Hãy yêu nhau đi, ngại chi COVID
Hãy yêu nhau đi, ngại chi COVID. Ảnh: Jang Kều.
Việt Nam đã chính thức bước vào thời chiến với dịch bệnh, đó là tuyên bố của Chính phủ mới được đưa ra gần đây. Cả nước đồng lòng chống dịch, quán xá, nhà hàng, khách sạn,… đều đóng cửa.
Ai cũng hiểu, việc phòng chống dịch bệnh, sức khỏe của con người là điều quan trọng nhất. Nhưng đằng sau những quyết định ấy, lại là vô vàn khó khăn của doanh nghiệp và người lao động.
Sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị ngưng trệ. Bài toán doanh thu-chi phí lại trở nên khó hơn bao giờ hết. Nhiều doanh nghiệp để tồn tại, họ phải đưa ra những quyết định chưa bao giờ là dễ dàng khi phải cắt giảm lương, cắt giảm nhân sự.
Thực tế, đến nay, hàng ngàn doanh nghiệp đã phải cắt giảm quy mô sản xuất, giảm giờ làm vì COVID-19. Điển hình như gần 2,8 triệu lao động ngành dệt may, gần nửa triệu lao động ngành hàng không, đường sắt, đường bộ... đã bị ảnh hưởng.
Do tác động của COVID-19, số người thất nghiệp đến nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng lên rõ rệt. Tháng 2 có trên 47.000 người, tăng 59,2% so với tháng 1 (gần 30.000 người) và tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái (gần 28.000 người).
Bên cạnh đó, việc “phong tỏa” các khu vui chơi, giải trí, … và hành động “cách ly toàn xã hội” cũng ảnh hưởng rất lớn đến lượng lao động tự do trên địa bàn cả nước nói chung và TP HCM nói riêng.
Có lẽ, vào những giây phút này là lúc tình yêu thương được lên ngôi. “Hãy yêu nhau đi, ngại chi COVID” là thông điệp được mọi người chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội trong thời gian gần đây.
Những món quà nhỏ, ấm áp tình người
Rất nhiều phần quà tuy nhỏ nhưng thiết thực như mì gói, trứng, sữa, gạo và cả bánh tét,… đã được những tấm lòng hảo tâm chuẩn bị, để chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn.
Những phần quà được các nhà hảo tâm chuẩn bị để hỗ trợ người khó khăn trong mùa đại dịch. Ảnh: Facebook Jang Kều. |
Khẩu hiệu “Nếu khó khăn, cứ lấy một phần. Nếu bạn ổn, xin nhường cho người khác” đã được mọi người lan truyền mạnh mẽ. Và đôi lúc, không phải chỉ những người giàu mới có thể cho đi, bởi có cần đâu những điều quá lớn, khi trong tâm thật sự muốn cho đi.
Facebook cá nhân có nick name Thái Trần đã chia sẻ về hình ảnh một quán tạp hóa ở KCN Mỹ Phước 3, Bến Cát, Bình Dương.
Hình ảnh của một tiệm tạp hóa nhỏ cũng chung tay chống dịch. Ảnh: Facebook Thái Trần. |
Theo như chia sẻ, chú chỉ là chủ của một tiệm tạp hóa nhỏ, không giàu có nhưng luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi người. Nhìn những món quà nhỏ trên chiếc bàn, cùng những dòng chữ mộc mạc, mới thấy thật ấm lòng mùa dịch.
Những xuất cơm chan chứa yêu thương
Có lẽ, đối với những người may mắn như chúng ta ngồi đây, thì việc đủ cơm ăn, áo mặc là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, đâu đó ngoài kia, rất nhiều người đang phải chạy vạy từng bữa ăn, ăn nay lo mai.
Trong mùa đại dịch COVID-19, rất nhiều quán cơm ở các quận trong đã phát cơm miễn phí hoặc mỗi suất chỉ có giá dưới 5.000 đồng. Tiêu biểu được mọi người kể đến như chuỗi quán cơm Nụ Cười, Quán Cơm Chay Xã Hội Cường Béo, Quán cơm 2000đ hay Bếp ăn từ thiện Bảo Hòa,…
Quán cơm với giá 2.000 đồng. Ảnh: Facebook Chan Phan. |
Rồi cả những địa điểm phát cơm miễn phí được những Câu lạc bộ thiện nguyện thực hiện. Những hành động tưởng chừng như đơn giản, nhưng lại giúp đỡ được biết bao người trong thời chiến với COVID-19 như hiện nay.
Chuyên gia Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Công ty Retail & Franchise Asia, Cố vấn về nhượng quyền thương hiệu cho Chính phủ Malaysia đã chia sẻ trên Facebook cá nhân của mình rằng “Nếu bạn vẫn đang được hưởng lương 100% cho đến ngày hôm nay, hãy tỏ lòng biết ơn, vì rất nhiều người khác không được hưởng cái phúc này. Nếu bạn đang được hưởng một phần lương, hãy tỏ lòng biết ơn, vì bạn vẫn còn khá hơn rất nhiều người vừa mất việc”.
Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Công ty Retail & Franchise Asia. Ảnh : Muctim. |
Bà Vân chia sẻ thêm, khi bóng tối đổ lên từng đường ngang ngõ hẹp, là lúc ta nên nhìn về ánh sáng để tìm đường. Xin hãy nhìn về nửa bên ánh sáng của cuộc đời và học cách biết ơn những gì mình đang có.
* Có thể bạn quan tâm
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư