ASEAN đang thua trong "trận chiến" chống lại biến đổi khí hậu?
Khói ô nhiễm bốc lên từ một nhà máy dầu cọ bên ngoài Pekanbaru, Riau ở Indonesia. Ảnh AFP
Khí nhà kính (GHG) tiếp tục tăng và việc sản xuất nhiên liệu hóa thạch ngày càng nhiều đã khiến nhiều quốc gia không đạt được Thỏa thuận Paris 2015. Đây là một hiệp ước được 184 quốc gia phê chuẩn nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu không hơn 1,5 độ C.
Dù mục tiêu là rất tham vọng, nhưng với tính chất tự nguyện, cùng nhiều sơ hở nên hầu hết các quốc gia đều không hành động quyết liệt với Thỏa thuận Paris. Vì thế, những năm qua, mục tiêu cắt giảm khí thải và giải quyết biến đổi khí hậu vẫn khó thực hiện.
ASEAN nhắm mục tiêu sử dụng 23% năng lượng tái tạo trong tổng nhu cầu năng lượng vào năm 2025. |
Nhiệt độ ở Đông Nam Á ngày càng tăng
Đông Nam Á đang đối mặt với nhiều thiệt hại do biến đổi khí hậu, ngày 25/11, báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) công bố, cho thấy GHG trong bầu khí quyển khu vực này đã đạt đến một mức cao kỷ lục, và có thể sẽ đối mặt với nguy cơ nhiệt độ và mực nước biển gia tăng, cũng có với đó là nhiều sự gián đoạn trong hệ sinh thái biển và đất liền.
Năm 2018, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lưu ý, rằng nhiệt độ trung bình ở Đông Nam Á đã tăng lên sau mỗi thập kỷ kể từ năm 1960. Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trong 20 năm qua.
Bản tin về khí nhà kính của WMO cho thấy nồng độ carbon dioxide (CO2) trung bình trên toàn cầu đạt mức 407,8 phần triệu (PPM) trong năm 2018, trong khi đó năm 2017 con số này là 405,5 PPM. Tổng thư ký WMO, ông Petteri Taalas, đã chỉ ra rằng lần cuối cùng Trái đất chứng kiến nồng độ CO2 tương đương là hơn ba triệu năm trước, khi nhiệt độ tăng thêm 2-3 độ C và mực nước biển dâng cao hơn 10-20 mét.
Nồng độ GHG trong khí quyển không có dấu hiệu chậm lại bất chấp mọi cam kết theo Thỏa thuận Paris, ông Taalas nói.
Bên cạnh đó, một báo cáo thường niên về phát thải của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) công bố hôm 26/11 cho biết, thế giới sẽ không thể đạt được mục tiêu duy trì mức tăng nhiệt độ dưới 1,5 độ C của Thỏa thuận Paris, trừ khi lượng phát thải GHG toàn cầu giảm 7,6% mỗi năm từ năm 2020 đến năm 2030.
Báo cáo cũng cảnh báo rằng, Trái đất sẽ tăng thêm 3,2 độ C vào cuối thế kỷ này, có thể gây ra những tác động khí hậu trên phạm vi rộng và hủy diệt.
Hiện tại, ASEAN đã đóng góp hơn một nửa số trường hợp tử vong trên thế giới do các thảm họa toàn cầu trong giai đoạn 2004-2014, ví dụ như lũ lụt, sóng thần, động đất và các thảm họa tự nhiên khác, vốn đã gây ra thiệt hại khoảng 91 tỷ USD.
Tuy nhiên, một báo cáo của Quỹ Sinh thái toàn cầu, một tổ chức phi chính phủ, lại cho thấy, gần 75% trong số 184 cam kết của Hiệp định Paris được đánh giá là không đủ để ngăn chặn biến đổi khí hậu tiếp tục tăng tốc trong thập kỷ tới.
Một trong những nguyên nhân làm gia tăng biến đổi khí hậu là việc dùng than quá mức.
ASEAN sử dụng than quá nhiều
Theo Báo cáo Năng lượng Đông Nam Á 2019 được công bố bởi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vào cuối tháng trước, mặc dù cả 10 quốc gia ASEAN đã phê chuẩn Thỏa thuận Paris, nhưng nhu cầu năng lượng trong khu vực sẽ tăng tới 60% vào năm 2040.
Mức sử dụng than của Việt Nam đã tăng 75% từ năm 2012 đến 2017, nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới theo Trung tâm Ash của Trường Harvard Kennedy. Tại Indonesia, công ty điện lực nhà nước Perusahaan Listrik Negara (PLN) cho biết vào tháng 8, rằng việc sử dụng than để sản xuất điện ở nước này sẽ tăng khoảng 12% trong năm nay do nhu cầu phát sinh từ các nhà máy điện mới. Tại Philippines, bốn công ty năng lượng lớn nhất có kế hoạch tăng gấp đôi công suất điện than hiện tại của đất nước trong vòng 6 năm tới.
"Nếu khu vực này tiếp tục duy trì mức độ như vậy, hậu quả sẽ rất lớn", IEA lưu ý. Tổ chức này cũng cảnh báo rằng số ca tử vong sớm hàng năm liên quan đến ô nhiễm không khí sẽ tăng từ 450.000 vào năm 2018 lên hơn 650.000 vào năm 2040.
►Hạt bụi ngáng đường tăng trưởng
Nguồn theaseanpost
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư