Thêm hậu cần cho đoàn phim quốc tế
Dù nhiều cảnh quan tại Việt Nam xứng tầm kỳ quan của thế giới nhưng dịch vụ hậu cần phục vụ tại địa phương vẫn chưa thể đáp ứng được quy mô và tính chất chuyên nghiệp khắt khe chuẩn quốc tế. Ảnh: TL.
Phát biểu tại tọa đàm “Việt Nam - Điểm đến mới của điện ảnh thế giới” vào ngày 10/9 tại Hà Nội, Bộ trưởng Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết trong 12 lĩnh vực của công nghiệp văn hóa, điện ảnh và du lịch là 2 ngành trọng tâm. Sức mạnh của điện ảnh không chỉ ở lĩnh vực nghệ thuật mà còn ở yếu tố văn hóa. Nếu Việt Nam biết tận dụng thế mạnh này gắn kết điện ảnh - du lịch, sức lan tỏa về điểm đến tới du khách quốc tế sẽ rất cao.
Tiềm năng lớn
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Nguyễn Trùng Khánh cho biết, theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2024, trụ cột tài nguyên thiên nhiên và văn hóa của Việt Nam được đánh giá cao, xếp hạng 26 và 28. Ông Khánh đánh giá đây là nguồn tài nguyên tốt để phát triển du lịch kết hợp với điện ảnh. Thành công của phim Kong: Skull Island với những cảnh quay tại Hạ Long, Quảng Bình, Ninh Bình cho thấy Việt Nam hoàn toàn có khả năng trở thành phim trường của những bộ phim bom tấn Hollywood.
Những ngày cuối tháng 9 năm nay, đoàn Việt Nam do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có mặt tại Mỹ trong chương trình xúc tiến du lịch - điện ảnh Việt Nam với chủ đề “Việt Nam - Điểm đến mới của điện ảnh thế giới”. Có nhiều đạo diễn nổi tiếng, các hãng phim, công ty điện ảnh và những diễn viên có tầm ảnh hưởng của Hollywood đến tham dự, trong đó có Oliver Stone - đạo diễn, nhà biên kịch từng giành 3 giải Oscar. Bước đầu, có 5 hợp đồng sẽ được ký kết trong chuyến xúc tiến này, trong đó các địa phương cam kết sẽ bảo trợ và có cơ chế hỗ trợ các đoàn làm phim Mỹ. Dự kiến, sắp tới sẽ có các cuộc xúc tiến điện ảnh Mỹ tại Việt Nam.
Những năm qua Oxalis Adventure, một công ty chuyên về du lịch mạo hiểm ở Quảng Bình, đã đón các đoàn phim Hollywood như Kong: Skull Island, Planet Earth III; chương trình truyền hình như Good Morning America... Ngoài Oxalis, Việt Nam hiện có khoảng vài chục công ty chuyên phục vụ dịch vụ hậu cần cho các dự án phim điện ảnh, phóng sự, phim quảng cáo, thương mại... như The CREATV, VProduction, Red Bridge, Vantage Pictures, Trung Trinh: Local Fixer Vietnam, Fatman Films Vietnam, Plan A Production, Etherium Sky Films & TV Production, Project Shipping Vietnam…
Chẳng hạn, vào tháng 3 năm nay, nhà thầu vận tải đa phương thức hàng hóa tải trọng lớn Project Shipping Vietnam đã hoàn thành đơn hàng đặc biệt cho đoàn làm phim của Mỹ đến Việt Nam là toàn bộ thiết bị điện ảnh, gồm 2 container 40HC vận chuyển bằng đường biển và 15 tấn bằng đường hàng không.
Ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Project Shipping Vietnam, cho biết: “Với sự hỗ trợ logistics chuyên nghiệp, chúng tôi đã đảm bảo toàn bộ thiết bị được bảo quản cẩn thận, không bị ảnh hưởng từ các yếu tố môi trường và nhiệt độ, đồng thời tối ưu hóa quy trình thông quan để rút ngắn thời gian vận chuyển cũng như phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị vận chuyển đường biển và hàng không. Kết quả là 2 kiện hàng quy mô lớn đã được giao nhận một cách an toàn và đúng kế hoạch, không gặp bất kỳ sự cố nào để quá trình sản xuất phim tại phim trường ở Thủ Đức, TP.HCM bắt đầu ngay lập tức, không làm gián đoạn tiến độ dự án của họ”.
Còn thiếu chuyên nghiệp
Dù nhiều cảnh quan tại Việt Nam xứng tầm kỳ quan của thế giới nhưng dịch vụ hậu cần phục vụ các đoàn phim của Mỹ tại địa phương vẫn chưa thể đáp ứng được quy mô và tính chất chuyên nghiệp khắt khe chuẩn quốc tế.
Qua quá trình làm việc, Tổng Giám đốc Oxalis Nguyễn Châu Á cho biết các đoàn làm phim nước ngoài mong Việt Nam có nhiều công ty sản xuất, hậu cần phục vụ các đoàn phim quốc tế chuyên nghiệp. Các dịch vụ cao cấp dành cho những ngôi sao hạng A của thế giới, Việt Nam cũng còn thiếu. Hiện các đoàn phim quốc tế phải thuê người từ Úc, Thái sang.
“Đối với dự án lớn như phim Kong: Skull Island thì thành viên đoàn làm phim Hollywood sang đây lên đến hơn 150, do đó họ tự thuê các dịch vụ hậu cần của các công ty chuyên nghiệp từ các nước thứ 3, trong khi Oxalis cung cấp bối cảnh quay phim, hỗ trợ làm việc với chính quyền, cung cấp nguồn nhân lực hỗ trợ hoạt động quay phim...”, ông Châu Á nói.
Các dịch vụ hậu cần chuyên nghiệp mà ông Châu Á đề cập, bao gồm cung cấp dịch vụ khảo sát bối cảnh, xin cấp phép quay phim cấp bộ, đàm phán với các bối cảnh địa phương, hậu cần đi lại, ăn ở, dịch vụ văn phòng cho đoàn phim và các ngôi sao, dịch vụ điện, nước, ánh sáng, hậu cần trang phục, trang điểm và nhiều dịch vụ khác. Đặc biệt, đối với những dự án phim lớn có vài trăm người tham gia thì khâu dịch vụ hậu cần đòi hỏi càng nhiều. Đối với các dự án phim bom tấn, các yêu cầu về dịch vụ càng cao cấp hơn nữa.
“Với các dự án quay phim tư liệu hay video ca nhạc thì ê-kíp đoàn làm phim có phần nhỏ gọn và linh động hơn về trang thiết bị hậu cần. Các dự án như Planet Earth III, đoàn làm phim có 6 người, còn đoàn Good Morning America có 10 người, cần những dịch vụ tương tự nhưng trang thiết bị của họ khoảng 1 tấn, do đó nhân sự Oxalis vẫn phải bố trí vào khoảng 150 người và kéo dài trong gần 3 tuần. Oxalis lo khâu vận chuyển thiết bị vào hang, lo an toàn và tổ chức hành trình cho đoàn, bảo đảm ăn uống trong suốt hành trình, sắp xếp các kỹ thuật ánh sáng và trợ lý hậu cần. Ngoài ra, Oxalis còn hỗ trợ công tác xin cấp phép làm phim”, ông Châu Á cho biết.
Theo quan sát của ông Châu Á, các công ty, đội ngũ của các nước như Úc và Thái Lan mà các đoàn phim quốc tế thuê sang Việt Nam hỗ trợ hậu cần cho họ, đã làm việc rất chuyên nghiệp. Tùy theo yêu cầu phức tạp của dự án, họ có thể thuê giám đốc bối cảnh, trang điểm, hiệu ứng âm thanh hay thậm chí là dịch vụ ăn uống chuẩn hạng A của Hollywood, bởi vì những dịch vụ này Việt Nam chưa có hay chưa đạt theo mong đợi của Hollywood.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư