Toan tính của NutiFood ở Vinasoy
NutiFood chính thức lộ diện trong thương vụ thâu tóm Vinasoy. Ảnh: TL.
Để có thể thâm nhập và thống lĩnh một ngành nào đó, doanh nghiệp phải đương đầu với không ít thách thức, nhất là khi thị trường có quá nhiều thương hiệu lớn, nhỏ cạnh tranh với nhau. Thâu tóm một doanh nghiệp đầu ngành là chiến lược khôn ngoan để một “kẻ ngoại đạo” chạm vào thị trường và giành lấy thị phần.
ThaiBev đã làm như vậy để thâu tóm thị phần bia tại Việt Nam khi mua lại 53,59% cổ phần Sabeco vào cuối năm 2017. Trước đó, vô số thương hiệu bia có tham vọng xâm chiếm thị trường, nhưng cuối cùng thì thị phần của ông lớn Sabeco vẫn không thể suy chuyển.
Nước cờ của NutiFood
Ngành F&B có tính cạnh tranh rất lớn khi toàn bộ thị phần sẽ chỉ tập trung vào một số tay chơi lớn. Trước đây, có tin đồn trong giới M&A về thương vụ này, khi NutiFood chưa chính thức ra mặt tại Đường Quảng Ngãi.
Những đồn đoán trên cuối cùng cũng thành hiện thực khi NutiFood chính thức lộ diện trong thương vụ thâu tóm Vinasoy, thương hiệu sữa đậu nành lớn nhất Việt Nam sau khi mua thêm 2 triệu cổ phiếu QNS của Đường Quảng Ngãi. Động thái này phát đi tín hiệu cho các bước đi M&A trong thời gian tới tại công ty đang chiếm hơn 90% thị phần sữa đậu nành Việt Nam.
Đây chỉ là bước khởi động, vì cơ cấu sở hữu của Đường Quảng Ngãi đang rất phân mảnh. Theo báo cáo quản trị mới nhất của Đường Quảng Ngãi, ban lãnh đạo và những người liên quan chỉ nắm giữ khoảng 18% cổ phần. Cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp này là Công ty Thành Phát với 15% cổ phần. Nhưng Thành Phát lại là công ty con do Đường Quảng Ngãi sở hữu 100% vốn, nên cổ phần của Thành Phát về bản chất cũng giống như cổ phiếu quỹ của Đường Quảng Ngãi. Nếu loại trừ Thành Phát, cổ đông lớn nhất hiện nay của Đường Quảng Ngãi là Tổng Giám đốc Võ Thành Đàng, chỉ nắm giữ khoảng 7% cổ phần, theo sau là NutiFood với hơn 5% cổ phần.
Một kịch bản khác là việc trở thành cổ đông lớn đơn thuần chỉ là bước đệm để NutiFood tiếp cận mục tiêu chính là Vinasoy. Ảnh: Quý Hòa |
Bên cạnh NutiFood, cũng có nhiều nhà đầu tư tổ chức khác nhòm ngó cổ phiếu QNS như VinaCapital, Chứng khoán Rồng Việt, Chứng khoán Bản Việt. Thậm chí từng có thời điểm rộ lên tin đồn nhóm cổ đông liên quan Masan sở hữu tới 5% cổ phần Đường Quảng Ngãi, tuy vậy phía Masan ngay sau đó đã bác bỏ thông tin này.
Bước đi âm thầm
Thực ra, các bước đi của NutiFood đã được chuẩn bị từ trước. Tại Đại hội cổ đông 2021 của Đường Quảng Ngãi, một điều chưa từng có tiền lệ đã xảy ra khi ông Nguyễn Văn Đông trúng cử vị trí thành viên Hội đồng Quản trị độc lập, đồng thời được nhận ủy quyền gần 30 triệu cổ phiếu QNS, tương ứng hơn 8% vốn điều lệ.
Ông Đông lúc này là Giám đốc Điều hành của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, đồng thời là một chuyên gia có thâm niên trong lĩnh vực M&A. Bên cạnh đó, Rồng Việt cũng là đơn vị tư vấn niêm yết cho Cà phê Phước An (CPA) hồi cuối năm 2019, một công ty con của NutiFood.
Có thể vì muốn củng cố vị thế sở hữu của mình, ông Võ Thành Đàng và ban lãnh đạo Đường Quảng Ngãi cũng đã liên tục mua thêm cổ phiếu QNS trên sàn chứng khoán. Tính từ đầu năm 2021, nhóm này đã đăng ký mua hơn 20 lần, với tổng lượng mua đạt hơn 3,5 triệu cổ phiếu. Dù vậy, lượng cổ phiếu trôi nổi của Đường Quảng Ngãi vẫn rất lớn, do đó NutiFood hoàn toàn có thể tiến xa hơn trong các bước đi M&A sắp tới.
NutiFood có thể chỉ dừng lại trong vai trò cổ đông lớn, đây không phải là trường hợp không thể xảy ra, khi Đường Quảng Ngãi là doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh tốt và ổn định, lợi nhuận luôn duy trì trên mức 1.000 tỉ đồng/năm, đặc biệt chính sách trả cổ tức rất hậu hĩnh, tính riêng trong giai đoạn 2020-2021, tổng lượng cổ tức trả cho cổ đông đã lên tới hơn 1.600 tỉ đồng.
Theo hướng này, NutiFood chỉ đóng vai trò là cổ đông lớn, hưởng cổ tức hằng năm. Tuy nhiên, kịch bản này khá khó xảy ra, vì các thương vụ trong ngành thực phẩm tiêu dùng thường mang tính sáp nhập nhiều hơn và tiềm lực của NutiFood cũng lớn hơn so với việc đóng vai trò nhà đầu tư tài chính.
Một kịch bản khác là việc trở thành cổ đông lớn đơn thuần chỉ là bước đệm để NutiFood tiếp cận mục tiêu chính là Vinasoy. Trong kịch bản này, NutiFood sẽ tiếp tục tăng tỉ lệ sở hữu đến mức đủ lớn để có thể gây tác động hoặc hỗ trợ cho việc thâu tóm Vinasoy, hoặc ít nhất biến Vinasoy trở thành công ty liên doanh, liên kết của mình. Điều này có thể giúp Nutifood giảm rủi ro kinh doanh từ việc đa dạng hóa ngành hàng, đồng thời chia sẻ các lợi thế cạnh tranh với Vinasoy. Đây sẽ là bước tiến lớn của NutiFood trong tham vọng vượt mặt đối thủ FrieslandCampina và áp sát vị trí của 2 ông lớn TH True Milk và Vinamilk.
Nutifood thậm chí có thể tiến xa hơn bằng việc thúc đẩy IPO Vinasoy. Quyết tâm “lộ diện” của NutiFood là bước ngoặt lớn tại Vinasoy, mọi chuyện mới chỉ bắt đầu và sẽ còn nhiều bất ngờ xảy ra trong thời gian tới. Với việc luôn nằm trong tầm ngắm của các ông lớn, không loại trừ khả năng một số bên khác cũng sẽ “ra mặt”, khiến cuộc chiến sở hữu Vinasoy ngày càng trở nên hấp dẫn.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư