Nhà giàu đổi màu hộ chiếu
Các điểm đến của làn sóng định cư phần lớn là các quốc gia phát triển hay còn gọi là thế giới thứ nhất như Mỹ, Úc, Canada và châu Âu.
Sau hơn 10 năm chờ đợi, gần đây, chị Thùy Linh (38 tuổi, quận Phú Nhuận, TP.HCM) mới cùng gia đình hoàn tất các thủ tục để nhập cư vào Mỹ theo diện bảo lãnh người thân. Cuộc sống tiếp theo ở Houston, thành phố đông dân nhất Texas và là thành phố đông dân thứ 4 tại nước Mỹ, khiến chị rất háo hức. Ở đó, chị và chồng đã lên kế hoạch tương lai nghề nghiệp, chất lượng sống và đặc biệt là một tương lai rộng mở cho đứa con 4 tuổi của chị. “Giấc mơ đã thành hiện thực và bây giờ, chúng tôi sẽ xây dựng một cuộc sống mới với giấc mơ này”, chị Linh cho biết.
Chị Linh và gia đình của mình đã gia nhập vào nhóm gần khoảng 100.000 người di cư khỏi Việt Nam mỗi năm tính trung bình trong 26 năm qua theo báo cáo của Tổ chức Di cư Quốc tế (International Organization for Migration). Các điểm đến của làn sóng định cư phần lớn là các quốc gia phát triển hay còn gọi là thế giới thứ nhất như Mỹ, Úc, Canada và châu Âu. Làn sóng di cư của người Việt Nam đang lan ra một số quốc gia mới như New Zealand, Canada, Malta, Cyprus (Cộng hòa Síp)...
Muôn màu các cách mà người Việt tìm đường đi định cư. Nếu cách phổ biến nhất trong những năm 90 là người thân tại nước ngoài bảo lãnh, thì làn sóng nối tiếp của định cư là xuất khẩu lao động tại các nước như Nhật, Đài Loan và Hàn Quốc.
Khi kinh tế Việt Nam bắt đầu tăng trưởng nhanh, làn sóng du học nổi lên rộng rãi hơn 1 thập niên trước, nhiều người trẻ đi học và tìm đường ở lại.
Khi kinh tế người Việt cải thiện, thì làn sóng đầu tư để định cư tại nước ngoài lại bắt đầu nổi lên. |
Trong 10 năm gần đây, người Việt không chỉ đi xuất khẩu lao động với các công việc tay chân như trước, mà đã có thể đi định cư theo các chương trình thu hút lao động trí thức của các nước phát triển. Thêm vào đó, khi kinh tế người Việt cải thiện, thì làn sóng đầu tư để định cư tại nước ngoài lại bắt đầu nổi lên.
“Thẻ xanh” đang nhạt màu
Do các yếu tố lịch sử, “giấc mơ Mỹ” là một phần trong văn hóa người Việt trong nửa cuối của thế kỷ XX. Vì lẽ đó, cộng đồng tại Mỹ là cộng đồng người Việt Nam lớn nhất trên thế giới. Nếu lấy số liệu của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài thì có khoảng 4,5 triệu người Việt Nam đang sống chính thức ở nước ngoài. Cục Thống kê Liên bang Mỹ cho biết có hơn 2 triệu người Việt đang ở đất nước cờ hoa. Nói cách khác có gần phân nửa người Việt sống ở nước ngoài là tại Mỹ.
Dư âm giấc mơ Mỹ lại được người Việt tiếp tục thực hiện thông qua du học hay mới hơn là định cư đầu tư. Theo Bloomberg, trong những năm gần đây, số lượng người Việt Nam di dân tăng trưởng ở mức trên 6% mỗi năm. Trong đó, số người đi theo diện thị thực đầu tư định cư EB-5 vào Mỹ năm 2017 tăng hơn 4 lần lên so với năm 2014. Trước đó, 2 năm liền 2015-2016, Việt Nam là 1 trong 2 nước có số người di cư tới Mỹ theo thị thực EB-5 đông nhất, chỉ sau Trung Quốc. Theo Wall Street Journal, hiện nay, khoảng 20% vốn đầu tư bất động sản ở Mỹ theo chương trình EB-5 đến từ Việt Nam, chỉ đứng sau mức 30% của Trung Quốc và 25% của Ấn Độ.
Tuy nhiên, giấc mơ Mỹ trở nên xa vời hơn với chủ nghĩa dân tộc cực đoan của Tổng thống Donald Trump. Chính sách di dân đầu tư EB-5 của Mỹ ngày càng khép lại. Theo luật của Chính phủ Mỹ, mỗi năm, quốc gia này cấp tổng cộng 10.000 visa nhập cư áp dụng cho người dân ở các nước khác vào sinh sống trên lãnh thổ Mỹ. Mỗi quốc gia được cấp tối đa 700 visa và sẽ được gia hạn thêm nếu các quốc gia còn lại không sử dụng hết hạn ngạch. Nhưng thực tế, lượng visa chờ xét duyệt vào Mỹ đang tồn đọng cao chưa từng có.
Đơn cử là Trung Quốc, nơi nhiều người định cư sang quốc gia khác đang có số hồ sơ tồn đọng ở Mỹ cao kỷ lục: hơn 20.000 hồ sơ, ước tính trung bình 1 hồ sơ là gia đình 3 người, tức có hơn 60.000 visa cần cấp. Điều nay có nghĩa là khách hàng Trung Quốc nào có ý định đầu tư diện EB-5 trong thời điểm này, phải đợi ít nhất là 14 năm nữa.
Người Việt Nam hiện cũng chịu tình trạng “thắt cổ chai” khâu duyệt visa. Có khoảng 2.000 hồ sơ đang tồn đọng, trung bình 1 gia đình Việt Nam có khoảng 4 người, ước tính có 8.000 visa cần được duyệt. Giống như Trung Quốc, người Việt Nam cần chờ hàng chục năm mới được đến Mỹ. “Rất may mắn gia đình tôi đã được duyệt visa trước thời điểm ông Trump lên làm Tổng thống. Hiện nhiều người thân trong gia đình tôi bị tắc lại do chính sách hạn chế nhập cư”, chị Thùy Linh cho biết.
Nguyên nhân tồn đọng, theo ông Đặng Quang Vinh, Tổng Giám đốc Công ty Khai Phú, đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn đầu tư và di trú, nhiều khả năng phía Mỹ đang muốn tăng giá trị một suất đầu tư EB-5 lên, có khả năng là gấp đôi. Hiện nay, một suất đầu tư diện EB-5 trị giá 500.000USD nhưng đây là chính sách được ban hành từ thập niên 90.
Một lượng lớn các nhà đầu tư đổ xô vào Mỹ trong thời gian qua khiến chính phủ nước này phải xem xét việc nâng hạn mức đầu tư vì khả năng mở rộng thêm hạn ngạch visa hằng năm là rất thấp. Mặt khác, nâng hạn mức đầu tư cũng giúp Mỹ thu hút được nhiều nhà đầu tư chất lượng hơn và tăng ngân sách. Không chỉ Mỹ, quốc gia có cộng đồng với gần 300.000 người Việt là Úc, cũng đang siết lại chính sách nhập cư. Theo trang tin tức SBS của Úc, số liệu di trú mới nhất cho thấy di dân đến quốc gia này đã giảm 10%, mức thấp nhất kể từ năm 2007. Trong năm tài chính vừa qua, dù đặt ra con số di dân được phép vào Úc tối đa là 190.000 người, nhưng con số thực tế chỉ có 163.000 người.
Trước đó vào tháng 2, cựu Thủ tướng Tony Abbott là người đã lên tiếng kêu gọi cắt giảm mức di dân tối đa hằng năm xuống còn 110.000 người, nhằm giảm mức sinh hoạt phí và giảm tỉ lệ tội phạm. Nhưng sự phản đối từ phía Liên minh Nghiệp đoàn Thương mại và Tổ chức Kỹ nghệ Úc đã khiến Chính phủ phải giữ nguyên số lượng nhập cư là 190.000 người. Sự sụt giảm lượng di dân là điều đã được tiên đoán trước, sau khi có những siết chặt trong quy trình xét duyệt sử dụng kỹ thuật dữ liệu mới. Phần sụt giảm lớn nhất là di dân đi theo diện gia đình, cụ thể là visa bảo lãnh vợ chồng, đã giảm 15%.
Thêm những cánh cửa “shopping hộ chiếu”
Ước tính chưa đầy đủ của những chuyên gia tư vấn định cư cũng cho thấy mỗi năm, chỉ riêng nhóm doanh nhân thông qua các suất đầu tư nhà đất và dự án nhằm hợp thức hóa visa định cư hay quyền thường trú nhân đã mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam khoảng 10-12 tỉ USD. Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản Mỹ (NAR), người Việt đổ 3 tỉ USD mua nhà ở Mỹ trong năm 2017 nhưng con số thực tế có thể cao hơn nhiều. Trước đây, các nhà phát triển bất động sản muốn huy động vốn khoảng từ 50 triệu USD đến 100 triệu USD, đặc biệt ở New York, phải tìm đến Trung Quốc. Còn hiện nay, Việt Nam đang nổi lên như một nguồn vốn mới thay thế.
Thời gian gần đây, ngày càng nhiều các cuộc hội thảo chào mời các dự án bất động sản tại nước ngoài kèm theo những ưu đãi về điều kiện nhập cư. Các quốc gia châu Âu là nơi mà khá nhiều nhà đầu tư Việt quan tâm, đặc biệt là cá nhân tìm kiếm cơ hội sở hữu thẻ định cư dài hạn, cũng như giúp con cái của mình có điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận với các trường đại học danh giá trong Liên minh châu Âu (EU), nhất là ở Pháp và Đức.
Trong một hội thảo tương tự, bà Phoebe Huynh, Giám đốc Kinh doanh cấp cao của Công ty Tư vấn Denzell, giới thiệu về chính sách ưu đãi đầu tư để nhận thẻ định cư tại Hy Lạp. “Trong hơn 1 năm qua, chúng tôi thấy số lượng quan tâm và tham gia giao dịch của khách hàng người Việt đến Hy Lạp ngày càng gia tăng. Trong đó, người miền Bắc chiếm số lượng nhiều hơn so với trong Nam, có lẽ do khách hàng trong này khá kỹ tính”, bà Phoebe Huynh nhận xét. Một điều kiện thuận lợi nữa là Hy Lạp không bắt buộc người nước ngoài phải lưu trú một số ngày nhất định trong năm mới được cấp thẻ định cư, giúp người mua nhà thoải mái hơn về thời gian đi lại giữa Việt Nam và Hy Lạp.
Giá một căn nhà tại Hy Lạp chỉ từ 6,8 tỉ đồng (250.000euro), tương đương một căn hộ hạng sang tại TP.HCM thực sự là điều đáng quan tâm của nhiều người muốn tìm kiếm một cuộc sống mới, cơ hội đầu tư mới ở châu Âu. Có thể thấy, sự tăng trưởng về số lượng người di cư của Việt Nam thời gian qua diễn ra đồng loạt ở cả 3 trục chính gồm: di cư du học, di cư lao động và di cư hôn nhân gia đình. Bên cạnh đó, xu hướng “di cư đầu tư”, “di cư vốn” cũng ngày một rõ nét hơn.
Ngày càng nhiều chương trình thu hút đầu tư định cư từ Việt Nam cùng với sự trỗi dậy của tầng lớp giàu có tại đây. Thậm chí, Việt Nam đang là một trong những nước châu Á có số lượng người siêu giàu tăng rất nhanh. Cũng theo báo cáo của Wealth-X, Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới về mức tăng trưởng số người siêu giàu ở mức 12,7%, chỉ xếp sau Bangladesh (17,3%) và Trung Quốc (13,4%).
Trên thực tế, số lượng người Việt Nam tìm kiếm cơ hội kinh doanh ở thị trường ngoài nước vẫn đang gia tăng, chính vì thế khi 2 thị trường quen thuộc là Mỹ và Úc đóng dần cánh cửa, nhóm này tìm đến các khu vực hấp dẫn khác. Nổi bật trong số đó là Cyprus và Malta. Hai đảo quốc này có những chính sách thu hút đầu tư đầy hấp dẫn. Với mức đầu tư 300.000 Euro vào bất động sản và trái phiếu chính phủ, nhà đầu tư sẽ có thường trú nhân hay cả quyền công dân.
Gia nhập khối EU vào năm 2004, các nhà đầu tư vào các quốc đảo này sẽ có quyền đi lại tự do tại các nước châu Âu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thuộc châu Âu được hưởng quyền lợi là khi kinh doanh sẽ không phải chịu thuế thu nhập toàn cầu như Mỹ, mà chỉ chịu thuế thu nhập phát sinh.
Hấp dẫn hơn là chính sách thuế của Malta, khi nhà đầu tư có thể nhận lại 30% trên tổng số 35% thuế phải nộp cho nhà nước. Trên thực tế, ngoài nổi tiếng với luật thuế thoáng của mình, Malta còn là quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP nhanh nhất châu Âu, cùng với nhiều bộ luật khác tiên phong trong nhiều lĩnh vực như bất động sản, ngành chế tạo và công nghệ thông tin. Được mệnh danh là “Quốc đảo Blockchain”, Malta cũng là một trong những nước đầu tiên thông qua một bộ luật hoàn chỉnh về blockchain và các tài sản điện tử.
Ông John Aquilina, Đại sứ Cộng hòa Malta, cho biết, muốn kết nối mối quan hệ hợp tác giữa 2 nước thông qua nỗ lực giới thiệu về nền kinh tế Malta từ nhiều lĩnh vực - công nghệ cao, du lịch, bất động sản. Một trong những nỗ lực đầu tiên để thúc đẩy tiến trình hợp tác giữa hai nước, Chính phủ Malta cũng bổ nhiệm Wahaat là đơn vị chính thức thúc đẩy Chương trình cư trú và thị thực Malta.
Malta muốn kết nối mối quan hệ hợp tác giữa 2 nước thông qua nỗ lực giới thiệu về nền kinh tế Malta từ nhiều lĩnh vực - công nghệ cao, du lịch, bất động sản. |
“Đầu tư vào Malta là một trong những động thái an toàn và hiệu quả cho các doanh nghiệp muốn mở rộng vào thị trường châu Âu”, ông Huỳnh Trung Nam, Lãnh sự danh dự Malta tại Việt Nam, cho biết.
Ông Oliver Said – Tổng giám đốc Wahaat cũng chia sẻ: “ Với nền kinh tế ngày càng phát triển và sự giao thương giữa Việt Nam – Châu Âu, chúng tôi cam kết trở thành cầu nối cho những nhà đầu tư và doanh nghiệp lớn tại Việt Nam về cơ hội Malta với những thông tin chuẩn xác nhất.”
Tương tự tại Cyprus, Công ty có mức thuế cố định là 12,5%, mức thấp nhất trong EU. Ngoài ra, quốc gia này còn miễn thuế thu nhập từ nước ngoài, thuế khấu trừ trên các khoản thanh toán... “Thời điểm hiện tại, Chính phủ Cyrus đang nỗ lực đàm phán để nâng số lượng quốc gia miễn thuế cho các công ty trong nước”, ông Vinh từ Công ty Khai Phú cho biết.
Giáo dục, chất lượng sống và y tế tại Việt Nam bị đánh giá lạc hậu so với thế giới... Vì vậy, chừng nào những nền tảng cơ bản này chưa thay đổi, dòng người Việt có điều kiện tài chính đi tìm những giấc mơ mới ở nước ngoài vẫn sẽ khó giảm xuống.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư