Huy Võ và giấc mơ thời trang thuần Việt
Nhà thiết kế Huy Võ. Ảnh: Quý Hòa
Mang lụa, gấm vào các thiết kế ứng dụng cao cấp nhưng giấc mơ của nhà thiết kế Huy Võ trong suốt 15 năm qua là có thể tạo dựng được vòng xoay tuần hoàn cho thời trang Việt.
“Nghĩa là không chỉ tôi có được lợi nhuận mà người dân địa phương ở các làng nghề, người thợ may đo, người thợ trồng bông, người nhuộm... cũng có thể sống tốt với nghề”, nhà thiết kế Huy Võ giải thích. Anh chia sẻ thêm: “Nhưng nếu chỉ vậy thì chưa đủ, bởi bất cứ ngành nghề nào muốn đi vào quy chuẩn công nghiệp đều cần đến sự sáng tạo dựa trên kiến thức đã học. Ngành thời trang ở Việt Nam vẫn còn mới và nhiều bỡ ngỡ. Lợi nhuận có được chủ yếu là gia công đến từ ngành dệt may - một ngành thâm dụng lao động nhưng ít có giá trị cao về sáng tạo”.
Bộ sưu tập áo dài Huy Võ giới thiệu cuối năm 2022 và bộ sưu tập trang phục ứng dụng đầu năm 2023 chính là lời hồi đáp của anh với chất liệu Việt, sau nhiều năm đi tìm lời giải với lụa Việt, gấm Việt. “Tôi khởi điểm trở lại với áo dài vì đây là trang phục gần gũi nhất với người Việt. Bản thân chiếc áo dài truyền thống đã đẹp. Và cái đẹp đó không chỉ đến từ sự duyên dáng của tà áo mà còn đến từ thước vải đẹp”, anh nói.
Nhiều nhà thiết kế danh tiếng của Việt Nam từng thừa nhận, lụa Việt, gấm Việt dù đẹp nhưng rất khó sử dụng trong thời trang cao cấp vì kỹ thuật dệt không đồng đều dẫn đến chất lượng sợi, màu sắc chênh lệch. Do vậy, nếu xét trên các nguyên tắc về kỹ thuật dệt may, nhiều thước vải xếp vào nhóm “vải lỗi”. Chưa kể, cái khó đến từ sự co giãn, độ rút lớn của vải. Một thương hiệu khăn lụa thuần Việt từng phải hủy hàng trăm chiếc khăn sản xuất thủ công vì hạn chế này của lụa.
Một điểm hạn chế khác là các làng nghề không có nghệ nhân tiếp cận cái mới để cải tiến kỹ thuật nên vải dệt ra không đứng được theo dáng mong muốn. Trong một khoảng thời gian ngắn, cho dù nhà thiết kế có yêu lụa Việt cũng không thể có được số lượng vải như mong muốn. Hơn 80% vải lụa, vải gấm trên thị trường thời trang cao cấp Việt Nam hiện nay đều nhập từ các quốc gia có nguồn vải ổn định về chất lượng và số lượng như Nhật, Ý. Các thương hiệu nhỏ lẻ thì chủ yếu nhập từ Trung Quốc vì giá cả cạnh tranh, đáp ứng số lượng lớn. Hai thương hiệu thời trang có tiếng trên thị trường Việt hiện nay (với 100% lụa tơ tằm và cotton hữu cơ được sản xuất theo mô hình công bằng, bền vững tại địa phương) là Metiseko (do một cặp vợ chồng người Pháp sáng lập) và Kilomet 109 của nhà thiết kế Vũ Thảo.
Phương thức của Huy Võ khi tiếp cận các làng nghề truyền thống là “mưa dầm thấm lâu”. “Tôi trở đi trở lại nhiều lần. Cánh cửa này đóng tôi sẽ gõ tiếp cánh cửa khác”, anh kể. Anh đã thuyết phục thành công một số làng nghề từ Nam ra Bắc, từ Nha Xá đến Bảo Lộc, mỗi làng nghề như vậy dành khoảng 10 khung để dệt theo yêu cầu của anh. Số lượng khung dệt còn lại sản xuất theo nhu cầu hiện có của thị trường. “Nhờ đó, các nghệ nhân sẽ có sự đối sánh, cũng như hiểu được họ cần cải tiến những gì để có thể nắm bắt kịp thay đổi của thị trường”, anh nói.
Anh Quyền Huyện, chủ Công ty Cổ phần Lụa Nha Xá, một trong các đơn vị đồng hành với Huy Võ trong dự án này, cho biết, anh đồng cảm với trăn trở của Huy Võ nên khi nhận được lời đề nghị, anh đồng ý ngay lập tức. “Trong bối cảnh thị trường thay đổi, các làng nghề cần có sự đổi mới. Việc có những người có kiến thức chung tay như Huy Võ là cần thiết”, anh nói. Công ty anh Quyền và người dân làng lụa đang cố gắng xây dựng và thay đổi cách tư duy sản phẩm của làng nghề để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Anh Quyền còn thử nghiệm cách xử lý chất thải nhuộm và khôi phục những kỹ thuật dệt thất truyền từ các nghệ nhân lớn tuổi.
Hiện tại, mỗi tháng, Huy Võ thu mua khoảng 1.000 m2 vải lụa và gấm phục vụ cho các thiết kế mang tên anh. Điều đáng mừng nhất đối với Huy Võ là các kiểu vải dệt riêng theo nhu cầu của anh đang được một số làng nghề mở rộng. “Chứng tỏ nỗ lực của tôi hiệu quả. Thay vì lo lắng những thương hiệu khác sẽ sử dụng kỹ thuật lụa của mình để thiết kế, tôi lại thấy vui. Một người làm chưa được thì nhiều người cùng làm. Một khi vải dệt ra được thu mua với giá cao hơn dù chỉ 20.000 đồng/mét, điều kiện của người thợ cũng sẽ được cải thiện hơn. Nhờ đó, thu hút thêm nhiều người quan tâm đến nghề dệt, đặc biệt là người trẻ. Có như vậy, làng nghề mới có thể hồi sinh”, anh nói.
Với chất liệu, Huy Võ không muốn các thiết kế chỉ dừng lại ở lụa, gấm mà còn có cotton và nhiều loại sợi sinh học khác. “Giấc mơ của tôi là xây dựng một quy trình sản xuất thời trang cao cấp mà ở đó, tất cả các công đoạn từ chất liệu, khâu sản xuất, thành phẩm cho đến con người đều hoàn toàn thuần Việt, bền vững, mọi người đều được thụ hưởng lợi nhuận”, anh nói.
Sau khi tốt nghiệp Fashion Institute of Design and Merchandising, Los Angeles và Fashion Institution of Technology, New York, Huy Võ trở về Việt Nam. Thay vì chỉ tập trung làm thương hiệu thời trang cá nhân như nhiều nhà thiết kế trẻ lúc bấy giờ, năm 2013, anh thành lập Vietnam Fashion Academy (Học viện Thời trang Việt Nam - VFA). Học viện quy tụ các chuyên gia trong ngành, từ dệt, nhuộm đến định hình phong cách, giảng dạy cho học viên. Sau 10 năm, không ít lứa học viên của VFA đã trưởng thành, hoặc mở thương hiệu riêng, hoặc trở thành người sáng tạo, nhân viên tại các thương hiệu thời trang Việt Nam khác. “Nhân sự trong ngành thời trang thiếu rất nhiều và thường không có tính ổn định vì mọi thứ vẫn còn quá mới mẻ. Mong mỏi lớn nhất của tôi là có thể tạo ra một hệ sinh thái hoàn chỉnh, gồm những người có kiến thức chuyên môn vững chắc, những làng nghề sôi động và những sản phẩm thuần Việt có giá trị cao”.
Đi cả hai con đường và con đường nào cũng khó, với một người còn khá trẻ, Huy Võ đã không ít lần vấp ngã. Đó là lý do, thi thoảng anh “mất hút” khỏi mạng xã hội. Để rồi mỗi lần hiện diện, Huy Võ lại mang đến một nguồn năng lượng mới. Lần này, anh đang khấp khởi đón chờ một quỹ đầu tư rót vốn vào VFA. “Tôi cũng đã chuẩn bị tinh thần xấu nhất, nếu không thương thuyết thành công, có lẽ tôi sẽ dừng VFA một thời gian. Vì sau mọi thứ, tôi gần như kiệt quệ sức lực. Nhưng chắc chắn tôi sẽ trở lại vì tôi tin con đường mình đi là đúng”.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư