Top 50 2021: Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát - Dấu ấn của “vua thép”
Khởi đầu từ một công ty chuyên buôn bán các loại máy xây dựng từ tháng 8.1992, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) đến nay đã trở thành tập đoàn sản xuất công nghiệp hàng đầu Việt Nam.
Trong quá trình phát triển, Tập đoàn Hòa Phát đã lần lượt mở rộng sang các lĩnh vực nội thất, ống thép, thép xây dựng, điện lạnh và bất động sản. Hiện nay, Hòa Phát hoạt động trong 4 lĩnh vực là gang thép, sản phẩm thép, nông nghiệp và bất động sản. Trong đó, sản xuất gang thép và các sản phẩm liên quan là lĩnh vực sản xuất cốt lõi, chiếm tỉ trọng trên 80% doanh thu và lợi nhuận toàn Hòa Phát.
COVID-19 bất thường, Hòa Phát phi thường
Nhìn lại chặng đường một thập kỷ qua, có thể thấy sức tăng trưởng mạnh mẽ của Hòa Phát trong hoạt động kinh doanh. Trong giai đoạn 2011-2020, Tập đoàn đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 19,7% về tổng doanh thu và 29,7% về lợi nhuận sau thuế; có nhiều năm Hòa Phát tăng trưởng trên 50%, thậm chí gần 100% về lợi nhuận sau thuế.
Năm 2020, đại dịch COVID-19 càn quét trên phạm vi toàn cầu và đi kèm là ngổn ngang khủng hoảng đối với hầu hết ngành nghề kinh doanh, kéo theo nhiều hệ lụy về việc làm và tổn thất kinh tế. Tuy nhiên, 2020 lại là năm ghi nhận nhiều thành quả đáng tự hào nhất của Hòa Phát.
Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 đạt 13.506 tỉ đồng, tăng 78,2% so với năm 2019 và là mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hình thành và phát triển của doanh nghiệp này. Tổng doanh thu của Hòa Phát đạt hơn 91.200 tỉ đồng, gấp hơn 5 lần so với 10 năm trước. Lĩnh vực sắt thép là mảng kinh doanh cốt lõi của Hòa Phát, tiếp tục đóng vai trò chủ đạo. Doanh thu nhóm này tăng 81%, lợi nhuận từ các sản phẩm thép tăng 94%. Thép xây dựng và ống thép Hòa Phát tiếp tục giữ vững thị phần số 1 tại Việt Nam, lần lượt là 32,5% và 31,7%.
Lĩnh vực nông nghiệp cũng có những bước tiến vượt bậc khi tăng trưởng doanh thu đạt 32% và đóng góp 12% doanh thu. Đặc biệt, lợi nhuận lĩnh vực nông nghiệp của Hòa Phát cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2019. Bò Úc giữ thị phần số 1 Việt Nam, heo an toàn sinh học, trứng gà sạch của Hòa Phát cũng thuộc top đầu thị trường.
Lĩnh vực bất động sản hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế so với kế hoạch được giao. Khu Công nghiệp Phố Nối A, Hòa Mạc, Yên Mỹ II của Hòa Phát có tỉ lệ lấp đầy lên tới 100%. Hòa Phát cũng vừa được Thủ tướng phê duyệt đầu tư mở rộng Khu Công nghiệp Phố Nối A thêm gần 100 ha.
Mảng điện lạnh của Hòa Phát cũng đạt kinh doanh khá tích cực trong năm 2020. Nhờ tổng lực của các mảng kinh doanh, đặc biệt là mảng sắt thép đã giúp cho Hòa Phát làm nên kỷ lục mới, bất chấp dịch bệnh COVID-19.
Trái ngọt từ Khu liên hợp Dung Quất
Năm 2017, Tập đoàn Hòa Phát thành lập Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất, triển khai Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất tại tỉnh Quảng Ngãi với tổng vốn đầu tư 52.000 tỉ đồng. Khu liên hợp Hòa Phát Dung Quất có tổng cộng 4 lò cao, với công suất 4 triệu tấn thép mỗi năm, gồm 2 triệu tấn thép xây dựng và 2 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC).
Đây chính là siêu dự án chiến lược của Hòa Phát để đảm bảo vị thế nhà sản xuất thép hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Với vị trí địa lý của dự án Dung Quất này, Hòa Phát sẽ nhắm đến khu vực miền Nam và miền Trung là thị trường mục tiêu chính, nơi Hòa Phát mới chỉ chiếm khoảng 9% thị phần.
Ảnh: TL. |
Sau 3 năm đầu tư, đến năm 2020 Khu liên hợp Hòa Phát Dung Quất đã bắt đầu cho trái ngọt. Năm 2020, Tập đoàn có thêm sản phẩm chiến lược mới là thép cuộn cán nóng (HRC), công suất 3 triệu tấn/năm. Đây là sản phẩm đầy tiềm năng của Khu liên hợp Hòa Phát Dung Quất, khép kín và tối ưu hóa hệ sinh thái các sản phẩm thép từ quặng sắt đến phôi thép, thép xây dựng, thép chất lượng cao, thép rút dây, thép dự ứng lực, thép cuộn cán nóng, ống thép, tôn mạ, vỏ container.
Theo đánh giá của Ban lãnh đạo Hòa Phát, tự chủ công nghệ sản xuất HRC chính là miếng ghép hoàn hảo tạo nên nền tảng vững vàng cho hệ sinh thái các sản phẩm thép chất lượng cao khác mà Hòa Phát có thể sản xuất như thép cơ khí chế tạo, vỏ container rỗng... Chuỗi sản xuất của Hòa Phát được nối dài và ngày càng tối ưu, mang lại giá trị cao nhất cho khách hàng, cổ đông và xã hội.
Theo chia sẻ của ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hòa Phát, trong năm 2021, Tập đoàn sẽ nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục pháp lý để có thể sớm khởi công dự án Khu liên hợp Hòa Phát Dung Quất 2. Doanh nghiệp đặt mục tiêu sản xuất 8 triệu tấn thép thô, tiêu thụ hết lượng sản phẩm sản xuất ra, tiếp tục dẫn đầu thị phần cả nước về thép xây dựng, ống thép và bò Úc.
“Hòa Phát sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định với sản phẩm nông nghiệp, điện lạnh”, ông Trần Đình Long chia sẻ. Đối với lĩnh vực bất động sản, Ban lãnh đạo Hòa Phát cho biết sẽ tập trung mở rộng lĩnh vực bất động sản nhà ở với một số dự án tại các vùng động lực kinh tế, thanh khoản cao. Về mặt quản trị, các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ số, đào tạo và nâng cao chất lượng người lao động được đầu tư theo chiều sâu.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư