Xuất khẩu chạy đà vượt “barrier xanh”
Lãnh đạo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho biết sẽ tập trung phấn đấu giảm 30% lượng nước thải sau nhuộm bằng công nghệ mới. Ảnh: Quý Hòa
Mới đây, Ủy ban châu Âu đã thông qua Chiến lược phát triển bền vững và tuần hoàn dệt may của EU. Theo đó, các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của họ trong chuỗi giá trị, kể cả khi chúng trở thành chất thải... “Đây là khó khăn, thách thức còn hơn cả lạm phát... Sắp tới khi được luật hóa, nếu không đáp ứng được thì doanh nghiệp sẽ bị phạt và chính các đối tác mua hàng của mình cũng sẽ bị phạt”, ông Vương Đức Anh, Chánh Văn phòng Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), đưa ra cảnh báo.
Dệt may lo lắng
Tương tự với ngành da giày, theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), áp lực “xanh hóa” ngày càng nặng nề đối với doanh nghiệp xuất khẩu từ Việt Nam. Chẳng hạn, Đức sẽ đưa ra các đạo luật mới về thẩm định trách nhiệm của các chuỗi cung ứng, hoặc EU sẽ áp dụng việc đánh thuế đối với phát thải khí CO2 trên mỗi đơn vị sản phẩm.
“Trong thời gian tới, các thách thức trên sẽ đặt ra đối với những quốc gia tham gia chuỗi cung ứng, trong đó có Việt Nam. Theo tôi, đây cũng là khó khăn lớn nhất, đặc biệt đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ”, bà Xuân nhận định.
Xu hướng xanh ngày càng rõ nét khi người tiêu dùng khắp thế giới yêu cầu người bán phải đáp ứng nhiều hơn các vấn đề liên quan tới truy xuất nguồn gốc nguyên liệu, sử dụng nhiều vật liệu tái chế hoặc tái sinh hơn, giảm lượng khí thải carbon... Các hiệp định FTA thế hệ mới, đặc biệt là CPTPP, EVFTA đang đặt ra nhiều tiêu chuẩn cao về hàng rào kỹ thuật cho sản phẩm nhập khẩu nên doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng được hoặc phải rời bỏ thị trường này.
“Sau khi đại dịch bùng nổ, người ta càng quan tâm đến xu hướng tiêu dùng xanh, nông nghiệp hữu cơ vì mục đích cuối cùng cũng là sức khỏe, sống để có bầu không khí hít thở, thực phẩm sạch để ăn, nâng cao miễn dịch để kháng bệnh. Sự bùng nổ này sẽ diễn ra ở Mỹ, châu Âu và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam", ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinamit, cho biết.
Với các yêu cầu về tiêu chuẩn xanh, lãnh đạo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho biết sẽ tập trung phấn đấu giảm 30% lượng nước thải sau nhuộm bằng công nghệ mới; sử dụng lại 30% nước thải sau xử lý cho công đoạn giặt, rửa, vệ sinh; phấn đấu 10% lượng điện sử dụng có nguồn gốc từ năng lượng tái tạo... Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas, đưa ra lời khuyên, doanh nghiệp có thể tiếp cận các tổ chức tài chính, môi trường quốc tế để xây dựng lộ trình chuyển đổi sang sản xuất xanh.
Xu hướng xanh ngày càng rõ nét khi người tiêu dùng khắp thế giới yêu cầu người bán phải đáp ứng nhiều hơn các vấn đề liên quan tới truy xuất nguồn gốc nguyên liệu. Ảnh: Quý Hòa |
Tìm dòng tiền xanh
Trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, Việt Nam đã có Đề án phát triển ngân hàng xanh, xây dựng thông tư về quản lý rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, tăng dần tỉ trọng dư nợ tín dụng xanh... Tuy nhiên, chính khó khăn trong việc tiếp cận nguồn tài chính xanh khiến khả năng hấp thụ công nghệ xanh hoặc tạo ra các ngành nghề kinh doanh xanh của doanh nghiệp Việt Nam còn thấp.
Theo đề xuất của ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, trái phiếu xanh chính phủ sẽ thiết lập một tiêu chuẩn cho khối tư nhân khi tiếp cận thị trường vốn quốc tế, cụ thể là về chuyển đổi năng lượng. “Kinh tế tuần hoàn là chủ đề quan trọng nhưng nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với các thách thức khi triển khai. Điều này là do thiếu vắng hướng dẫn và quy định rõ ràng trong việc kiểm soát lượng khí thải cũng như định nghĩa thế nào là xanh trong từng lĩnh vực cụ thể”, ông nói.
Bà Michele Wee, Chủ tịch Nhóm công tác Ngân hàng Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, nhấn mạnh, để đạt được các mục tiêu phát triển xanh và phát triển bền vững, tài chính là yếu tố cốt lõi quyết định quá trình chuyển đổi. “Để đạt được tăng trưởng xanh đòi hỏi sự thay đổi đáng kể trong đầu tư. Trong khi đó, việc phát hiện và tiếp cận nguồn tài trợ biến đổi khí hậu mới cũng như lồng ghép vấn đề môi trường và khí hậu vào chiến lược tài chính doanh nghiệp vẫn còn là thách thức lớn đối với các chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức đang tìm kiếm cách thức thực hiện chiến lược, kế hoạch và dự án carbon thấp", bà nói.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Trực Thanh
-
Nguyễn Mai
-
Minh Đức