WB: FDI vào Việt Nam tăng nhờ niềm tin của nhà đầu tư
Dù vậy, Chính phủ tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế thông qua việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công, tăng 35% so cùng kỳ trong 10 tháng đầu năm. Ảnh: T.L
Theo báo cáo World Bank (WB) vừa công bố, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa trong tháng 10 tại Việt Nam tiếp tục phục hồi, do nhu cầu từ các đối tác thương mại tiếp tục phục hồi dần. Trong đó, tăng trưởng nhập khẩu có liên quan chặt chẽ với sự phục hồi của xuất khẩu, do nguyên liệu đầu vào nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu chiếm 94% tổng lượng nhập khẩu. Tuy nhiên, cả xuất khẩu và nhập khẩu trong 10 tháng đầu năm vẫn ở mức giảm so với cùng kỳ năm trước.
Với các hoạt động kinh tế khác, qua phân tích số liệu hàng tháng, WB nhận định, các hoạt động kinh tế từ phía cung vẫn tiếp tục có cải thiện nhỏ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) hàng tháng đã bắt đầu tăng trưởng dương kể từ tháng 4/2023. Sự cải thiện này xuất phát từ việc tiếp tục mở rộng sản xuất công nghiệp của các sản phẩm xuất khẩu chủ chốt như giày dép và sản phẩm da, điện tử, máy tính, điện thoại di động, phương tiện cơ giới và thiết bị vận tải đều tăng, phản ánh nhu cầu bên ngoài tiếp tục phục hồi.
Nhưng các chuyên gia WB đánh giá, dù dữ liệu IIP cho thấy sự suy giảm trong sản xuất công nghiệp đã thoát đáy, nhưng triển vọng phục hồi mạnh mẽ vẫn chưa chắc chắn. PMI của Việt Nam vẫn ở trong vùng suy giảm trong tháng 10 (49,6 điểm), so với mức 49,7 điểm trong tháng 9.
S&P Global PMI chỉ ra rằng số lượng đơn đặt hàng mới chỉ tăng nhẹ trong tháng 10/2023 và không đủ để khuyến khích doanh nghiệp mở rộng sản xuất.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục là lĩnh vực thu hút FDI chính vào Việt Nam. Ảnh: Getty Images |
Về hoạt động đầu tư nước ngoài (FDI), theo WB, cam kết FDI lũy kế 10 tháng năm 2023 đạt 25,7 tỉ USD, cao hơn 14,7% so với cùng kỳ năm 2022, bất chấp những bất ổn toàn cầu, chủ yếu nhờ niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào sự ổn định và cởi mở của Việt Nam. Vốn FDI thực hiện lũy kế đạt 18 tỉ USD, tăng 3,2% so với một năm trước. Sản xuất công nghiệp tiếp tục là lĩnh vực thu hút FDI chính vào Việt Nam.
Dù vậy, tăng trưởng tín dụng vẫn chậm chạp, với mức tăng trưởng tín dụng trong tháng 10 chỉ đạt 9,3% so với cùng kỳ, so với mức 9,9% trong tháng 9. Con số này thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra (14%) và mức trước đại dịch (12-15%).
WB đánh giá, sự suy yếu kéo dài của khu vực đầu tư tư nhân và niềm tin của nhà đầu tư tiếp tục là nguyên nhân chính khiến tín dụng tăng trưởng chậm.
Với những phân tích nêu trên, WB nhận xét, xuất khẩu đang dần phục hồi, nhưng tiêu dùng trong nước vẫn còn khá trầm lắng và tình trạng tín dụng tăng trưởng chậm tiếp tục phản ánh đầu tư tư nhân trong nước và niềm tin của nhà đầu tư còn yếu.
Dù vậy, Chính phủ tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế thông qua việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công, tăng 35% so cùng kỳ trong 10 tháng đầu năm. Nhưng những thách thức trong quá trình thực hiện vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến việc triển khai ngân sách đầu tư. Nên WB khuyến nghị, Chính phủ có thể cân nhắc kéo dài chương trình hỗ trợ kinh tế đến năm 2024 để cho phép các dự án đầu tư được triển khai đầy đủ. Việc chuẩn bị các dự án có chất lượng cao hơn, bao gồm thông qua các nghiên cứu khả thi tốt hơn và cải cách thủ tục đầu tư công sẽ giúp đẩy nhanh quá trình thực hiện.
Hơn nữa, các chuyên gia WB cũng đề nghị về lộ trình đầu tư mang tính chiến lược, tập trung vào cơ sở hạ tầng xanh, có khả năng phục hồi và mang tính khu vực sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
Có thể bạn quan tâm:
Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 12,6% GDP năm 2022
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Hải Vân
-
Công Sang
-
Hải Đăng
-
Trung Nam