Hủy
Kinh Doanh

Vinamilk và những kế hoạch kinh doanh thận trọng trong 2021

Sơn Mai Thứ Năm | 29/04/2021 09:18

Theo kế hoạch của Vinamilk, năm 2021 công ty sẽ đạt doanh thu thuần 62.160 tỉ đồng, tăng 4,1%; kế hoạch lợi nhuận sau thuế 11.240 tỉ đồng, đi ngang. Ảnh: TL

 
 
Tại Đại hội Cổ đông, Vinamilk đưa kế hoạch kinh doanh thận trọng vì rủi ro COVID-19 có thể ảnh hưởng lớn đến giá nguyên liệu và thị trường tiêu thụ...

Sự yên ổn chỉ là tạm thời

Theo kế hoạch của Vinamilk, năm 2021 công ty sẽ đạt doanh thu thuần 62.160 tỉ đồng, tăng 4,1%; kế hoạch lợi nhuận sau thuế 11.240 tỉ đồng, đi ngang. Chia sẻ về lý do kế hoạch kinh doanh năm nay, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk cho biết, năm 2021 còn nhiều khó khăn.

"Công ty trình kế hoạch thận trọng vì chưa biết được tình hình tương lai thế nào, chỉ có thể chắc chắn và vững tin xây dựng kế hoạch khi Việt Nam có miễn dịch cộng đồng. Ấn Độ, Campuchia, Lào…tưởng chừng như yên ổn nhưng giờ lại không yên ổn, khi chưa có miễn dịch cộng đồng thì yên ổn chỉ là tạm thời", bà Liên chia sẻ tại Đại hội Cổ đông.

Thị trường nội địa 3 tháng đầu năm không như kỳ vọng nhưng bà Liên cho biết thị trường xuất khẩu vẫn tăng 8% so với cùng kỳ. Trước tình hình chi phí cước container và vận chuyển tăng mạnh, cổ đông cũng lo lắng ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của Vinamilk. Tuy nhiên, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết các khoản chi phí này chiếm tỷ trọng thấp trong hàng hoá xuất khẩu của Vinamik (do chủ yếu xuất bằng đường thuỷ) nên sức ảnh hưởng không đáng kể.

Thị trường nội địa 3 tháng đầu năm không như kỳ vọng nhưng thị trường xuất khẩu vẫn tăng 8% so với cùng kỳ.
Thị trường nội địa 3 tháng đầu năm không như kỳ vọng nhưng thị trường xuất khẩu vẫn tăng 8% so với cùng kỳ.

Theo bà Liên, những biến động có thể ảnh hưởng nhiều đến giá nguyên vật liệu, sức mua của thị trường. Khi nào có miễn dịch cộng đồng, kế hoạch kinh doanh sẽ tươi sáng và nỗ lực hơn. Theo bà Liên, trong quý I.2021, thị trường nội địa không được như kỳ vọng; nhưng xuất khẩu tăng 8%, nhỉnh hơn một chút so với tốc độ tăng của năm 2020.

Nói đến tình hình xuất khẩu, như tại Campuchia - nơi đặt nhà máy Angkormilk, diễn biến dịch bệnh trong hai tuần trở lại đây ngày càng nghiêm trọng. Phnom Penh bị phong toả, do đó cán bộ công nhân viên không đến được nhà máy. "Tạm thời chúng ta vẫn phải án binh bất động, nếu được phép sẽ xin vận chuyển hàng hoá liên tỉnh", bà nói. Trái lại, tình thế khả quan hơn ở Mỹ khi dự kiến đến tháng sau, gần như toàn bộ người dân nước này sẽ được tiêm phòng dịch. "Khoảng 200 trên hơn 300 triệu dân của Mỹ đã được tiêm ngừa, dự kiến đến tháng 5 sẽ hoàn thành tiêm ngừa toàn bộ. Lúc đó hy vọng tình hình trở về bình thường".

Ảnh: TL.
Vinamilk đã chú trọng triển khai thương mại điện tử trong mấy năm nay. Ảnh: TL.

Đối với việc phát triển thương mại điện tử, bà Mai Kiều Liên nói rằng Vinamilk đã chú trọng triển khai trong mấy năm nay. "Văn hóa Việt Nam là văn hóa xe máy, người ta có thể dừng bất kỳ đâu, vào hàng tạp hóa mua sữa. Tôi nghĩ thương mại điện tử phát triển lớn với hàng hóa tiêu dùng, chứ không phải là hàng tiêu dùng nhanh".

Nhưng bà Liên cho biết công ty vẫn đầu tư cho thương mại điện tử, lấy nền tảng là hệ thống Giấc mơ sữa Việt. Doanh số của thương mại điện tử hiện từ vài chục tỉ đồng, nhưng tăng trưởng nhanh, quý I năm nay gấp 2 – 3 lần cùng kỳ năm ngoái.

Giấc mơ sữa 

"Chúng tôi sẽ tiếp tục phục vụ người tiêu dùng khi có nhu cầu. Hệ thống cửa hàng Giấc mơ sữa Việt hiện có 500 cơ sở, và sẽ tăng lên trong tương lai. Đây là nơi chỉ bán các sản phẩm sữa của Vinamilk, phù hợp với thói quen mua sắm của người dân, giới thiệu các sản phẩm mới cũng như sử dụng tại chỗ…", bà Liên nói.

Về rủi ro khi tác động của hiệp định thương mại EVFTA, bà Liên tỏ ra không lo ngại. Bà chia sẻ ngành sữa đã không có nhiều bảo hộ từ nhiều năm nay, thuế nhập khẩu đã rất thấp so với các ngành khác. Mặt khác xuất khẩu sang châu Âu cũng không khả quan vì đây là trung tâm của ngành sữa thế giới.

Kế hoạch đầu tư CAPEX trong những năm tới được bà Liên cho biết sẽ không nhiều. Vinamilk đã chuẩn bị năng lực sản xuất trong giai đoạn 2017 – 2021, tăng lên từ 60 – 80%. Với năng lực này, công ty có thể đáp ứng nhu cầu đến năm 2025. Thay vào đó, Vinamilk sẽ đầu tư vào mua bán sáp nhập để tăng trưởng thêm, cũng có thể đi theo ngành kinh doanh mới nếu tiềm năng.

Ảnh:
Kế hoạch trả cổ tức của Vinamilk trong năm 2020 được thông qua là 41%, tương đương 4.100 đồng/cp. Ảnh: Euromonitor.

Trước đó, Vilico (công ty con của Vinamilk) công bố kế hoạch đầu tư dự án bò thịt dự kiến cho ra sản phẩm từ năm 2023, doanh thu tính toán trên 2.000 tỉ đồng. Đây là dự án có quỹ đất sẵn có trên Tam Đảo – Vĩnh Phúc, ngoài ra nguồn bò giống sẵn có từ Vinamilk và Mộc Châu Milk. Sản phẩm thịt bò của Vilico ngắm vào phân khúc trung cao cấp.

Kế hoạch trả cổ tức trong năm 2020 được thông qua là 41%, tương đương 4.100 đồng/cp. Vinamilk sẽ chi ra khoảng 7.871 tỉ đồng, tương ứng 71% lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ.

Bên cạnh những thảo luận về chiến lược kinh doanh, như mọi năm, câu chuyện chuẩn bị đội ngũ nhân sự kế thừa lại được bàn tới. Bà Mai Kiều Liên cho biết, đội ngũ kế thừa phải đáp ứng được tất cả yêu cầu trong tình hình mới, cạnh tranh gay gắt hơn, quy mô doanh nghiệp ngày một lớn hơn.

"Có những người chúng tôi đào tạo, nhưng sau cùng lại không đáp ứng được. Người lớn sẽ nghỉ, người trẻ sẽ lên nhưng kiếm được người thay thế là cả một quá trình. Nhân sự là vấn đề khó nhất trong các vấn đề khó, không chỉ ở Vinamilk mà tôi nghĩ doanh nghiệp nào cũng vậy", bà Liên nói.

►Tiếp tục đà tăng trưởng, Kido tăng gấp gần 2 lần lợi nhuận quí đầu năm


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới