Phác họa mới cho tranh lụa
Một trong những điểm tiêu biểu nhất là cách vẽ lụa 2 mặt của họa sĩ. Ảnh: TL
Họa sĩ Châu Giang chọn lụa làm vật liệu thực hành nghệ thuật khoảng gần 20 năm nay bởi đặc tính mềm mại và bền bỉ, dẻo dai của chất liệu. “Lụa rất truyền thống nhưng vẫn gánh vác được hơi thở của thời đại”, Châu Giang nói. Tuy nhiên, chất liệu Châu Giang được đào tạo bài bản lại là sơn dầu. Và trước khi thành danh với hội họa, chị đã là một nhà văn có tiếng trên văn đàn.
Từ sơn dầu đến lụa
Yêu thích hội họa từ bé và đã xác định trở thành họa sĩ, sự nghiệp văn chương đến với Châu Giang một cách tình cờ. Ở tuổi lên 10, từ những lần thử làm thơ, văn, các tác phẩm đầu tiên của chị đã được độc giả đón nhận rộng rãi. Từ đó, sự nghiệp văn chương càng thăng hoa với khá nhiều giải thưởng. Thuộc tuýp người biết rõ mình muốn gì, Châu Giang không bị thành công của văn chương làm lóa mắt mà vẫn kiên định với hội họa.
Ở tuổi 18, dù sự nghiệp văn chương đang rực rỡ, chị vẫn chọn theo học Trường Mỹ thuật. Giai đoạn sau này, chị tập trung hoàn toàn vào việc vẽ. Những năm 2000, tranh của Châu Giang đã được triển lãm tại Hàn Quốc và một số nước châu Á, châu Âu và Mỹ. Chị nói, đó không hẳn là một sự chuyển dịch mà là trở về với những gì cốt lõi của mình. Văn chương như một sở thích, còn hội họa là máu thịt. Và suy cho cùng, cả 2 loại hình nghệ thuật đều có ảnh hưởng lẫn nhau. Tranh Châu Giang níu người xem không chỉ vì vẻ đẹp hay sự mới mẻ mà còn bởi câu chuyện ẩn phía sau.
Tốt nghiệp chuyên ngành sơn dầu tại Đại học Mỹ thuật, Châu Giang nhận được học bổng của Trường Mỹ thuật Paris (École National Supérieure des Beaux-Arts). Năm 2004, chị trở thành nghệ sĩ lưu trú của tổ chức CAVE ở New York và có triển lãm A Dream My Day tại đây. Cũng trong năm này, một triển lãm khác của chị có tên Return To Love được tổ chức tại Trường Đại học Columbia. Suốt quãng thời gian ấy, nữ họa sĩ tập trung vẽ sơn dầu.
Tranh sơn dầu của Châu Giang được nhận định là mạnh bạo và khó xem vì tư tưởng quá nặng nề. Ngay chính bản thân họa sĩ cũng cảm thấy như bị nhấn chìm vào những khoảng không trong tranh.
Trước những biến động sâu sắc từ đời sống cá nhân, Châu Giang cảm thấy nếu tiếp tục với sơn dầu, chị như người đang đứng trên miệng vực càng bị đẩy nhanh xuống đáy. Đó là lúc chị thử nghiệm với lụa nhằm tìm kiếm cảm giác bình an, nhẹ nhõm. Hành trình đến với lụa cũng là hành trình Châu Giang tự chữa lành.
Thế nhưng, để đạt được kỹ thuật vẽ lụa nhuần nhị với một tay ngang như chị là điều không hề dễ dàng. Thời gian đầu, chị vẽ không được như kết quả mong đợi, đặc biệt là độ đậm nhạt của màu trên tranh hay tính toán bố cục. “Đấy thực sự là một giai đoạn thử thách”, nữ họa sĩ hồi tưởng.
Chị nói thêm: “Khi vẽ lụa, bạn không thể sửa sai được một chi tiết nào. Vì thế, bạn cần phải tưởng tượng, suy nghĩ, tính toán màu sắc, bố cục thật cẩn thận trước khi đặt bút vẽ. Để một mảng màu thật thắm, thật sinh động, thật trong trẻo, bạn cần phải kiên nhẫn đi nhiều lớp màu mỏng cho đến khi ưng ý”.
Mặc dù vậy, lối tư duy vẽ sơn dầu vào vẽ lụa đã mang đến cho tranh Châu Giang và bản thân họa sĩ lối đi riêng. Chị không bị áp lực trước nỗi lo lặp lại hay không vượt qua được cái bóng quá lớn từ các danh họa vẽ lụa thời trước.
Chấm phá mới cho tranh lụa Việt
“Từ khi khẳng định dấu ấn trong tranh lụa đến nay, Châu Giang trở thành một trong những hoạ sĩ vẽ lụa đương đại hàng đầu Việt Nam với nhiều đóng góp và tầm ảnh hưởng đến cộng đồng nghệ thuật trong và ngoài nước”, anh Leo Do, Giám tuyển tại Lotus Gallery, nhận định. “Xuyên suốt quá trình thực hành với lụa, họa sĩ Châu Giang luôn giữ vững kỹ thuật vẽ lụa nhiều lớp truyền thống của các bậc thầy Đông Dương, đồng thời tạo nên những trải nghiệm thị giác mới mẻ với những thử nghiệm cá nhân”, anh nói thêm.
Một trong những điểm tiêu biểu nhất là cách vẽ lụa 2 mặt của họa sĩ. Các mảng màu được vẽ chồng chéo, đậm nhạt khác nhau trên nền lụa để tạo nên hiệu ứng ẩn hiện đặc biệt. Hoặc như cách treo tranh gợi nhớ đến những bức bình phong thời xưa, để người xem thưởng lãm cả ở 2 mặt một bức tranh và tương tác giữa nội dung của bức tranh với mọi thứ xung quanh. Chỉ cần một bóng người đi qua, bức tranh đã có sự biến chuyển khác và mang đến cảm xúc khác biệt.
Bên cạnh đó, thay vì chú tâm vào chi tiết trong tranh, Châu Giang đặc biệt quan tâm đến tính liên kết và đồng điệu của các tác phẩm, bao gồm cả tranh lụa và các sắp đặt. Điều này hệt như cấu tứ hoàn chỉnh cho một mạch truyện. Sự liền mạch này cho thấy tư duy sáng tạo của họa sĩ trong từng giai đoạn và mối quan tâm sâu sắc về bản sắc của nữ giới.
Vẫn chọn người phụ nữ làm chủ đề chính cho tranh lụa nhưng phụ nữ trong tranh Châu Giang đã thoát khỏi vẻ đẹp ước lệ, tượng trưng thường thấy trong tranh Đông Dương. Họ gần gũi, thân thiết và thi thoảng được ta bắt gặp đâu đó trong đời sống. Họ có thể là những người thuộc thế hệ các bà, các mẹ, các chị hay những cô gái tuổi vừa đôi mươi, tai đeo headphone sành điệu. Nhưng cho dù là ai, ở thời đại nào, mâu thuẫn ra sao, họ đều gặp nhau ở vẻ đẹp bên trong: sự bền bỉ, dẻo dai và tiềm tàng sức sống mãnh liệt.
Tranh lụa của Châu Giang góp mặt trong nhiều triển lãm quốc tế từ Đông Nam Á, Hàn Quốc đến Anh sang Mỹ và hiện diện tại không ít bảo tàng nghệ thuật trên thế giới, từ Bảo tàng Mỹ thuật Singapore, Bảo tàng Hermitage (St Petersburg, Nga) đến Bảo tàng Mỹ thuật Utah, Bảo tàng Nghệ thuật Frederick R. Weisman… Còn chị thì vẫn miệt mài vẽ, miệt mài quan sát và khắc họa lại thế giới nội tâm đầy mâu thuẫn của phụ nữ Việt trong thời nay và thầm lặng biểu đạt sự tương quan phức tạp đến bình đẳng giới trong xã hội. Kiệm lời, đằm thắm mà mạnh mẽ như cách chị ẩn mình trong tranh và trong thế giới thực.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Hằng Nguyễn