Hủy
Phát triển bền vững

28% doanh nghiệp Việt có chỉ số đo lường rủi ro ESG

Quốc Cường Thứ Năm | 22/08/2024 15:17

Các doanh nghiệp Việt thường thiếu hệ thống quản lý dữ liệu hiệu quả, đồng thời phải đối mặt với trình trạng thiếu các tiêu chuẩn thống nhất về báo cáo ESG. Ảnh: T.L

 
 
Việc xác định các chỉ số ESG phù hợp và thu thập số liệu đáng tin cậy, đầy đủ để phục vụ việc đo lường là thách thức với các doanh nghiệp.

Theo kết quả nghiên cứu mới đây của KPMG, tại Việt Nam hiện nay có 80% doanh nghiệp đã đặt ra cam kết hoặc đang lên kế hoạch thực hành ESG, có 44% doanh nghiệp đã lập kế hoạch và đưa ra cam kết ESG, 62% doanh nghiệp xếp quản trị là ưu tiên hàng đầu trong chương trình triển khai.

Tuy nhiên hiện mới chỉ có 28% doanh nghiệp có chỉ số đo lường rủi ro ESG rõ ràng để theo dõi tiến trình thực hiện. Theo bà Trần Thị Thu Anh, Phó Giám đốc tư vấn cơ sở hạ tầng, chính phủ và y tế, tư vấn giải pháp ESG cho doanh nghiệp của KPMG Việt Nam thì con số 28% này là khá khiêm tốn. Bà Thu Anh cho biết: “Việc xác định các chỉ số ESG phù hợp và thu thập số liệu đáng tin cậy, đầy đủ để phục vụ việc đo lường là một thách thức lớn với các doanh nghiệp”.

 

Trong quá trình thực hiện ESG, các doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức.

Thứ nhất là khó khăn trong đánh giá tác động gián tiếp của biến đổi khí hậu.

Cụ thể đó là việc xác định và đo lường các tác động gián tiếp, như tăng chi phí nguyên liệu đầu vào do biến đổi khí hậu, hay ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là một bài toán phức tạp đòi hỏi nhiều dữ liệu và phương pháp phân tích chuyên sâu.

Thứ hai là thiếu quy định hướng dẫn cụ thể. Ở Việt Nam, các quy định về ESG vẫn chưa rõ ràng và đầy đủ. Dù đã có những nghị định và thông tư được ban hành, nhưng hiện tại chủ yếu mới dừng ở mức độ hướng dẫn thu thập một số thông tin liên quan đến việc báo cáo các chỉ số ESG, đặc biệt là các chỉ số liên quan đến phát thải khí nhà kính, song lại chưa có hướng dẫn cụ thể về việc báo cáo những gì và báo cáo như thế nào, thậm chí là nếu không báo cáo thì có chế tài gì hay không. 

“Việc thiếu một khung pháp lý toàn diện về ESG khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc xác định các tiêu chuẩn và yêu cầu cần tuân thủ, đồng thời tạo ra sự không đồng nhất trong việc triển khai”, đại diện KPMG nhận định.

Ngay cả khi đã có các hướng dẫn, việc áp dụng vào thực tế hoạt động kinh doanh cũng gặp nhiều khó khăn. Điều này đòi hỏi thay đổi về văn hóa doanh nghiệp, quy trình làm việc, và đầu tư nguồn lực đáng kể.

Thiếu chuyên môn về ESG cũng là một thách thức đáng kể trong hành trình thực thi. Theo đó, Việt Nam còn thiếu nguồn nhân lực có chuyên môn sâu về ESG. Đặc biệt, khó khăn trong thu thập dữ liệu đang cản trở lớn chiến lược thực thi ESG của các doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp Việt thường thiếu hệ thống quản lý dữ liệu hiệu quả, đồng thời phải đối mặt với trình trạng thiếu các tiêu chuẩn thống nhất về báo cáo ESG. Do đó, có thể nói doanh nghiệp vừa yếu vừa thiếu cả trong lẫn ngoài, cả năng lực thu thập dữ liệu và cả các tiêu chuẩn báo cáo ESG. 


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới