Hủy
Phong Cách Sống

Ước vọng 20 năm của vị Kiến trúc sư gốc Việt

KTS PHẠM MINH NHỰT Thứ Bảy | 07/09/2024 13:23

KTS Phạm Minh Nhựt.

 
 
Mừng Rạp Xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ cất nóc, từ Bỉ, KTS Phạm Minh Nhựt gửi đến Tạp chí NCĐT lời tâm tình của một nhân lực chủ chốt.

Vào năm 2004, cũng là năm con gái tôi chào đời, một cột mốc trùng hợp đáng nhớ, Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin TP.HCM thời kỳ đó là chị Trương Ngọc Thủy gọi sang tôi khi tôi đang ở Bỉ, nói rằng Sở rất mong muốn bảo tồn ngành xiếc và mời tôi tham gia thầu công trình Rạp Xiếc Phú Thọ. Thời điểm đó chưa có đấu thầu rộng rãi mà là đấu thầu theo kiểu mời thầu. Khi tôi về Việt Nam gặp mặt thì chị Thủy cho biết công trình này đã có 2 hồ sơ kiến trúc, bây giờ cần một hồ sơ thứ 3.

Tôi gặp anh Giám đốc của hai đội xiếc Bầu Trời Xanh và Mặt Trời Đỏ thuộc Đoàn xiếc TP.HCM, tiền thân của Nhà hát nghệ thuật Phương Nam bây giờ, anh hỏi tôi có kinh nghiệm thi công cho công trình rạp xiếc như rạp của đoàn xiếc Solei nổi tiếng ở Canada hay không, vì đây là đoàn xiếc mà anh rất say mê, anh cần công trình rạp xiếc hòa hợp với loại xiếc đang hiện hữu của đoàn. Ngẫu nhiên khi tôi được biết một trong những người sáng lập ra đoàn xiếc Soleil là một ông đạo diễn người Bỉ. Nếu tôi cùng ông ấy, hai người Bỉ làm việc với nhau thì thật thuận lợi, dễ dàng. Tôi nói với anh Giám đốc về duyên may và sẵn sàng làm lại hồ sơ tư vấn thiết kế cho công ty của mình.

Đời sống của một người biểu diễn xiếc rất ngắn, từ 14-15 tuổi cho tới lúc 30 tuổi, mỗi ngày sức khỏe sức lực của họ giảm sút, sao đó thì thế nào? Phải làm sao đảm bảo được tương lai cho họ, để họ còn được tiếp tục cống hiến cho ngành. Đây là bài toán mà tôi phải tìm lời giải tốt nhất. Kể từ đó tôi đi hết nước này đến nước khác, qua hơn 20 nước, tham khảo 40 nhà hát lớn của các nước để xem những cái hay, nhìn ra những cái dở của họ. Tôi nhận thấy hầu như tất cả các nhà hát lớn trên thế giới chỉ xây nhà biểu diễn thuần túy, rõ ràng concept của họ, nhất là những nước tư bản chỉ chú trọng lợi nhuận, làm sao thu hồi vốn, ngay cả đoàn xiếc Soleil cũng vậy. Kế đến tôi đi thăm tất cả các trường đào tạo xiếc ở 20 nước thì nhà nước phải hỗ trợ rất nhiều, ngay cả bên Nga có truyền thống nghệ thuật xiếc lâu đời cũng phải sử dụng tiền của nhà nước. Cuối cùng tôi có lời giải bài toán cho thành phố: một rạp xiếc vừa biểu diễn xiếc vừa biểu diễn đa năng. Thực tế nếu một tòa nhà 52 thước đường kính, 60 thước chiều cao, hơn 31 ngàn 600 thước vuông, tốn 1.500 tỉ đồng ngân sách thành phố mà chỉ sử dụng cho xiếc thì quá uổng phí.

Tôi chọn công ty tư vấn nghệ- kỹ thuật của Tây Ban Nha là một trong những công ty mà hầu như cả thế giới ai cũng biết chuyên môn của họ. Tôi tìm họ giống như mình lặn lội đi tìm hạt trai ở biển. Tôi tìm mọi cách thuyết phục họ cho bằng được. Tôi gọi điện thoại, gửi thư họ không trả lời, tôi vẫn cứ gửi, gửi đến lần thứ 10 thì cuối cùng họ cũng trả lời. May mắn là khi tôi gặp Giám đốc công ty, ông nói chưa bao giờ ông chấp nhận một công trình mà giá tư vấn rẻ như tôi đề nghị nhưng ông muốn chứng tỏ cho không những ở Việt Nam mà cả khu vực Đông Nam Á thấy khả năng thật sự của công ty ông.

Concept sau cùng của chúng tôi, tôi tự tin khẳng định đây là công trình duy nhất mà cả thế giới có. Phía trên nóc là trung tâm hội thảo, trung tâm triển lãm và một nhà hàng thượng cảnh. Nhà hàng là chỗ để các bạn trẻ, giới trí thức, giới am hiểu nghệ thuật có nơi hò hẹn trao đổi kiến thức, niềm say mê dành cho văn hóa nghệ thuật. Đây là công thức duy nhất mà công trình chúng ta có. Tôi đi 20 nước thì thấy có những nhà hát mà những quán bar, tiệm cà phê nằm kế bên nhưng nó không phải của nhà hát mà là của tư nhân, dựa trên hoạt động văn hóa của nhà hát để lấy lợi nhuận. Tôi đặt lại câu hỏi: Tại sao thành phố bỏ vốn ra, tại sao mình không lấy lợi nhuận của các dịch vụ đi kèm đó để phục vụ cho việc đào tạo? Thay vì thành phố phải bỏ ngân sách vào để tạo một công trình, một trường đào tạo cao cấp thì mình lấy những hoạt động xung quanh, ví dụ như quán cà phê cho giới trẻ thành phố nằm trên 54 thước chiều cao, xung quanh quang cảnh rất đẹp, kế bên trường đua Phú Thọ, một nét quyến rũ lành mạnh để làm kinh phí phục vụ cho đào tạo. Mình lấy cái lợi của việc thương mại hóa lành mạnh để giúp đỡ sự đào tạo cho các thế hệ tương lai.

Phối cảnh Công trình Rạp Xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ.
Phối cảnh Công trình Rạp Xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ.

Rạp Xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ có 2.000 chỗ ngồi. Ở 5 tầng bên trên là trung tâm đào tạo có thêm một nhà biểu diễn đa năng 300 chỗ ngồi, có bãi đậu xe để giải quyết nạn đậu xe trên đường Lữ Gia, tạo giao thông văn minh hiện đại.

Công trình có nhiều chức năng:

Thứ nhất, bãi đậu xe ở 2 tầng âm, diện tích gần 8 ngàn thước vuông. Công trình bao gồm căn nhà hành chánh để quản lý, điều phối tất cả các chương trình ở Rạp Xiếc, vừa bán vé vừa tổ chức hệ thống cơ quan quản lý, cơ sở làm việc để tiếp khách, để chuẩn bị chương trình.

Thứ hai là công trình chính với cửa vào chính cùng khối nhà lớn 52 m ngang và 60m cao. Công trình này gần như là trái tim của dự án, không những có hai khán phòng 2.000 chỗ  ngồi và 300 chỗ ngồi mà còn có những khoảng trống để dành làm các cửa hàng bán hàng lưu niệm, hay phục vụ các triển lãm điêu khắc, hội họa. Tại đây sẽ có những chương trình triển lãm đón du khách trong và ngoài nước cũng như đón học sinh các cấp của thành phố đến tham quan, học tập. Đây là chức năng cộng thêm của nhà biểu diễn.
Thứ ba là trường đào tạo, mình có thể cho du khách trong và ngoài nước đến thăm,tận mắt chứng kiến hoạt động đào tạo. Và cuối cùng, trở lại bài toán kinh tế, ngoài giờ biểu diễn, tổng thể công trình đủ sức để cho những sự kiện lớn thuê.

Chúng tôi đã dành nhiều tâm huyết cho sân khấu biểu diễn. Đó là sân khấu được nâng lên hạ xuống phục vụ biểu diễn cả trên không, trên sàn khô, trên băng đá và trong bể nước. Ở đó, sẽ có những chương trình không đơn thuần là xiếc mà là vũ hòa nhạc với kịch bản chuyên nghiệp. Tất cả công nghệ sân khấu hiện đại được đưa vào đây. Mỗi đạo diễn nghệ thuật sẽ có trong tương lai một dụng cụ nhiều chức năng để họ bộc lộ hết tài năng của họ. Kỹ thuật sân khấu với ánh sáng, âm thanh, các loại sàn, thác nước, công nghệ chuyển cảnh, phông màn… được tính toán chuẩn xác để buổi biểu diễn trở thành một bài thơ, một câu chuyện tráng lệ và lay động xúc cảm của khán giả từ phút đầu tiên cho tới cuối cùng. Và để họ rời nhà hát mà còn lưu giữ câu chuyện đó trong tim như một kiệt tác.  

Phối cảnh một góc khán đài của sân khấu biểu diễn đa năng bên trong công trình.
Phối cảnh một góc khán đài của sân khấu biểu diễn đa năng bên trong công trình.

Hình dáng đặc thù của công trình lấy biểu tượng rất giản dị từ một chiếc thúng tre của thôn quê Việt Nam, khi 80% người dân đất nước ta xuất thân từ ngành nông nghiệp thì nó là biểu tượng gần gũi của văn hóa Việt Nam và cũng rất hay là nó phù hợp với chữ “Cirque”, hình trụ tròn, ngành xiếc.

Trong thời gian nghiên cứu dự án tôi muốn bước nhìn của mình phải xa hơn bước nhìn của một người làm kiến trúc đơn thuần, không chỉ chú tâm xây dựng một công trình mà phải nhìn đến chức năng sử dụng và tương lai của nó, đưa công trình phục vụ cho cộng đồng và cho sự phát triển của các ngành nghề nghệ thuật của thành phố. Tại sao Céline Dion mỗi lần đi biểu diễn trên thế giới, các nhà tổ chức phải trả, tính ra bằng cả tỉ tiền Việt để bà tới? Tôi có ước vọng là qua dự án này, qua trao dồi kinh nghiệm hoạt động tại công trình này sau 5 năm, 10 năm mình sẽ tinh xảo hơn về nghệ thuật biểu diễn, các nghệ sĩ đạt được một trình độ đáng hãnh diện, có thể các nước lân cận họ muốn mời mình đi biểu diễn thì họ phải trả giá rất cao.  

Và đối với tôi, Rạp Xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ là một cơ sở đào tạo. Mục đích đó quan trọng hơn. Và qua công trình, mình gom chất xám của những người đi trước, những người tài giỏi của cả Việt Nam và thế giới để đem về đóng góp cho thành phố.

Công trường Rạp Xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ vào sát ngày cất nóc.
Công trường Rạp Xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ vào sát ngày cất nóc.

Hồi nhỏ tôi được chị gái đọc cho nghe các truyện kể về văn hóa Tây Âu. Tôi đã mơ tới những công chúa, hoàng tử, ông vua, hoàng hậu… trượt băng trên tuyết, những cảnh tượng ở xứ lạnh mà mình chưa bao giờ thấy. Tôi mong muốn công trình sẽ là một cơ sở tổ chức các festival quốc tế để mời tất cả các đoàn nghệ thuật trượt trên băng đá về đây biểu diễn “Disney at night” phục vụ cho trẻ em Việt Nam vốn sinh ra ở một xứ nóng chưa bao giờ thấy tuyết, chưa bao giờ thấy loại hình nghệ thuật này. Sau 44 năm sống ở nước ngoài, tôi muốn chia sẻ giấc mơ của đứa bé cách đây 44 năm theo ký ức của mình.

Tôi đã nhiều lần trở về thăm và làm việc tại Việt Nam. Đi khắp các tỉnh thành, tôi nhận thấy chưa có đất nước nào mà văn hóa, phong tục tập quán phong phú và sống động như ở ta. Các công trình kiến trúc ở ta hầu hết cần tầm nhìn vài chục năm chứ không chỉ phục vụ cho hiện tại. Ngoài thiết kế rạp xiếc, vì theo đuổi quá lâu nên tôi đã trở thành một chuyên gia về nhà biểu diễn và đào tạo, tôi còn có ước muốn chia sẻ kinh nghiệm thiết kế tại châu Âu trong các lãnh vực khác như nhà thi đấu đa năng và công trình bảo tàng. Đặc biệt, kiến trúc bảo tàng đối với tôi không đơn điệu. Đó không chỉ là nơi trưng bày hình ảnh, hiện vật lịch sử mà còn phải là không gian tận dụng được 5 cảm ứng để khách tham quan được đi trong lịch sử. Chẳng hạn, khi khách tham quan thấy hình ảnh đoàn quân băng qua cánh đồng, họ cảm nhận được làn gió mát thổi sượt qua má. Hay khi nhìn chiến trận đang diễn ra khốc liệt, họ nghe được tiếng đạn nổ rát sau lưng và ngửi được cả mùi khói súng.

Hai mươi năm dài tôi và các cộng sự gắn bó với công trình Rạp Xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ, chúng tôi biết mình đang làm điều mà thành phố sẽ hãnh diện nên sẵn sàng cùng nhau đổ mồ hôi công sức đêm ngày. Hai mươi năm tôi đồng hành cùng công trình cho đến thành hình như hiện tại, điều kỳ diệu là nó cũng trùng khớp với diễn biến đời riêng của tôi, kể từ khi tôi chứng kiến và chăm sóc con gái từ trong thai nghén, chào đời, trẻ sơ sinh, thiếu nhi, thiếu nữ đến cô gái tuổi 20 xinh đẹp trưởng thành hôm nay. Tôi đã thiết kế nhiều công trình trọng điểm trên đất nước Bỉ nhưng không có nơi đâu làm tôi hạnh phúc lẫn bồi hồi nhiều như khi được vinh dự thực hiện công trình kiến trúc ở Việt Nam, cống hiến để trả một phần ơn nợ cho đất mẹ yêu thương.

Công trình văn hóa trọng điểm của TP.HCM

Ngày 6/9, Sở Văn hoá và Thể thao TP.HCM phối hợp Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP tổ chức lễ cất nóc Công trình Rạp Xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ (Quận 11). Công trình thiết kế 12 tầng nổi, 2 tầng hầm trên diện tích đất 10.000m2, với quy mô 2.000 chỗ và phòng tập luyện 300 chỗ. Dự án khởi công vào tháng 4/2023 với tổng mức đầu tư gần 1.400 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách TP.HCM. Công trình dự kiến hoàn thành vào tháng 2/2025, mời nghiệm thu, khánh thành và có chương trình biểu diễn đầu tiên vào dịp 30/4/2025. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM, công trình Rạp Xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ thuộc dự án trọng điểm (nhóm A) của thành phố, là một trong 8 công trình văn hóa lớn trong kế hoạch xây mới, sẽ tạo nên tiền đề giúp cho ngành văn hóa thành phố có những thuận lợi để phát triển hơn.  

Kiến trúc sư người Bỉ gốc Việt Pham Minh Nhựt là Giám đốc Điều hành của Công ty Kiến trúc A_Fine có trụ sở tại Bỉ- một trong những công ty thuộc AFMEA Circus Group, tổng thầu chính của công trình. Trước đó, từ năm 2003, KTS Phạm Minh Nhựt đã trình những phác thảo đầu tiên về mô hình rạp xiếc lên Sở Văn hóa – Thể thao TP.HCM, ký hợp đồng tư vấn thiết kế vào năm 2012 và là người đồng hành cùng công trình suốt 20 năm nay.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới