Hủy
Phong Cách Sống

Nâng chất kịch bản phim Việt

Thái Tuệ Thứ Bảy | 14/09/2024 07:30

Đã có 13 phim Việt phát hành ngoài rạp từ đầu năm đến nay. Ảnh: stock.adobe.com.

 
 
Chừng nào các nhà biên kịch còn chưa được tôn trọng đúng mức và bản thân họ chưa đủ yêu nghề thì kịch bản phim Việt còn kém chất lượng.

Phim chiếu rạp vài năm gần đây có sự chuyển dịch về tốc độ tăng trưởng doanh thu. Tuy vậy, khoảng cách giữa phim có doanh thu cao và thấp ngày càng cách biệt, nói như đạo diễn Vũ Ngọc Đãng là “hoặc thắng lớn hoặc thua đậm” hay như nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm ví von là  “đỉnh” và “đáy” của phim Việt.

Có 13 phim Việt phát hành ngoài rạp từ đầu năm đến nay, gồm Mai (đạo diễn Trấn Thành), Gặp Lại Chị Bầu (Nhất Trung), Trà (Lê Hoàng), Sáng Đèn (Hoàng Tuấn Cường), Quý Cô Thừa Kế 2 (Hoàng Duy), Cái Giá Của Hạnh Phúc (Nguyễn Ngọc Lâm), B4S - Trước Giờ Yêu (Tùng Leo, Michael Thái, Huỳnh Anh Duy), Đóa Hoa Mong Manh (Mai Thu Huyền), Lật Mặt 7: Một Điều Ước (Lý Hải), Án Mạng Lầu 4 (Nguyễn Hữu Tuấn), Ma Da (Nguyễn Hữu Hoàng), Làm Giàu Với Ma (Nguyễn Nhật Trung), Hai Muối (Vũ Thành Vinh). Trong 13 bộ phim này, chỉ có 3 dự án đạt doanh thu tốt là Mai (550 tỉ đồng), Lật Mặt 7 (hơn 426 tỉ đồng) và Gặp Lại Chị Bầu (hơn 92 tỉ đồng). Trong 10 phim còn lại đã có 7 phim có doanh thu thấp, thuộc nhóm phim lỗ và lỗ nặng và 3 phim đang chiếu rạp. Thậm chí, Đóa Hoa Mong Manh chỉ thu hơn 400 triệu đồng ngoài phòng vé.

Cho đến bắt đầu mùa phim hè thì bộ phim Việt chiếu mở màn - Móng Vuốt (Lê Thanh Sơn) lại tiếp tục bị lỗ nặng, thu về chỉ 3,88 tỉ đồng sau 3 tuần chiếu so với kỳ vọng tổng doanh thu 300 tỉ đồng và phải rời rạp sớm. Nguyên nhân chủ yếu khiến một loạt phim bị lỗ nặng được khán giả và giới quan sát nhận thấy là do nội dung kém thu hút, kịch bản kém chất lượng.

Điển hình, Trà bị đánh giá có đề tài lạc quẻ, Án Mạng Lầu 4 có nội dung thiếu logic và Việt hóa chưa tốt; Quý Cô Thừa Kế 2 lại vướng lỗi kịch bản ôm đồm, lạm dụng yếu tố giật gân để tăng kịch tính nhưng không được xử lý có nghề nên thành ra vô lý, khiên cưỡng; Cái Giá Của Hạnh Phúc gây dư luận trái chiều về một kịch bản thiếu thuyết phục; Móng Vuốt bị chê từ kịch bản, cách kể chuyện đến diễn xuất của dàn diễn viên... 

Rõ ràng, công thức làm phim gồm nam nữ chính xinh đẹp, có người nổi tiếng, thêm thắt yếu tố giật gân... đã trở nên lỗi thời. Gu xem phim của khán giả trong nước đã nâng “chất”. Nguyễn Phong Việt, cây bút điện ảnh tại TP.HCM, nêu quan điểm: “Ở thị trường phim chiếu rạp Việt Nam bây giờ, việc một cái tên nào đó bảo chứng cho doanh thu bộ phim chỉ là suy nghĩ từ phía nhà sản xuất hay từ chính diễn viên. Còn với khán giả, chất lượng của bộ phim là yếu tố quan trọng nhất khiến họ bỏ tiền ra rạp”.

Nhà sản xuất phim Đỗ Quang Minh (Minh Đô) thẳng thắn thừa nhận: “Phim Việt đang thiếu những kịch bản chất lượng. Lý do là biên kịch yếu về kỹ năng xây dựng kịch bản, vốn sống, tầm nhìn. Đây là thực tế nên chấp nhận. Đừng nói giảm nói tránh nữa”.

Là người trong cuộc, nhà biên kịch Nguyễn Anh Đào, Trưởng phòng Biên kịch của Điền Quân Group, hiện giảng dạy biên kịch ở Học viện Green Academy của Hàn Quốc tại TP.HCM, đã bóc tách nguyên nhân của tình trạng kịch bản phim Việt yếu kém từ thực tế làm nghề: “Hiện nay tại Việt Nam ít có cơ sở đào tạo chính quy cho biên kịch. Những khóa học ngắn hạn chỉ dạy được một phần rất nhỏ nhưng lại khiến người học tưởng rằng mình đã học được tất cả. Biên kịch cũng là một nghề, thậm chí một nghề đòi hỏi “tay nghề” cao, vậy mà chỉ học tối đa 3 tháng, trong khi thợ sửa xe hay thợ làm tóc có khi còn học dài hơn biên kịch. Đây là một điều rất phi lý”.

“Một nguyên nhân nữa bao trùm tất cả các nguyên nhân tôi vừa nói. Đó chính là thù lao và sự coi trọng. Khi người ta nhận được số tiền ít hơn công sức họ bỏ ra, dần dần sẽ dẫn tới tâm lý qua loa đại khái, làm cho xong hoặc không bỏ ra nhiều thời gian cho việc nghiên cứu, trau dồi thêm cho công việc đó nữa. Không chỉ biên kịch mà tất cả những người làm trong nghề phim đều biết rằng kịch bản là quan trọng nhất nhưng ít ai coi biên kịch là người quan trọng nhất. Ai cũng nghĩ rằng: kịch bản dễ mà, chuyện đó tôi cũng làm được, chẳng qua không thích làm thôi. Tôi hay nói đùa với các bạn sinh viên, nếu coi nghề phim như một chuỗi thức ăn, thì biên kịch chính là “con” đầu tiên trong chuỗi thức ăn đó - quan trọng nhất, nhưng cũng dễ bị “ăn” nhất”, nhà biên kịch nói thêm.

Đặt vấn đề cần làm gì để khắc phục tình trạng kịch bản phim Việt hiện nay, nhà biên kịch Nguyễn Anh Đào chia sẻ: “Tôi nhận thấy cần có sự phối hợp đồng bộ giữa tất cả các bộ phận trong ê-kíp làm phim, từ nhà sản xuất cho đến đạo diễn, biên kịch. Bước đầu tiên là đào tạo, học trong nước không được thì phải học ở nước ngoài. Các nước như Hàn Quốc, Thái Lan... đều cho nhà biên kịch của họ đi học hỏi. Bước thứ 2 là tôn trọng, hãy hiểu đúng về vai trò, vị thế và thù lao của nhà biên kịch. Và cuối cùng, chính các biên kịch cần tận tâm, cầu tiến, học hỏi và cập nhật để cải thiện năng lực bản thân”.

Đồng quan điểm, nhà sản xuất phim Minh Đô nói: “Chẳng có cách gì để khắc phục nếu vẫn tiếp tục không có cơ chế hay chính sách gì hỗ trợ cho các biên kịch. Chỉ còn biết hy vọng các bạn trẻ yêu thích trở thành biên kịch sẽ tự đầu tư kiến thức cho mình, tự bỏ tiền túi ra mà xuất ngoại ăn học”.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới