Dịch bệnh thổi bùng nỗi lo về sức khỏe tâm thần
Việt Nam đang đẩy mạnh tiêm chủng để kiểm soát dịch bệnh. Ảnh: Quý Hòa.
Thời gian gần đây, mạng xã hội ghi lại nhiều cảnh gây gổ của các bạn trẻ, cảnh đánh chửi nhau của nhiều cặp vợ chồng, cảnh giận dữ ném đồ đạc từ ban công chung cư xuống đất... Những cơn nóng giận mất kiểm soát này có thể là biểu hiện của stress hay trầm cảm do ảnh hưởng từ dịch bệnh và các biện pháp giãn cách trong thời gian dài.
Thực tế, theo bác sĩ Phạm Ngọc Thanh, cố vấn tâm lý cho đơn vị nghiên cứu lâm sàng của Đại học Oxford (OUCRU), đại dịch COVID-19 đã gây ra một số vấn đề về sức khỏe tinh thần tùy theo hoàn cảnh sống, tùy tình trạng bệnh, thậm chí là không mang bệnh COVID-19. Tình trạng căng thẳng tinh thần có thể được biểu hiện ở những dấu hiệu như cảm giác bất an, sợ sệt, cáu giận, buồn rầu, lo âu, chết lặng hoặc ấm ức; ăn không ngon, chán ăn; khó tập trung và khó quyết định; khó ngủ hoặc gặp ác mộng...
Trên thế giới, nghiên cứu thực hiện tháng cuối năm 2020 của Cơ quan Thống kê dân số Mỹ cho thấy 42% dân số nước này có biểu hiện lo âu hoặc thấy áp lực, tăng mạnh so với con số 11% ghi nhận trước đó một năm khi đại dịch chưa bùng phát. Tờ Medical News Today (Anh) dẫn một nghiên cứu thực hiện tháng 4/2020 cũng cho thấy số người có cảm giác lo lắng áp lực tăng 25% trong thời gian phong tỏa.
Dịch bệnh bào mòn sức khoẻ thể chất và tinh thần của con người. Ảnh: Quý Hòa. |
Không chỉ các bệnh nhân trực tiếp của dịch bệnh, nhiều nghiên cứu cũng cho thấy ảnh hưởng của các biện pháp cách ly, phong tỏa phòng COVID-19 với sức khỏe tâm thần con người. Tạp chí Diagnosis số tháng 7/2021 đăng tải nghiên cứu nhận thấy đã có tình trạng gia tăng số ca bệnh trầm cảm và rối loạn lo âu, nguy cơ tự tử, hội chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) và mất ngủ trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua. Trong số này, ngoài việc bị ảnh hưởng trực tiếp vì giãn cách, phong tỏa, còn có nguyên nhân vì nhiều người sợ bản thân họ nhiễm bệnh hoặc lây bệnh cho người thân.
Trong đó, đáng lo ngại là nhiều người trẻ, tương lai của xã hội, lại đang gánh chịu những ảnh hưởng đáng kể của COVID-19 về sức khỏe tâm thần. Họ phải chịu đựng những ngày giãn cách bức bí, cùng những lo lắng về mất việc làm, nợ ngân hàng, tương lai bất định... Theo thống kê từ Bệnh viện Tâm thần Trung ương, trong số những người có biểu hiện tâm lý bất bình thường đến khám, tư vấn thời gian qua thì có đến 30% là học sinh, sinh viên.
Tiến sĩ Lê Minh Công, chuyên ngành tâm lý học lâm sàng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, nhìn nhận dịch bệnh gây khủng hoảng lớn đến mọi mặt đời sống con người, trong đó có vấn đề về tâm lý và sức khỏe tâm thần. Đó là lý do giải thích cho việc nhiều người lên cơn hoảng loạn, ứng xử bất thường như la hét, cáu gắt vô cớ, thậm chí tăng huyết áp...
Nhiều năm qua, Việt Nam là quốc gia đối mặt với vấn đề sức khỏe tâm thần của người dân. Theo thống kê của Viện Sức khỏe Tâm thần, trong vài năm trở lại đây, nhiều con số nghiên cứu đáng báo động đã được công bố với khoảng 30% người Việt Nam bị rối loạn sức khỏe tâm thần, trong đó tỉ lệ trầm cảm chiếm 25%, mỗi năm có khoảng 40.000 ca tự tử.
Dù chưa có nghiên cứu cụ thể nhưng có thể thấy ngoài sự tàn phá về kinh tế, dịch bệnh cũng tiếp tục gây sức ép lớn cho bài toán này của Việt Nam. Các vấn đề về tâm thần, nếu kéo dài, không chỉ tác động lớn tới cuộc sống riêng của mỗi cá nhân, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của cộng đồng và xã hội.
“Mọi người nên xây dựng lối sống tích cực như vận động thể chất thường xuyên, dành thời gian gần gũi, chăm sóc, yêu thương gia đình nhiều hơn, sẽ giúp cuộc sống cân bằng”, Tiến sĩ Lê Minh Công tư vấn. Ở diện rộng hơn, các chuyên gia tin rằng ngoài những kế hoạch chăm sóc sức khỏe, ngành y tế nên tầm soát triệu chứng sức khỏe tâm thần trên những bệnh nhân vừa trải qua đợt cấp cứu của COVID-19 và đề ra liệu trình chăm sóc sớm và dài hạn. Can thiệp sức khỏe tâm lý sớm bằng các phương pháp như trị liệu tâm lý và các nhóm hỗ trợ có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa vấn đề sức khỏe tâm thần có thể xảy đến trên những người hậu nhiễm COVID-19.
Viện Y tế Toàn cầu của Tây Ban Nha (ISGlobal) cảnh báo: “Các vấn đề sức khỏe tâm thần do dịch COVID-19 gây ra sẽ là đại dịch tiếp theo”. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đại dịch đang làm gia tăng nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần. Vì vậy, một trong những ưu tiên của năm 2021 mà WHO đề ra là ngăn ngừa và điều trị bệnh không lây nhiễm và các tình trạng sức khỏe tâm thần. Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, các nhà lãnh đạo trên thế giới hành động nhanh chóng và quyết liệt để đầu tư thêm cho các chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần mang tính sống còn cả trong và sau đại dịch. WHO lưu ý cần lồng ghép vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần vào các kế hoạch chuẩn bị ứng phó khi xảy ra tình trạng khẩn cấp y tế cộng đồng.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư