Hủy
NTP

Gần 30.000 tỉ đồng trái phiếu đã được mua lại trước hạn

Ngọc Tâm Chủ Nhật | 07/05/2023 16:52

Theo VCBS, lãi suất ngừng tăng là điểm tích cực giúp các tổ chức phát hành tập trung vào giai đoạn tái cấu trúc trái phiếu doanh nghiệp đến hạn. Ảnh: TL.

 
 
Trong quý I/2023, các doanh nghiệp đã mua lại trước hạn lượng trái phiếu trị giá 29.863 tỉ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ năm 2022.

Số liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong quý I/2023, có 6 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng trị giá 3.521 tỉ đồng, chiếm 12,3% tổng giá trị phát hành và 12 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 25.035 tỉ đồng, chiếm 87,7%.

Phát hành trái phiếu doanh nghiệp quý I/2023 tiếp tục sụt giảm, thấp hơn 63% so với cùng kỳ. Hoạt động phát hành diễn ra rất thưa thớt trong 2 tháng đầu năm và chỉ bắt đầu khởi sắc kể từ tháng 3 sau khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP được ban hành. Bất động sản là nhóm ngành chiếm phần lớn giá trị phát hành trong quý với 24.235 tỉ đồng, tương đương 92%. 7/8 số đợt phát hành của doanh nghiệp nhóm này có tài sản đảm bảo bằng bất động sản hoặc bảo lãnh từ ngân hàng. 

 

Số liệu từ VBMA, trong 3 tháng đầu năm, hầu hết trái phiếu phát hành đến từ nhóm bất động sản và lãi suất nhóm này thường ở mức cao so với mặt bằng chung. Kỳ hạn phát hành bình quân trong quý I/2023 cũng gia tăng so với cùng kỳ năm trước, từ 3,09 năm lên 4,14 năm. Trái phiếu của nhóm xây dựng, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đều có kỳ hạn tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022.

Trong quý I/2023, các doanh nghiệp đã mua lại trước hạn lượng trái phiếu trị giá 29.863 tỉ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, nhóm bất động sản đứng đầu khi thực hiện mua lại 8.682 tỉ đồng, tương đương 29% tổng giá trị mua lại. Xếp sau là nhóm xây dựng với 5,454 tỉ đồng, chiếm 18%. Hầu hết trái phiếu được mua lại sẽ đáo hạn vào năm 2023 và 2024. Doanh nghiệp bất động sản vẫn tiếp tục thực hiện mua lại trái phiếu tương đối nhiều trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn và trả lãi, gốc trái phiếu đúng hạn.

Áp lực đáo hạn
Áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn còn khá cao trong năm 2023-2024. 

Ở chiều ngược lại quý I/2023, có 24 tổ chức phát hành chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu với tổng giá trị 6.472 tỉ đồng. Trong đó, 15 tổ chức phát hành trong danh sách chậm trả là doanh nghiệp bất động sản giữa bối cảnh nguồn huy động vốn hạn hẹp và thị trường bất động sản diễn biến bất lợi.  

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), năm 2023 là thời điểm đẩy mạnh các hoạt động tái cấu trúc trái phiếu sắp tới hạn đặc biệt khi Nghị định 08 đã được ban hành. VCBS cho rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiếp tục giai đoạn trầm lắng với thanh khoản thấp. Điểm đáng chờ đợi sẽ là thời điểm hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp tập trung đi vào vận hành và đem lại tính thanh khoản tốt hơn đối với sản phẩm này.

Theo VCBS, lãi suất ngừng tăng là điểm tích cực giúp các tổ chức phát hành tập trung vào giai đoạn tái cấu trúc trái phiếu doanh nghiệp đến hạn. Giai đoạn này tâm lý các nhà đầu tư đặc biệt là cá nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, lý giải một phần sức ép lên các hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn.

“Như vậy, mặt bằng lãi suất cao đi cùng với việc nhà đầu tư cần thêm thời gian để lấy lại niềm tin đối với trái phiếu doanh nghiệp, sẽ khiến thị trường này trở nên kém hấp dẫn với nhà đầu tư khi xét tới tương quan rủi ro - lợi nhuận”, VCBS nhận định. 

Có thể bạn quan tâm 

Ngân hàng “nhẹ gánh” nợ xấu


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới