Hủy
Tạp chí số 858

Đua mở rộng quỹ đất

Minh Đức Thứ Năm | 20/02/2025 07:30

Theo Bộ Xây dựng, tổng lượng giao dịch nhà ở và đất nền trong năm 2024 tăng trưởng mạnh so với năm 2023. Ảnh: Markettimes.vn

 
 
Cuộc đua mở rộng quỹ đất ra các đô thị vệ tinh, khu vực lân cận trong bối cảnh giá đất sạch có thể không còn dễ tiếp cận như trước đây.

Vingroup vừa đề xuất làm dự án Khu đô thị mới phía Tây Bắc (Khu 1) tại thành phố Bắc Ninh với vốn đầu tư ước hơn 44.500 tỉ đồng, quy mô gần 270 ha. Tập đoàn này cũng quan tâm đến Khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng Mekong tại tỉnh Hậu Giang với diện tích gần 3.000 ha, tổng mức đầu tư dự kiến 6,2 tỉ USD. Hoạt động tạo quỹ đất của những doanh nghiệp đầu ngành như Vingroup phát tín hiệu tích cực của thị trường, vốn tiếp nối đà phục hồi từ năm ngoái, khi 3 bộ luật liên quan đến bất động sản bắt đầu phát huy hiệu quả.

Theo Bộ Xây dựng, tổng lượng giao dịch nhà ở và đất nền trong năm 2024 tăng trưởng mạnh so với năm 2023. Lượng giao dịch chung cư và nhà ở riêng lẻ đạt hơn 137.000 căn, trong khi giao dịch đất nền gần chạm mốc 447.000 lô, tăng 38% so với năm trước đó. Chính phủ tiếp tục thúc đẩy chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ chủ đầu tư và người mua nhà tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho vay hơn 4.000 tỉ đồng, trong đó hơn 2.100 tỉ đồng đã được giải ngân cho các chủ đầu tư.

 

Cuộc đua mở rộng quỹ đất tiếp nối dự báo lạc quan của VIS Rating cho thấy năm 2025 doanh thu của doanh nghiệp bất động sản dự kiến tăng 25-50%, chủ yếu dẫn dắt bởi các chủ đầu tư lớn như Vinhomes, Đất Xanh, Nam Long, Sun Group, Masterise, Gamuda Land, CapitaLand... Dòng vốn FDI trong lĩnh vực này đang trên đà tăng trưởng cũng là động lực cho thị trường bất động sản bứt phá năm 2025. Năm ngoái, vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản đạt khoảng 6,3 tỉ USD, chiếm 16,5% tổng vốn đầu tư, tăng hơn 35% so với năm 2023. Tính riêng vốn đăng ký cấp mới vào bất động sản đạt hơn 3,7 tỉ USD.

Theo báo cáo từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), miền Bắc chiếm 60% tổng nguồn cung nhà ở mới trong năm 2024, trong khi miền Nam và miền Trung chỉ chiếm lần lượt 29% và 11%. Đặc biệt, các dự án đại đô thị ở vùng ven và các tỉnh, thành lân cận Hà Nội, TP.HCM đang là xu hướng chủ đạo khi quỹ đất tại khu vực trung tâm ngày càng khan hiếm và giá trị đang leo thang.

Các doanh nghiệp lớn đóng góp tới 62% tổng nguồn cung nhà ở mới trong năm 2024. Cụ thể, Vinhomes giữ tỉ trọng 20,5%; Vinhomes cùng đối tác chiếm thêm 7%; CapitaLand 10,5%; Masterise 9,4%; MIK 7%; Sun Group 5,5%; các doanh nghiệp khác chia nhau phần còn lại. VARS ghi nhận chung cư chiếm tới 70% tổng nguồn cung nhà ở mới trong năm 2024 với phân khúc cao cấp đạt 47% và hạng sang, siêu sang lên đến 27%. Con số này phản ánh xu hướng đô thị hóa, khi quỹ đất tại các thành phố lớn ngày càng eo hẹp và nhu cầu nhà ở theo hướng tiện nghi, hiện đại tăng cao.

 

Với lợi thế tài chính, tại khu vực phía Nam, Sun Group cũng đề xuất một loạt dự án quy mô lớn như Khu đô thị Thanh Đa hơn 400 ha (quận Bình Thạnh), Công viên văn hóa lịch sử các dân tộc Việt Nam 400 ha (Thủ Đức), Công viên du lịch sinh thái Safari Củ Chi hơn 450 ha hay Khu thể thao Rạch Chiếc (Thủ Đức) 212 ha... Trong khi đó, dù có quỹ đất sạch lên đến 685 ha nhưng Nam Long vẫn thúc đẩy mua thêm quỹ đất và M&A các dự án sạch. Ông Lucas Ignatius Loh Jen Yuh, Tổng Giám đốc Nam Long Group, cho biết nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu chuẩn bị quỹ đất lớn, tranh thủ thâu tóm các quỹ đất đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính để hưởng lợi thế về sau. Bởi nhiều khả năng giá đất các thị trường vệ tinh có thể tăng mạnh hơn theo sự thay đổi của bảng giá đất mới từ năm 2026.

Theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc Bộ phận Tiếp thị nhà ở CBRE Việt Nam, với các quy định từ 3 luật mới, doanh nghiệp sẽ có những cách thức khác nhau để tiếp cận quỹ đất. Hầu hết chủ đầu tư đang phải thận trọng tính toán để cân chỉnh chi phí đầu vào và tập trung vào chiến lược mở rộng quỹ đất ra các đô thị vệ tinh, những khu vực lân cận. Đại diện của Nam Long cũng đánh giá xu hướng phát triển tương lai là các thành phố vệ tinh sẽ giúp mở rộng nguồn quỹ đất.

Sức nóng của các thị trường này sẽ trở nên rõ ràng hơn khi hạ tầng trọng điểm như Vành đai 2, Vành đai 3, cao tốc, sân bay, Metro... dần thành hình trong 2-3 năm tới. Tuy nhiên, giá đất sạch có thể không còn dễ tiếp cận như trước đây. Bởi vì, doanh nghiệp có kế hoạch săn đất thô, hoàn thiện pháp lý để phát triển dự án đang gặp khó khăn do phải chờ một số địa phương xong phương án bảng giá đất để xác định chi phí đầu vào. Báo cáo của DKRA cho thấy khi quỹ đất nội đô ngày càng khan hiếm và chi phí phát triển tăng cao, vướng thủ tục pháp lý... thì việc tìm kiếm cơ hội ở các vùng lân cận trở thành lựa chọn chiến lược của các nhà đầu tư và chủ đầu tư dự án trong thời gian tới.

Ông David Jackson, Tổng Giám đốc Avison Young Việt Nam, nhận định khi các tín hiệu tích cực xuất hiện rõ hơn là lúc nhà đầu tư tái khởi động dòng vốn vào các giao dịch và để sẵn sàng đón đầu làn sóng phát triển theo vòng tuần hoàn. Dòng tiền bắt đầu có dấu hiệu dịch chuyển vào phía Nam và những dự án được triển khai bởi các chủ đầu tư uy tín, tiến độ xây dựng đảm bảo, pháp lý rõ ràng cùng các tiện ích cơ sở hạ tầng... sẽ là ưu tiên lựa chọn. 

Có thể bạn quan tâm 

Có hàng là mở bán


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới