Hủy
Sách hay

Khám phá lịch sử mỹ thuật Trung Hoa

Hồng Nguyễn Thứ Năm | 08/05/2025 15:30

 
 
“Lịch sử mỹ thuật Trung Hoa” của giáo sư Dương Kỳ là bức tranh toàn cảnh về di sản nghệ thuật và thẩm mỹ Trung Quốc qua 5.000 năm lịch sử.

Sách đưa người đọc vào dòng chảy sáng tạo của mỹ thuật Trung Hoa được kế thừa một cách tuần tự, rực rỡ, đẹp đẽ. Từ đồ gốm màu vẽ mặt người và cá, đồ đồng thanh nhuốm màu thời gian, những viên gạch phù điêu hay các tác phẩm đá khắc tranh mộc mạc giản đơn, những bức nhân vật họa có khí vận sinh động của Ngô Đạo Tử, những bức công bút họa hoa điểu sống động như thật của Triệu Cát,… cho đến sự sáng tạo trong hội họa truyền thống của Tề Bạch Thạch thời cận đại, sự kết hợp hội họa Đông Tây của Từ Bi Hồng.

Mỹ thuật Trung Hoa có những đặc điểm rất riêng và khác với mỹ thuật Phương Tây. Nếu thơ “ý tại ngôn ngoại” thì tranh cũng đi từ tả thực đến tả tâm. Với hơn 300 tuyệt tác sống động, cùng tên tuổi của 50 nghệ sĩ bậc thầy, người đọc được khám phá hành trình kiến tạo và phát triển của các loại hình nghệ thuật tiêu biểu như: hội họa, điêu khắc, thư pháp và kiến trúc; đồng thời hiểu được bối cảnh văn hóa xã hội của từng thời kỳ.

Lịch Sử Mỹ Thuật Trung Hoa có 14 phần, gồm phần mở đầu, lời bạt, nguồn gốc nghệ thuật và 11 chương chính trình bày về mỹ thuật qua các triều đại lớn.

Thời Hạ Thương Chu (2070 TCN - 256 TCN) - giai đoạn khởi đầu tiến tới xã hội văn minh của dân tộc Trung Hoa. Giai đoạn này đồ đồng thanh là tác phẩm nghệ thuật thể hiện lễ nghi và âm nhạc. Ngoài ra, kiến trúc, sơn mài, bích họa, nham họa đều đạt đến mức độ phát triển nhất định.

Thời Tần (221 TCN - 206 TCN): loại hình nghệ thuật chính là kiến trúc, điêu khắc. Tác phẩm điêu khắc tiêu biểu nhất thời này là Đội quân đất nung của Tần Thủy Hoàng, được mệnh danh là kỳ quan thứ 8 của thế giới.

Thời Hán (206 TCN - 220): loại hình nghệ thuật chính là cung điện và lăng mộ. Trong đó mỹ thuật trong mộ thất (đá khắc tranh và gạch phù điêu) là loại hình quan trọng nhất.

Thời Ngụy Tấn Nam Bắc Triều (220 - 581) nghệ thuật chuyển mình từ lược (đơn giản) sang tinh (tinh tế) với sự xuất hiện lý luận “dùng hình tả thần” của họa gia cung đình Cố Khải. Nghệ thuật Phật giáo cũng phát triển trong giai đoạn này và sơn thủy họa có sự khởi đầu.

Thời Tùy Đường (581 - 907) là giai đoạn đỉnh cao của nhân vật họa Đạo giáo và Phật giáo, đại diện tiêu biểu là họa gia Ngô Đạo Tử. Thời kỳ này cũng đánh dấu sự ra đời và phát triển của cung đình nhân vật họa và sự phát triển của thanh lục sơn thủy họa…

Thời Ngũ Đại Thập Quốc (907 - 960) là giai đoạn đỉnh cao của cung đình nhân vật họa, tiêu biểu là Cố Hoành Trung. Thời kỳ này cũng đánh dấu sự phát triển của công bút hoa tiểu họa…

Thời Tống (960 – 1279) là sự phồn vinh của công bút hoa điểu họa Bắc Tống, đại diện tiêu biểu là Tống Huy Tông, Triệu Xương; là đỉnh cao của thanh lục sơn thủy họa và phong tục nhân vật họa; là sự phát triển của tả ý hoa điểu họa Nam Tống; là sự khởi đầu của tả ý nhân vật họa,…

Thời Nguyên (1206 -1368) xu hướng chủ đạo là thể hiện tâm hồn và theo đuổi “thần tự”. Thời kỳ này cũng đánh dấu sự phát triển của tả ý hoa điểu họa, và là thời kỳ đỉnh cao của thủy mặc sơn thủy họa…

Thời Minh (1368 - 1644) là sự thế tục hóa của mỹ thuật, đại diện tiêu biểu là Đường Bá Hổ; là sự sáng tạo của tả ý hoa điểu họa và văn nhân nhân vật họa với Từ Vị…

 Trang trong sách - Thu Hứng Bát Cảnh Đồ (8 cảm hứng hứng mùa thu) của họa sĩ, nhà thư pháp Đổng Kỳ Xương (thời Minh)
Trang trong sách - Thu Hứng Bát Cảnh Đồ (8 cảm hứng hứng mùa thu) của họa sĩ, nhà thư pháp Đổng Kỳ Xương (thời Minh)

Thời Thanh (1616 - 1911) là thời đại xung đột chính trị và kinh tế khốc liệt giữa Trung Quốc và phương Tây, đồng thời cũng là thời kỳ hội nhập giữa mỹ thuật Trung Quốc và phương Tây. Đây là sự khởi đầu của phong cách mỹ thuật “Đông Tây hợp bích” do Lang Thế Ninh đại diện

Thời cận đại đến nay (1840 - ngày Nay) là sự thành công của “Đông Tây hợp bích” đại diện là Từ Bi Hồng và Sự hồi sinh của hội họa truyền thống Trung Quốc đại diện là Tề Bạch Thạch.

Sự phát triển của mỹ thuật Trung Quốc, xét về mặt thể hiện cảm xúc tạm chia thành 3 giai đoạn.

Giai đoạn thứ nhất: theo đuổi hình tự (theo đuổi cái giống về mặt hình thức bên ngoài). Tác giả sách cho biết, “họa” ở thời kỳ sơ khai, chính là sự miêu tả hình dạng bề ngoài của sự vật. “Họa tức là vẽ vậy”, “họa tức là vẽ sao cho giống vậy”, “họa tức là hình vậy”, tất cả những điều này cho thấy “họa” chú trọng hình thức. “Họa tức là vẽ cho đẹp vậy” cho thấy “họa” chú trọng vào màu sắc. “Cách bảo tồn hình ảnh tốt nhất là vẽ”, “Dùng hình để tả hình, dùng màu để thể hiện màu sắc”, chính là cương lĩnh của lý luận hội họa Trung Quốc thời kỳ đầu.

Giai đoạn thứ hai: dùng hình tả thần (Dùng hình thức để diễn tả thần thái). Tác giả sách cho biết, thời Đông Tấn, họa gia Cố Khải Chi đã đưa ra khái niệm “dùng hình tả thần”. Theo đó, mối quan hệ giữa “hình” và “thần” là: thần là linh hồn của hình thức, còn hình là nền tảng của thần. “Thần” có hai loại: một loại là “thần” của mỹ thuật gia gọi là “thần” chủ quan; loại thứ hai là “thần” của đối tượng biểu đạt mỹ thuật, gọi là “thần” khách quan - chẳng hạn vẽ Quan Công là thể hiện lòng trung nghĩa của Quan Công, vẽ Trương Phi là thể hiện sự dũng mãnh của Trương Phi. Khái niệm “dùng hình tả thần” của Cố Khải Chi thực chất là “đủ cả hình thức lẫn tinh thần”, hay nói cách khác là một khái niệm về tả thực sâu sắc và toàn diện.

Giai đoạn thứ ba: tâm họa (khắc họa nội tâm). Tác giả sách cho biết, vào nửa cuối thời Bắc Tống, quan niệm “họa là dấu ấn của tâm tư tình cảm” của Quách Nhược Hư, hay quan niệm “không theo đuổi giống hình thức bề ngoài” của Tô Thức đã đánh dấu sự khởi đầu của bước ngoặt từ tả thực sang tả ý, từ mô phỏng sang khắc họa nội tâm. Đến thời Nguyên, tâm họa đã trở thành xu thế chính của hội họa.

Nét tinh túy của hội họa Trung Quốc là khí vận sinh động - nói một cách đơn giản nhất đó là “sống”, tức là sức sống. Có thể nói, nếu không hiểu “khí vận sinh động” thì không thể hiểu được hội họa Trung Quốc. Người Trung Quốc nhìn thế giới bằng tinh thần của sự sống.

Đặc trưng nổi bật của hội họa Trung Quốc là sự gắn kết chặt chẽ với triết học. Triết học Trung Quốc ẩn trong nghệ thuật, nghệ thuật Trung Quốc là sự nối dài của triết học. Trở thành một người tốt với tâm hồn trong sáng là mục đích cao nhất của hội họa Trung Quốc và cũng là mục đích cao nhất của cuốn sách này. 

Lịch Sử Mỹ Thuật Trung Hoa được thiết kế đặc biệt với áo bìa in bằng giấy nến, có hai mặt gồm mặt ngoài là nội dung bìa ngoài và mặt trong là các tác phẩm tiêu biểu của các họa sĩ đại diện cho từng thời kỳ trong lịch sử Mỹ thuật Trung Hoa. Cuốn sách không chỉ dành cho độc giả muốn tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật Trung Quốc nói chung, mà còn dành cho những ai muốn khám phá ý nghĩa triết học Trung Quốc qua nghệ thuật.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới