TPHCM có thể không xây trung tâm hành chính
Sau khi đi khảo sát trung tâm hành chính công ở TP Đà Nẵng và Quảng Ninh, UBND thành phố đề nghị Thường trực Thành ủy TP HCM cân nhắc việc xây trung tâm hành chính công vì đặc thù mỗi địa phương khác nhau.
Theo Phó chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến, không giống các tỉnh chỉ nhận vài trăm hồ sơ, thành phố có đến hơn 10.000 hồ sơ cần giải quyết mỗi ngày. Nếu dồn hết về trung tâm hành chính sẽ gây áp lực cho bộ máy. Trong khi đó, để xây dựng trung tâm hành chính thành phố phải tìm quỹ đất lớn, nguồn ngân sách lớn.
"Khi tập trung lượng lớn người và phương tiện về một khu sẽ không đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự. Trong khi ngân sách đang bị cắt giảm do thành phố phải chia sẻ với Trung ương và cả nước, mình phải có biện pháp tiết kiệm. Trước hết, việc xây dựng trụ sở phải hạn chế tối đa", ông Tuyến nói.
Ông Tuyến yêu cầu Sở Nội vụ sửa lại Báo cáo học tập kinh nghiệm trung tâm hành chính công tại Quảng Ninh và Đà Nẵng để báo cáo Thành ủy. Trong đó, nêu rõ đặc thù và điều kiện của thành phố có đủ triển khai xây dựng Trung tâm hành chính trong bối cảnh hiện nay hay không.
Ông Tuyến cho rằng, để phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp, thành phố nên triển khai một cửa liên thông điện tử (kèm dịch vụ trực tuyến) tại từng sở ngành, lĩnh vực. Mỗi lĩnh vực sẽ giao một sở làm đầu mối tiếp nhận và trả kết quả cho người dân. Sở đó phải liên thông với các đơn vị khác, không để người dân, doanh nghiệp cầm hồ sơ đi đến từng nơi.
Đồng thời, các sở ngành cần phấn đấu để đến năm 2020, 100% thủ tục hành chính các sở, ngành, quận, huyện liên quan đến người dân, doanh nghiệp áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (người dùng điền và gửi các mẫu văn bản qua mạng (mức độ 3), trả phí và nhận kết quả qua bưu điện (mức độ 4).
Theo ông Tuyến, trong những năm tới, nếu có điều kiện thành phố sẽ nghiên cứu xây dựng các trung tâm hành chính theo từng lĩnh vực đô thị, kinh tế, y tế, giáo dục...
Theo quy hoạch, Trung tâm hành chính TP HCM có diện tích 18.000 m2 được giới hạn bởi 4 tuyến đường Lê Thánh Tôn - Pasteur - Lý Tự Trọng - Đồng Khởi sẽ là nơi làm việc của 8 cơ quan Nhà nước với 90 phòng ban trực thuộc gồm khoảng 1.700 người.
Các cơ quan sẽ được bố trí tại khu trung tâm hành chính sau khi xây dựng xong gồm: Văn phòng UBND thành phố, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố, Sở Nội Vụ, Sở Thông tin và truyền thông, Sở Công thương, Ban đổi mới doanh nghiệp, Sở Tài nguyên - Môi trường và Sở Giao thông Vận tải.
Nguồn VnExpress
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Trực Thanh
-
Nguyễn Mai
-
Minh Đức