Việt Nam chưa giàu đã sắp già!
Không phải các nước Châu Âu hay Nhật, theo báo cáo gần đây của Liên hiệp Quốc, Việt Nam mới là quốc gia có tốc độ già hóa dân số thuộc hàng cao nhất thế giới từ trước đến nay. Lợi thế quốc gia có cơ cấu dân số vàng đang được thay thế bằng một thực trạng khác: Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển tiếp dân số, ghi tên vào nhóm nước có dân số già hóa rất nhanh, với gần 10% dân số, tức tương đương khoảng 9,5 triệu người trên 60 tuổi trong năm 2016, theo World Bank. Xu hướng đáng báo động này sẽ tác động trực tiếp đến tỉ trọng lực lượng lao động quốc gia và sức sản xuất của cả nền kinh tế trong bản đồ cạnh tranh với các quốc gia đang phát triển khác.
Lâu nay, một trong những ưu thế cạnh tranh quốc gia của Việt Nam trong việc thu hút các nhà đầu tư quốc tế chính là nguồn nhân lực dồi dào. Các chuyên gia phân tích của Ngân hàng Standard Chartered từng đưa ra thống kê các doanh nghiệp FDI có thể tiết kiệm được trung bình khoảng 12% chi phí thuê nhân công khi mở nhà máy tại Việt Nam so với giá nhân công trung bình của các quốc gia trong khu vực. Nhưng nay ưu thế này đã giảm đi thấy rõ. Lý do là dân số trong độ tuổi lao động đang giảm xuống. Mỗi năm, theo cách tính của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tỉ trọng dân số trong độ tuổi lao động (từ 15-64 tuổi) so với tổng dân số của Việt Nam dự kiến sẽ giảm 5% từ nay cho tới đầu thập niên 2040.
Theo World Bank, trong khoảng 10 năm nữa, khả năng thu hút đầu tư dựa vào ưu thế gia tăng lực lượng lao động, vốn được coi là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng quốc gia, sẽ gần “cạn kiệt”. Trong vài thập niên gần đây, do sự gia tăng nhanh chóng nhóm dân số trên 60 tuổi khiến cho đồ thị về tỉ lệ nhóm dân số phụ thuộc tăng theo chiều dốc (xem đồ thị). Có 3 đặc điểm đáng lưu ý về thực trạng già hóa dân số tại Việt Nam.
Đầu tiên, cũng giống các nước lân cận trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, quá trình già hóa nhanh chóng đã bắt đầu tại Việt Nam khi GDP bình quân đầu người còn khá thấp. Nhưng so với các nước giàu trong khu vực Đông Á và các nước OECD, Việt Nam bắt đầu già hóa với mức thu nhập thấp hơn nhiều. Hay nói cách khác, năng lực tài chính và hành chính cần có để quản lý quá trình này sẽ bị hạn chế. Ngay cả khi duy trì được mức tăng trưởng mạnh và bền vững, tốc độ già hóa cũng làm cho Việt Nam già trước khi giàu.
Kế đến, Tập đoàn ManpowerGroup vừa công bố xếp hạng Chỉ số trong Khoán việc và Cho thuê lại lao động trên phạm vi 75 quốc gia. Theo đó, Việt Nam chỉ đứng vị trí thứ 63 về sự sẵn có nguồn lực và đứng thứ 45 về năng suất lao động. Năng suất lao động của Việt Nam hiện thấp hơn Indonesia 10 lần, Malaysia 20 lần, Thái Lan 30 lần, Nhật tới 135 lần và “duy trì” trong nhóm 10% thấp nhất của khu vực châu Á. Rõ ràng, việc dân số già hóa gây ra tác động kép đến kinh tế quốc gia vì Việt Nam không chỉ thiếu nguồn lực dân số trong độ tuổi lao động mà còn thiếu hụt lao động có kỹ năng, được đào tạo.
Gánh nặng xã hội tiếp theo liên quan đến tình trạng nghèo và dễ bị tổn thương của người cao tuổi, thể hiện qua báo cáo về thu nhập của người cao tuổi. Kết quả điều tra người cao tuổi Việt Nam (VAS) năm 2011 cho thấy khoảng 18% người cao tuổi tại đô thị và 30% tại nông thôn cho rằng thu nhập của họ không, hoặc hiếm khi, đáp ứng đủ nhu cầu sống tối thiểu. 90% người cao tuổi Việt Nam không có tiền tiết kiệm. Và nhiều người trong số họ bị nợ nần chủ yếu liên quan đến việc đầu tư kinh doanh, mua nhà ở, chi phí y tế và chi tiêu hằng ngày, đặc biệt là người dân ở khu vực nông nghiệp và dân nghèo thành thị.
So với các nước giàu trong khu vực Đông Á và các nước OECD, Việt Nam bắt đầu già hóa với mức thu nhập thấp hơn nhiều. Ảnh: traveltimes.vn |
Ngoài ra, truyền thống chăm sóc phụng dưỡng thế hệ người già tại Việt Nam cũng thay đổi trong những thập niên qua khi tỉ lệ người già 60 tuổi trở lên sống cùng con cái giảm từ 80% (1993) xuống còn 50% tại nông thôn và 60% tại đô thị. Nguyên nhân có thể là do tỉ lệ di cư tăng tại nông thôn và do chi phí nhà ở cao tại đô thị. Di cư cũng làm cho hiện tượng người cao tuổi Việt Nam sống cùng “thế hệ cách quãng” tăng lên 7% so với tổng số hộ có người cao tuổi trong năm 2011, tức ông bà phải chăm lo thế hệ cháu thay vì được sống với con cái và nhận được sự chăm sóc từ họ.
Rõ ràng, giải pháp trong tương lai gần là tăng trưởng nền kinh tế quốc gia Việt Nam sẽ phải tập trung vào nâng cao năng suất lao động theo chiều sâu thay vì cạnh tranh theo số lượng như hiện tại. Thách thức trên thị trường lao động là phải chuẩn bị tốt trước thực trạng giảm dân số trong độ tuổi lao động và nâng cao năng suất lao động của lực lượng lao động còn lại. Về mặt tài khóa, rủi ro lớn nhất và cấp bách nhất là sự bền vững tài chính của hệ thống hưu trí và tỉ lệ tham gia thấp hiện nay. Còn có các thách thức khác liên quan đến chăm sóc y tế và chăm sóc tuổi già trong dài hạn.
Nguyệt Nguyễn
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Thái Huệ