Xanh hóa ngành dệt may nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt
Ngày 20/11, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Khu vực TP.HCM (VCCI-HCM) phối hợp cùng Công ty Cổ phần Global PR Hub tổ chức Hội thảo chuyên đề "Nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp dệt may trên lộ trình tăng trưởng xanh" vào ngày 1/12 tại TP.HCM.
Hội thảo được tổ chức dành riêng cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam nói chung và trên địa bàn Thành phố nói riêng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dệt may Việt Nam trước xu hướng tiêu dùng xanh và bền vững. Xanh hóa ngành dệt may đang là cuộc đua của nhiều nhãn hàng may mặc trên thế giới với hàng loạt tiêu chuẩn, quy tắc ứng xử có trách nhiệm với môi trường được đưa vào áp dụng cho các nhà cung cấp.
Tại Hội thảo, đại diện từ Phòng Công nghiệp và Thương mại Cộng hòa Liên bang Đức (AHK) sẽ đưa ra bức tranh toàn cảnh về các thị phần dệt may hiện nay trên thế giới cũng như xu hướng gia tăng tính tuần hoàn và xanh hóa ngành dệt may mà nhiều thị trường đang dần triển khai các quy định đánh giá. Từ đó gợi ý những tầm nhìn định hướng cho doanh nghiệp dệt may Việt, hướng tới xu hướng tiêu dùng xanh, ứng xử có trách nhiệm với môi trường, lao động, nhân quyền.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã đưa ra các mục tiêu xanh hóa tới năm 2023 cho các doanh nghiệp thành viên, góp phần vào mục tiêu chung của quốc gia giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, kiến thức chuyên môn, nguồn lực hạn chế là các khó khăn hiện nay của ngành dệt may Việt Nam trên con đường tăng trưởng xanh cũng sẽ được phân tích dưới chia sẻ của đại diện từ phía Hiệp hội Dệt may.
Năng lượng sạch là một trong những chủ đề cũng được các doanh nghiệp quan tâm trong xu hướng chuyển đổi tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn lúng túng vì thị trường năng lượng còn khá mới mẻ, có nhiều yếu tố cần cân nhắc về tính hiệu quả và an toàn để tối đa hóa chi phí đầu tư. Với vai trò định hướng, đại diện từ 2 thương hiệu năng lượng mặt trời SolarEdge và LONGi sẽ cập nhật những công nghệ mới nhất hiện nay cũng như các tiêu chuẩn an toàn trong ngành năng lượng tái tạo để các doanh nghiệp có thêm tư liệu trong việc lựa chọn chuyển đổi bắt đầu từ nguồn năng lượng xanh.
Bên cạnh đó, những ví dụ điển hình và bài học kinh nghiệm từ các nước phát triển trong quá trình chuyển đổi tăng trưởng xanh cũng sẽ được phân tích dưới góc nhìn đa chiều từ những diễn giả khách mời, là những chuyên gia có nhiều kinh nghiệm chuyển đổi bền vững trong lĩnh vực dệt may, tài chính, năng lượng.
Ông Nguyễn Hữu Nam, Phó Giám đốc VCCI-HCM cho biết “Dệt may là một trong các ngành công nghiệp luôn phải chịu áp lực hàng đầu trước xã hội và người tiêu dùng về vấn đề ô nhiễm môi trường. Vì vậy, để củng cố thị phần xuất khẩu của Việt Nam trên bản đồ dệt may thế giới, các doanh nghiệp Việt cần phải có định hướng chiến lược chuyển đổi rõ ràng, đồng bộ và hiệu quả để đón đầu các thay đổi sắp tới của thị trường, đặc biệt là Mỹ và châu Âu, 2 thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam”.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam chia sẻ: “Mặc dù chi phí đầu tư cao nhưng chuyển đổi xanh là tất yếu, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế này nếu muốn tiếp tục giữ vững vị thế của mình trên thị trường xuất khẩu. Định hướng chuyển đổi sớm sẽ giúp doanh nghiệp Việt có lợi thế cạnh tranh khi các quy định chính thức được áp dụng vào ngành dệt may”.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư