Nhịp cầu nối những bờ vui
Một sáng nắng đẹp trung tuần tháng 11.2017, người dân xã Mỹ Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang tề tựu lại bờ Kênh 28, hồ hởi mong đợi giây phút chính thức được băng qua cây cầu mới dài 100m, ngang 2,5m nối liền 3 xã Thiện Trung, Mỹ Trung và Mỹ Tân - cầu Khang Nhật.
Câu chuyện của tuổi 20
Giữa miền quê sông nước, có lẽ người dân xã Mỹ Trung chưa bao giờ dám mơ ước một ngày sẽ có cây cầu văng dây đẹp đẽ, vững vàng nối liền hai bờ kênh, rút ngắn khoảng cách đi lại giữa ấp Mỹ Trị A và Mỹ Trị B. Cây cầu ra đời như sự thành hình của những khát vọng đời sống sẽ thay đổi nhiều theo hướng tích cực hơn. Đặc biệt là lũ trẻ trong ấp không cần phải đi đò qua con kênh rộng hơn 50m để tới trường mỗi ngày.
Cây cầu trị giá gần 2,7 tỉ đồng, khởi công từ tháng 5.2017 là dự án thứ 14 của “Kiến tạo nhịp cầu”. Đây là chương trình được phát động từ năm 2013 của Nam Phương Foundation - quỹ thiện nguyện quốc tế của học sinh, sinh viên đầu tiên tại Việt Nam được Bộ Nội vụ cấp phép.
Cô gái khởi xướng quỹ thiện nguyện này và chương trình là Đinh Thị Nam Phương, tốt nghiệp ngành Triết học, Chính trị và Kinh tế Đại học Oxford, Anh, khi mới 19 tuổi. Phương kể, năm cô 16 tuổi, trong thời gian về thăm nhà, xem tivi và thấy thông tin hai vụ chìm đò, sập cầu liên tiếp xảy ra, dẫn đến cái chết thương tâm của hai em nhỏ, cô nung nấu “muốn làm một cái gì đó để giảm thiểu những cái chết có thể tránh được”. Phương đập ống heo để dành suốt 15 năm xin ba mẹ gởi
đi xây cầu. Ba của Phương, một doanh nhân thành đạt, hài lòng khi thấy con gái biết sẻ chia, yêu thương nhưng ông cũng muốn con trưởng thành và nghĩ xa hơn: “Con làm như vậy là tốt nhưng hành động đó chỉ giải quyết được phần ngọn”.
Ý tưởng góp vốn, kêu gọi sự chung tay từ cộng đồng và có một nơi để người trẻ thể hiện trách nhiệm của họ với cộng đồng chợt lóe lên. “Trước khi thành lập quỹ, tôi đã xây được một cây cầu ở Tiền Giang. Hồi mới bắt tay vào thực hiện, tôi nghĩ một cây cầu thì cần nhiều tiền lắm. Và cây cầu đầu tiên ấy có chi phí khoảng 300 triệu đồng, dễ hơn so với hình dung ban đầu của tôi. Nó giúp tôi củng cố niềm tin và quyết tâm rằng mình sẽ làm được”, Nam Phương hồi tưởng. Đinh Bá Khang, em trai Phương, hiện là sinh viên Khoa Kinh tế của Trường UCLA, Mỹ, là người đầu tiên đồng hành cùng quỹ.
Tết 2018, Nam Phương Foundation bước sang tuổi thứ 5. Trong chừng ấy thời gian, quỹ đã xây được 14 cây cầu dân sinh ở những miền quê kênh rạch bao phủ, nơi trẻ em hằng ngày vẫn phải mạo hiểm tính mạng để đến trường. Đó là cầu Nguyễn Văn Tiếp B; cầu Sình Chanh 1; cầu Sình Chanh 2; cầu Lợi Trinh, Ngọc Hoàng... ở Tiền Giang; cầu Tân Hậu ở Bến Tre; cầu TĐ 7-15, cầu Kênh Thủy Tân ở Long An, cầu Chuối Nước ở huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, cầu Nhân Nghĩa ở huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Khát vọng mới chung tay cộng đồng
“Hiện tại, có rất nhiều quỹ từ thiện khác nhau mà có thể điều kiện của họ thuận lợi hơn, ở gần nhà tài trợ hơn nên nhà tài trợ an tâm hơn trong khi Nam Phương Foundation đi vùng sâu, vùng xa nên từng bước tôi phải cố gắng để họ tin mình. Khó khăn thứ 2 là quỹ hoàn toàn không có chi phí hoạt động. Tất cả những sinh hoạt trong quỹ đều là do các bạn tình nguyện thay nhau thực hiện. Duy nhất một bạn tình nguyện viên làm công việc kết nối tất cả mọi người là có lương tượng trưng. Ngay cả bản vẽ thiết kế xây cầu cũng là nhờ sự giúp sức từ một thầy ở Đại học Bách Khoa. Trong một tổ chức mọi người làm việc với nhau mà không có ràng buộc gì về tiền bạc thì rất khó. Nhưng tôi luôn cố gắng để giữ nó như vậy”, Phương chia sẻ.
Điều làm nên sự khác biệt và cho thấy tầm nhìn của quỹ và người khởi xướng nó chính là xây dựng Nam Phương Foundation thành nơi kết nối các nguồn lực và vươn ra khỏi phạm vi của một quốc gia. Chương trình được thực hiện trên mô hình cộng hưởng: Nam Phương Foundation sẽ hỗ trợ 60-70% kinh phí xây dựng cầu, địa phương sẽ huy động phần còn lại nhằm khuyến khích người dân có trách nhiệm hơn với thành quả được hưởng. Phương mong mỏi quỹ là nơi để người trẻ đến, cống hiến tâm sức và thể hiện thái độ dám đảm nhận trách nhiệm với xã hội. “Thiện nguyện không chỉ nằm ở việc mình bỏ tiền ra mà còn ở việc mình dành thời gian như thế nào, và suy nghĩ tại sao nó lại như vậy”, Phương nói.
Do đó, Nam Phương Foundation chắt lọc từng mối quan hệ, tình nguyện viên, chắt lọc từng tin nhắn ủng hộ, chắt lọc từng lời kêu gọi của đông đảo những đại sứ thiện chí của quỹ để có thể hoàn tất từng bước đi thầm lặng. “Ở đó, người ta thấy một thế hệ đầy hoài bão, có tri thức, không khoa trương, có trách nhiệm với xã hội và có phương châm hành động khoa học, hiện đại”, như chia sẻ của một nhà báo gắn bó với chương trình từ những ngày đầu. Hiện tại, cô gái nhỏ nhắn Nam Phương đang tích cực hoàn thiện bộ hướng dẫn, từ khâu kêu gọi tài trợ, các bước cần thiết để xin phép, khởi xây một cây cầu, phân công tình nguyện viên, chia sẻ công việc chi tiết, rõ ràng để “Kiến tạo nhịp cầu” có thể được áp dụng ở bất cứ địa phương nào, dù có hay không có Nam Phương Foundation.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư