chế biến sâu, trà đặc sản và tạo nên những thương hiệu trà nổi tiếng như Darjeeling, Đại Hồng Bào, Vũ Di Nham Trà, Thiết Quan Âm, Phổ Nhĩ, TWG, Gyokuro… Điều này đòi hỏi ngành trà Việt Nam phải đầu tư nhiều hơn cho phát triển sản phẩm mới, bắt kịp xu hướng tiêu dùng của thế giới.
Từ kinh nghiệm phát triển thương hiệu trà Cozy xuất khẩu vào thị trường châu Âu, ông Đoàn Anh Tuân, Giám đốc Công ty Thế Hệ Mới, cho rằng người sản xuất, chế biến và thương mại chè cần thay đổi tư duy, đặc biệt là tư duy sản xuất gắn với nhu cầu thị trường. Mặt khác, cần chính sách tập trung liên kết doanh nghiệp, nông dân, chính quyền địa phương. Qua đó, xây dựng những vùng nguyên liệu để phân hạng bảo tồn và sản xuất trà đặc sản.
Ở góc độ doanh nghiệp, kinh nghiệm của thương hiệu TWG (Singapore) danh tiếng cũng có bài học đáng giá. Danh trà này cho thấy việc tạo chất lượng đồng đều ở tất cả các cấp độ thương hiệu rất quan trọng. Thương hiệu trà này cũng luôn khiến người dùng bất ngờ vì liên tục tạo ra những giống trà mới mỗi mùa. Do nhu cầu của các sản phẩm bán lẻ mạnh hơn đáng kể, thương hiệu cũng đầu tư nhiều vào khâu đóng gói sản phẩm với các thiết kế được điều chỉnh theo mùa và xu hướng, giống như thời trang.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Lam Hồng