Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh “Niềm tin mãnh liệt vào giá trị văn hóa Việt tạo nên tác phẩm để đời”
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh. Ảnh: TL
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh bắt đầu mối duyên với Galaxy từ vai trò của một nhà báo, một nhà phê bình điện ảnh đối với đơn vị nhập phim, tiếp đó là vai trò xây dựng chiến dịch quảng bá phim cho nhà sản xuất, rồi một đạo diễn và tập đoàn làm phim có chung khát vọng về những bộ phim để đời.
Một thương hiệu doanh nghiệp và một thương hiệu cá nhân cùng nhau lớn lên trong nền điện ảnh Việt Nam suốt hơn 2 thập niên qua. Hẳn là anh có nhiều kỷ niệm để chia sẻ?
Dĩ nhiên là nhiều. Hơn 20 năm trước, khi còn là một cây bút viết lý luận điện ảnh, tôi đã chú ý những bộ phim do Galaxy nhập về bởi các phim này không thuần túy nhắm đến doanh thu như phim của các đơn vị khác. Dù vẫn mang mục tiêu thương mại nhưng phim do Galaxy chọn lọc luôn có tính nghệ thuật, hướng đến yếu tố thẩm mỹ cao.
Khi bước vào giai đoạn sản xuất, Galaxy là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam dám chi hàng tỉ đồng cho hoạt động quảng bá từng bộ phim. Lần đầu tiên làng phim Việt có những bộ phim được thiết kế và thực hiện các chiến dịch marketing thống nhất trên nhiều phương tiện truyền thông.
Có phải vì Galaxy coi trọng tính thẩm mỹ mà khi làm đạo diễn cho phim Em Và Trịnh, anh thường mặc đồ vest trên trường quay?
Bình thường tôi không mấy chú ý chuyện ăn mặc, nhưng với Em Và Trịnh, tôi muốn thay đổi hình ảnh bản thân, bởi vì tôi cực kỳ đề cao tính duy mỹ cho tác phẩm này. Tôi thật sự muốn làm một bộ phim về chủ nghĩa lãng mạn, về cái đẹp. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thật ra có thể không yêu một người con gái cụ thể nào, mà ông yêu cái ý niệm về tình yêu, những vẻ đẹp mang tính biểu tượng.
Từ lâu tôi rất muốn làm một bộ phim về tình yêu thời chiến. Ban đầu Galaxy đề nghị tôi làm phim tình yêu ca nhạc thôi, nhưng tôi đã thuyết phục được Galaxy làm phim về một phần cuộc đời của Trịnh Công Sơn, bao gồm luôn cả tình yêu thời chiến. Phim Em Và Trịnh không có cảnh hành động, không nhiều kịch tính nhưng vẫn thu hút khán giả đến rạp. Đây chính là kết quả từ thực tế rằng nhu cầu thưởng thức điện ảnh của khán giả Việt đã khác trước rất nhiều. Tôi nghĩ một phần đó cũng là “quả ngọt” sau quá trình nỗ lực bền bỉ của các nhà làm phim coi trọng yếu tố văn hóa, thẩm mỹ như Galaxy.
Là nhà báo kỳ cựu viết về điện ảnh, rồi lại xây dựng và chịu trách nhiệm cho chiến dịch truyền thông của nhiều bộ phim đình đám. Đến khi trở thành đạo diễn của phim Em Là Bà Nội Của Anh hay Em Và Trịnh, anh có quan tâm đến những chiến dịch quảng bá phim của chính mình?
Tôi không quan tâm nhiều lắm. Trước Em Và Trịnh, 2 phim Em Là Bà Nội Của Anh và Tiệc Trăng Máu mà tôi tham gia trong vai trò đạo diễn và nhà sản xuất đều không nhận được nhiều mong chờ từ khán giả. Các buổi chiếu sớm vì thế có doanh thu khá tệ, nhưng rồi sức mạnh từ câu chuyện của bộ phim đã lan tỏa và tạo thành hiệu ứng thu hút người xem.
Thường sẽ có 2 cách trong việc quảng bá một bộ phim. Một là tung tất cả chiến thuật để kéo được người xem đến rạp trong tuần đầu tiên. Cách thứ 2 là đầu tư vào chính bộ phim để tạo thành hiệu ứng truyền miệng. Nếu làm được cả 2 thì quá tốt. Tuy nhiên, tôi thường chọn cách thứ 2 cho phim của mình vì trong tôi luôn tồn tại niềm tin mãnh liệt rằng chính bộ phim mới là thứ duy nhất giữ chân khán giả chứ không phải bất kỳ một yếu tố nào khác.
Anh có thể chia sẻ kỷ niệm có một không hai với Galaxy?
Kỷ niệm đáng nhớ thì nhiều lắm, nhưng độc nhất vô nhị có lẽ là cuộc tuyển chọn diễn viên đóng Trịnh Công Sơn thời trẻ. Sau nhiều ngày casting, phía Galaxy chọn ra được một diễn viên có kinh nghiệm diễn xuất khá tốt. Tôi thì chọn Alvin Lu. Dù Alvin hầu như chưa biết diễn xuất nhưng tôi nhận thấy bạn thực sự phù hợp.
Tôi nói với Galaxy rằng người diễn viên đóng vai Trịnh Công Sơn phải có sự tươi mới trẻ trung của tuổi 19, đồng thời có sự trầm tư của một nghệ sĩ luôn nghĩ cho thân phận con người ở tuổi 30. Vậy là Galaxy và tôi đã phụ trách 2 nhóm khác nhau cho việc huấn luyện 2 ứng cử viên cho nhân vật nam chính. Tôi cho Alvin học thêm về diễn xuất. Còn nhà sản xuất cho diễn viên mà họ chọn đi thiền để đạt được nét tĩnh lặng của cố nhạc sĩ. Hết 1 tháng, 2 ứng cử viên được quay thử cùng phân cảnh và đem đoạn quay thử đi kiểm tra xem khán giả thích nhân vật nào.
Đây là lần đầu tiên trong ngành điện ảnh Việt có cuộc đua như vậy giữa nhà sản xuất và đạo diễn (cười). Điều này cho thấy Galaxy vô cùng tâm huyết với dự án và sẵn sàng huy động mọi nguồn lực mình có cho từng chi tiết của bộ phim.
Với tôi, Galaxy khác biệt với các hãng làm phim ở niềm tin mãnh liệt vào giá trị văn hóa của Việt Nam. Niềm tin này cộng với lòng tự hào dân tộc là một trong những động lực khiến họ trở thành một nhà sản xuất dũng cảm, chấp nhận mạo hiểm, rủi ro để đạt mục tiêu cuối cùng là phát triển văn hóa Việt Nam.
Sự khao khát làm ra tác phẩm để đời của Galaxy khiến nền điện ảnh trong nước bắt đầu có những phim mang tầm vóc lớn. Tôi mong rằng Galaxy luôn kiên định để giữ được tầm nhìn ban đầu của mình đối với các dự án tâm huyết.
Anh vừa giới thiệu dự án đầy tham vọng: “Vũ trụ lịch sử đa phương tiện về triều nhà Trần”, với trọng tâm là bộ 3 phim điện ảnh Đại Chiến Bạch Đằng Giang?
Dự án này không chỉ có phim điện ảnh mà còn bao gồm nhiều tác phẩm thuộc các thể loại khác nhau như phim hoạt hình dài tập, truyện tranh webtoon, tiểu thuyết có tranh minh họa và cả các trích đoạn minh họa lịch sử có thể dùng như công cụ giáo khoa.
Dự án được thực hiện bởi AIOI Studios, một đơn vị chuyên về kỹ xảo điện ảnh, hoạt hình 3D và các phương tiện truyền thông mới. Các nhà sáng tạo AIOI Studios mong muốn khắc họa thế giới lịch sử nhà Trần, bao gồm trang phục, kiến trúc, phong tục, văn hóa và thói quen truyền thống, nhằm từng bước tái dựng tư liệu lịch sử quý giá. Dự án đang bước vào giai đoạn đầu xây dựng và có thể sẽ kéo dài đến hơn 10 năm để có thể chính thức ra mắt, bởi các dự án phim lịch sử vốn có nhiều yêu cầu cao đặc biệt về mặt hình ảnh.
Anh đầu tư mạnh tay cho phim hoạt hình, vậy anh có bao giờ liên tưởng Galaxy với một nhân vật hoạt hình nào không?
Tôi hình dung Galaxy giống như ông chú Scrooge McDuck trong phim Vịt Donald. Scrooge là một quý ông cực kỳ giàu có và ưa phiêu lưu mạo hiểm. Ông chú này luôn đứng trên một đống tiền vàng và mỗi lúc vịt Donald đến xin chú mình một đồng, ông sẽ đồng ý nhưng kèm theo một danh sách hàng trăm việc phải làm. Mỗi khi tôi tìm đến Galaxy để đưa ra đề nghị về ngân sách làm phim, tôi cũng nhận được điều tương tự như vịt Donald mỗi khi đến hỏi tiền ông chú của mình (cười).
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư