Hủy
Phong Cách Sống

The New York Times ấn tượng với cáp treo của du lịch Việt Nam

Thứ Ba | 31/10/2023 19:00

Hệ thống cáp treo tại Sun World Ba Na Hills.

 
 
Tờ báo Mỹ ấn tượng với các tuyến cáp treo kỷ lục thế giới tại Phú Quốc, Sa Pa, Bà Nà... trong sự biến chuyển của du lịch Việt Nam.

Trong bài viết có tựa đề “Nếu có thể đi cáp treo đến Đấu trường La Mã, bạn đang ở Việt Nam” đăng tải vào ngày 25/10, nhật báo Mỹ The New York Times đã dành có những nhận định và ấn tượng với hệ thống cáp treo tại các điểm du lịch nổi tiếng nhất Việt Nam. 

Tới “Đấu trường La Mã” bằng cáp treo?

Tiêu đề của phóng viên Patrick Scott – tác giả bài viết đã gợi nhiều tò mò cho độc giả quốc tế khi hình dung về Việt Nam. Patrick Scott đã dành thời gian nghiên cứu các hệ thống cáp treo tại Phú Quốc, Sa Pa, Đà Nẵng… và ghi lại những mô tả dựa trên cảm nhận của bản thân và những du khách quốc tế đã trải nghiệm. 

Cây bút của New York Times đã đến Phú Quốc vào tháng 3 và đi cáp treo 8 km từ Sunset Town- Thị trấn Hoàng Hôn tới đảo Hòn Thơm. Anh mô tả khu vực nhà ga cáp treo là phiên bản “đầy đủ” của Đấu trường La Mã tại Rome, và toàn bộ Thị trấn Hoàng Hôn - Sunset Town là phiên bản công phu của một thành phố Địa Trung Hải ở Ý, với tháp chuông đồng hồ, đài phun nước kiểu baroque và những tàn tích La Mã. 

Tại Đà Nẵng, Patrick Scott nhận định tuyến cáp treo lên đỉnh Bà Nà đã biến trạm nghỉ dưỡng xưa kia của người Pháp thành Sun World Ba Na Hills – một công viên giải trí theo phong cách châu Âu, với ngôi làng Pháp, nhà thờ Gothic và đặc biệt Cầu Vàngc- một hiện tượng truyền thông của thế giới. 

Ở Sa Pa, anh ấn tượng với hệ thống cáp treo lên đỉnh núi cao nhất Việt Nam - Fansipan. Tại Fansipan, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những quần thể tâm linh mô phỏng kiến trúc các ngôi chùa Việt thế kỷ XVI, với tháp chuông 10 tầng, hệ thống cầu thang bằng đá và tượng Phật ngồi khổng lồ. Suvisa Vathananond và Patrick Tunhapong, du khách Thái Lan, nhận xét khu du lịch Sun World Fansipan Legend là một dự án cân bằng tốt giữa bảo tồn và phát triển. 

Cáp treo trong biến chuyển của du lịch Việt Nam

“Việt Nam là nơi có 4 tuyến cáp treo dài nhất thế giới, đều được xây dựng trong thập kỷ qua, cho thấy biến chuyển ngoạn mục của nền kinh tế và ngành du lịch Việt Nam”, nhật báo của Mỹ nhận định.

Steven Dale, người sáng lập Gondola Project - một website uy tín theo dõi ngành phát triển cáp treo toàn cầu nhận định ở châu Á, một trong những quốc gia phát triển cáp treo thành công nhất là Việt Nam. Theo dữ liệu từ các nhà sản xuất cáp treo, trong 2 thập kỷ qua, đã có khoảng 26 tuyến cáp treo được xây dựng tại hàng chục địa điểm trên khắp cả nước, cho thấy tốc độ phát triển nhanh chóng của các cơ sở phục vụ nhu cầu du lịch. Trong đó có những công trình như: Cáp treo 3 dây dài nhất thế giới tại Phú Quốc; Cabin cáp treo có sức chứa lớn nhất thế giới tại Hạ Long (Quảng Ninh); Trụ cáp cao nhất thế giới tại Cát Bà (Hải Phòng); Hệ thống cáp treo có độ dốc lớn nhất thế giới lên đỉnh Fansipan tại Sa Pa (Lào Cai); Cáp treo một dây dài nhất thế giới lên đỉnh Bà Nà (Đà Nẵng)… 

Theo chuyên gia Steven Dale, địa hình Việt Nam có nhiều núi, rừng và hải đảo, phù hợp để xây dựng cáp treo. Đây được xem là “con đường” có thời gian xây dựng nhanh hơn, rẻ hơn và ít gây thiệt hại về môi trường hơn so với đường bộ.

cáp treo
Khách du lịch tại điểm cáp treo Càt Hải – Phú Long và poster quảng bá Cầu Vàng. Ảnh: The New York Times

New York Times nhận định cáp treo có ý nghĩa đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Tầng lớp trung lưu của đất nước là những đối tượng không dễ dàng có khả năng chi trả cho một chuyến đi đến Rome (Ý), hay Paris (Pháp), nhưng có thể dễ dàng mua vé cáp treo có giá từ 25-45 USD để đến những điểm đến lấy cảm hứng châu Âu như Bà Nà Hills hay Phú Quốc. 

Nhật báo Mỹ đặt vấn đề về mô hình cáp treo là cách vận hành du lịch giảm thiểu carbon nhưng cũng có những ý kiến đây là cách để đáp ứng nhanh với sự bùng nổ quá mức của du lịch gây ra những lo ngại về môi trường.

Tuy nhiên, tờ báo cũng chỉ ra rõ những tác động tích cực của cáp treo tới nền kinh tế của các địa phương. Theo ghi nhận của bài báo, với chính quyền Sa Pa, địa phương chỉ đón 65.000 lượt khách du lịch vào năm 2010, trước khi đường cao tốc từ Hà Nội được xây dựng vào năm 2014 và cáp treo được khánh thành vào năm 2016. Đến năm 2019, lượng du khách đã tăng vọt lên 3,3 triệu lượt và đạt 2,5 triệu lượt vào năm ngoái trong sự phục hồi sau dịch bệnh.

Bên cạnh những ý kiến trái chiều về du lịch Sa Pa như trẻ em dân tộc thiểu số đi xin tiền, nhiều tòa nhà, khách sạn đang mọc lên không kiểm soát, thì cáp treo đã giúp đỉnh Fansipan dễ tiếp cận hơn và thu hút hàng ngàn du khách mỗi ngày.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới