Từ bỏ lắp ráp có phải là hướng đi đúng của các liên doanh ô tô?
Zing
Do thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN xuống 0% từ ngày 1/1/2018, nhiều doanh nghiệp ô tô nước ngoài tại Việt Nam đã chuyển trọng tâm từ sản xuất trong nước sang nhập khẩu để có thêm lợi nhuận. Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy những doanh nghiệp chú trọng nhập khẩu (để tận dụng mức thuế này) không thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Dường như việc chuyển hướng từ sản xuất, lắp ráp trong nước sang nhập khẩu chưa phải là một lựa chọn phù hợp vì đã gây không ít khó khăn cho khách hàng.
Từ năm 2017, Toyota Fortuner và Honda Civic, hai dòng xe thuộc hàng bán chạy nhất của Toyota và Honda tại Việt Nam, đã chuyển sang nhập khẩu thay vì lắp ráp trong nước. Toyota cũng từng úp mở về việc sẽ ngưng hoàn toàn việc sản xuất lắp ráp trong nước để chuyển qua nhập khẩu xe nguyên chiếc. Điều này cũng không khó hiểu vì xét về quy mô thị trường, Việt Nam còn khá nhỏ so với Thái Lan (nơi sản xuất Honda Civic) hoặc Indonesia (sản xuất Toyota Fortuner).
Ngoài Fortuner, Toytota Việt Nam hiện đang có rất nhiều mẫu nhập khẩu như Yaris, Hiace, Hilux, Land Cruiser, Land Cruiser Prado, Alphard, Wigo… Wigo là mẫu mới nhất được đem về từ Indonesia và đó là phân khúc xe cỡ nhỏ, giá rẻ, chất lượng thấp hơn những mẫu kia, và khá ít option so với các đối thủ cùng phân khúc của các thương hiệu Hàn Quốc. Các mẫu nhập khẩu từ Thái Lan của Honda bao gồm HR-V, CR-V, Civic, Accord, Jazz. Ford Việt Nam đang cung cấp các dòng xe du lịch Fiesta, Focus, EcoSport, Everest, Explorer, bán tải Ranger và mini bus Transit; trong đó chỉ có 4 dòng lắp ráp trong nước là Fiesta, Focus, EcoSport và Transit.
Sáu tháng đầu năm 2018, không nhiều xe du lịch được nhập về vì chưa đáp ứng Nghị định 116. Qua tháng 7 lượng xe nhập khẩu tăng đột biến, thị trường khó biết được đâu là con số nhập thực tế vì không loại trừ trường hợp các hãng nhập có thể đưa con số tăng thêm nhằm thu hút khách hàng. Đại lý chưa nhận xe tại kho, nhưng được hãng báo là xe đã sẵn sàng ở cảng hoặc đang trên đường về nước khiến các showroom mạnh dạn mở đặt cọc cho khách, nhưng khách chưa biết ngày nào giao xe dù tiền cọc đã trao. Còn những xe đã đến được tay khách hàng là những xe đã được đặt cọc từ trước. Ví dụ như mẫu xe Toyota Wigo dự kiến bán tại thị trường Việt Nam đầu năm 2018 làm người tiêu dùng khấp khởi chờ, nhưng tới giờ mẫu xe ô tô giá rẻ này vẫn chưa ra thị trường. Tuy nhiên, nhiều đại lý lớn ở Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ đã nhận đặt cọc với giá dự kiến cho bản thấp nhất chỉ dưới 350 triệu đồng, dự kiến khoảng quý IV/2018 mới có xe về giao cho khách. Điều này khiến khách hàng bày tỏ nghi ngại và không hài lòng, đồng thời có tâm lý so sánh và chuyển hướng qua mua xe sản xuất lắp ráp trong nước (xe có sẵn với số lượng đầy đủ, nhiều màu sắc, nhiều tiện nghi, linh kiện phụ tùng sẵn có, và có khi được khuyến mại thêm về bảo hiểm vật chất). .
Như vậy, mục tiêu lợi nhuận của các doanh nghiệp ô tô nước ngoài đã không đạt được, mặt khác còn gây khó khăn cho khách hàng khi lượng xe không đủ đáp ứng nhu cầu. Thậm chí, hiện tượng “mua bia kèm lạc” (ép khách hàng khi mua xe phải mua kèm thêm phụ kiện) xuất hiện khiến nhiều khách hàng búc xúc. Giá niêm yết chỉ mới là giá cơ bản chưa bao gồm các tùy chọn thêm, khách hàng muốn sử dụng một sản phẩm với đầy đủ tiện ích thì phải bỏ ra một số tiền lớn hơn giá niêm yết. Trước những điều này, nhiều khách hàng đã quay lại lựa chọn tối ưu hơn là đợi mua xe nhập khẩu. Trong các diễn đàn, có ý kiến cho rằng: “Tiền không dễ kiếm và người Việt thu nhập rất thấp, giá ô tô lên đến tiền tỉ thì đúng là một tài sản lớn. Tôi nghĩ mình nên chọn lựa mẫu xe có giá gần giá trị thật cho đỡ thiệt thòi. Không nên mua xe mà không có xe để xem, giá thì tạm tính, thời điểm giao xe thì không chắc”.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư