Hủy
Kinh Doanh

Vina Capital chi 45 triệu USD mua cổ phần của Lọc hóa dầu Bình Sơn và PV Power

Như Quỳnh Thứ Năm | 22/02/2018 11:50

Vietnam Economic Times

 
 
Theo đánh giá của Vina Capital, 2 công ty trên đều rất hấp dẫn xét trên khía cạnh đầu tư.

Quỹ đầu tư hàng đầu của VinaCapital, Vietnam Opportunity Fund (VOF), đã đầu tư khoảng 45 triệu USD vào hai công ty con của PVN bao gồm Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power), Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) trong đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của 2 công ty này vào tháng 1 vừa qua.

Theo thông báo mới nhất, VOF đã mua lại cổ phiếu BSR với giá thấp hơn 4% so với giá bình thầu bình quân là 23.000 đồng. Quỹ này mua vào khoảng 10% số cổ phần BSR chào bán với giá trị gần 25 triệu USD. BSR có vốn hóa lớn và chiếm 33% thị phần lọc dầu tại Việt Nam, và đây là một khoản đầu tư hấp dẫn. Theo quan sát của VOF, ngành kinh doanh lọc dầu, có xu hướng ít bị ảnh hưởng bởi sự biến động giá dầu hơn các phân đoạn khác của ngành dầu khí.

Cùng lúc đó, VOF cũng đầu tư hơn 20 triệu USD vào PV Power, nhà máy điện lớn thứ hai tại Việt Nam, với tổng công suất 4,2 GW và vốn hóa thị trường hiện tại là 1,5 tỷ USD. Đây cũng là một khoản đầu tư hấp dẫn với P/E ước tính là 11,5 lần ở mức giá khởi điểm là 14,400 đồng.

"Chúng tôi đã tham gia vào PV Power và BSR bởi vì chúng tôi cảm thấy tiềm năng tăng trưởng rất mạnh và các tài sản này có thể đem lại một tỷ suất sinh lợi nội tại (IRR) là 25% trong khoảng thời gian từ 3-5 năm và thậm chí còn lâu hơn nữa", ông Andy Ho, Giám đốc Đầu tư của VinaCapital chia sẻ với Deal Street Asia.

Các đợt IPO của PV Power và BSR lần lượt thu về 6.997 tỷ đồng và 5.566 tỷ đồng vào tháng trước, đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quá trình cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam. "Tôi nghĩ họ là cơ hội tốt cho nhiều bên, trong đó có chính phủ và các nhà đầu tư, trong nước và quốc tế. Chính phủ thu về một khoản tiền đáng kể trong khi các nhà đầu tư có thể nắm giữ các tài sản lớn với tiềm năng tăng trong tương lai. Chúng tôi đang chờ đợi nhiều cơ hội hơn nữa trong năm 2018", ông Andy Ho cho hay.

Được thành lập vào năm 2003, VOF tập trung vào các thương vụ mua cổ phần của các công ty. Lĩnh vực đầu tư chủ yếu của Quỹ là tiêu dùng và công nghiệp, khu vực tài chính chiếm gần 10%. Tính đến cuối tháng 1/2018, NAV của VOF ở mức 1,19 tỷ USD, tăng 9,1% so với tháng trước đó. NAV trên mỗ cổ phần là 6,03 USD.

Trong danh mục của VOF, cổ phiếu của Tập đoàn Hòa Phát (HPG) vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất (16,3%), tiếp đến là Vinamilk (VNM), Tổng công ty Cảng hàng không (ACV). Ngoài ra, danh mục của quỹ còn có cổ phiếu KDH, PNJ, VJC, EIB, HDB, PVS và QNS.

Trong năm 2017, VOF đã mua cổ phần tại một số doanh nghiệp Việt Nam như Tasco, FPT Retail, Ngân hàng Phương Đông và HDBank. 

Nguồn Tổng hợp


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới