Hủy

Tái chế sản phẩm công nghệ

Văn Quốc Thứ Năm | 17/10/2019 14:40

Ảnh:10.wp.com

 
 
Các hãng công nghệ đang tái chế vật liệu sử dụng trong các sản phẩm của họ.

Đến năm 2050, những máy bay không người lái có kích cỡ bằng con tàu sẽ đi tuần tra khắp các đại dương để thu gom rác thải nhựa, cũng giống như cách mà Roomba, một robot hút bụi, quét dọn lông chó vương vãi trong phòng khách vậy. Viễn cảnh này giờ đã không còn là giấc mơ xa vời. Ocean Cleanup, một startup Hà Lan ra đời với sứ mệnh loại bỏ nhựa trên khắp các đại dương, gần đây đã hoàn tất một cuộc thử nghiệm kéo dài 6 tuần. Theo đó, startup này sử dụng một cái dù khổng lồ để thu gom rác thải từ Đảo rác Thái Bình Dương, một khu vực có 80.000 tấn nhựa gấp 3 lần diện tích nước Pháp.

Với khối lượng rác thải khổng lồ trên đại dương và đất liền, chắc chắn con người sẽ phải phụ thuộc vào công nghệ để cứu lấy hành tinh. Nhưng câu trả lời rõ ràng hơn tất cả chính là chúng ta phải tiêu thụ ít hơn nhựa và các vật liệu khác, đồng thời tái chế nhiều hơn. “Giải pháp thực sự cho vấn đề này nằm ở đất liền, chứ không phải ở các đại dương”, George Leonard, nhà khoa học  tại Ocean Conservancy, nhận xét. Tổ chức môi trường này ước tính có 8 triệu tấn rác thải nhựa từ đất liền đổ vào đại dương mỗi năm. Con số này tương đương với 1 chiếc xe tải chở rác thải nhựa của thành phố New York đổ vào đại dương mỗi phút, trong 1 năm.

Đáng nói là rác thải đại dương không thể tái chế. “Nhựa mà họ thu gom không thể tái chế thành những sản phẩm có thể sử dụng được. Hầu hết chúng đều biến chất và vỡ vụn. Bạn không thể làm gì nhiều trong vấn đề này, chỉ có thể chôn ở bãi chôn rác hoặc là đốt mà thôi”, Leonard nói. Vì thế, để cứu lấy hành tinh, người tiêu dùng và doanh nghiệp phải ráo riết hành động. Rất may là trong 2 năm qua, những nỗ lực tái chế của chính phủ các nước, giới hàn lâm và khu vực tư nhân đã cho thấy những dấu hiệu đáng mừng, theo Dan Helfrich, CEO Deloitte Consulting.

 

iPhone, một trong những mặt hàng tiêu dùng phổ biến nhất, chính là ví dụ rõ ràng cho thái độ tích cực của doanh nghiệp trước vấn nạn rác thải môi trường. Cải tiến lớn nhất mà Apple đã làm được trong lĩnh vực smartphone  kể từ năm 2007 không phải là chất lượng của camera, tốc độ của bộ vi xử lý hay bất kỳ tính năng nào của iPhone, mà là “việc tái sử dụng nguyên liệu và sản xuất vòng lặp khép kín”, Lisa Jackson, Phó Chủ tịch các sáng kiến môi trường và xã hội tại Apple, cho biết.

Sản xuất vòng lặp khép kín chính là việc tái sử dụng nhiều lần các vật liệu để bảo tồn tài nguyên và giảm thải khí carbon ra môi trường. Xu hướng này đang tăng tốc. Đến năm 2050, nền kinh tế tuần hoàn (theo đó, các sản phẩm và vật liệu được tái sử dụng hơn là bị vứt đi) có thể trở thành chuyện bình thường đến nỗi việc sản xuất hàng điện tử tiêu dùng sẽ không cần phải tiến hành bất kỳ hoạt động khai thác tài nguyên nào. Năm ngoái, Apple đã ra mắt Daisy, một robot có thể đập vỡ vụn 200 chiếc iPhone mỗi giờ để thu hồi những linh kiện có thể tái sử dụng.

Trong chiếc iPhone 11, Apple đã sử dụng các nguyên tố đất hiếm được tái chế (chỉ 17 nguyên tố kim loại được sử dụng rộng rãi trong hàng điện tử nhưng hoạt động khai thác và xử lý chúng lại tạo ra lượng carbon rất lớn) để phát triển tính năng rung phản hồi Taptic Engine. Việc tái chế các nguyên tố đất hiếm trong sản phẩm tiêu dùng công nghệ cao đã được bác bỏ với lý do “không thực tế” chỉ cách đây vài năm, nhưng nay Apple đã thực hiện được.

 

“Đến năm 2050, với những tiến bộ xa hơn trong lĩnh vực tái chế, máy tính sẽ được sản xuất hoàn toàn từ các linh kiện được tái chế, trong đó có những vi mạch yêu cầu mức độ tinh khiết rất cao”, David Lear, Phó Chủ tịch Bền vững của Dell, nhận xét. Ông nói thêm: “Chúng tôi đang thiết kế các sản phẩm trong tâm thế rằng chúng tôi sẽ lấy lại chúng một ngày nào đó. Chúng tôi cũng sẽ có thể thu hồi vật liệu từ các ngành khác nữa. Vì thế, chúng tôi không cần phải khai thác hay xử lý bất kỳ nhiên liệu hóa thạch nào nữa hay nhựa, kim loại, nhôm”.

Dell đang có những tiến triển ban đầu dù trên quy mô nhỏ. Năm ngoái, công ty này đã bắt tay với các doanh nhân khởi nghiệp ở Ấn Độ để bắt đầu sản xuất loại “mực ô nhiễm” bằng cách “hấp thu” khói thải ra từ các máy phát điện - một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm lớn nhất ở nước này, sau đó chuyển chúng thành mực dùng in bao bì.

 Vì vậy, nỗ lực tái chế vẫn còn quá nhỏ bé so với tốc độ thải rác ra môi trường hiện nay. Nhiều doanh nghiệp đang tiết kiệm tiền bằng cách sử dụng túi nhựa có giá rẻ hơn. Tuy nhiên, túi nhựa rẻ hơn chỉ vì không ai chi trả “chi phí cuối vòng đời” của chúng, theo nhà đầu tư mạo hiểm Daniel Oros. Bởi lẽ, kết cục của những chiếc túi nhựa thường là bị vứt vào đại dương và chi phí con người phải bỏ ra để xử lý chúng và hậu quả môi trường mà chúng gây ra là rất đắt đỏ.

Do đó, Brenda Haitema Arjona, đứng đầu bộ phận châu Á tại First Mile, một startup thu gom nhựa và biến chúng thành các vật liệu sử dụng trong hàng hóa cao cấp, cho rằng người tiêu dùng nên thôi kiểu suy nghĩ về chi phí ở góc nhìn hạn hẹp mà thay vào đó cân nhắc các giải pháp bền vững. “Người tiêu dùng phải sẵn sàng chi nhiều tiền hơn một chút để mua những sản phẩm đã được tái chế hoặc mua vì biết rằng chúng có các thành phần tái chế trong đó”, bà nói.

►Những con số đáng báo động về rác thải nhựa

Đốt rác phát điện

Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia xả rác thải nhựa ra biển nhiều nhất

Nguồn FT


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới