Hành trình chuyển mình đi lên của Sabeco
Nhà máy Sabeco.
Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) tuy đã là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với nhiều thay đổi ngoạn mục nhưng vẫn gìn giữ thương hiệu quốc gia, với chiến lược tiếp tục mở rộng thị trường trong nước và vươn tầm thị trường thế giới. Nhắc đến bia Việt, người ta lại nhớ ngay đến thương hiệu Bia Sài Gòn của Sabeco. Đây là thương hiệu rất lâu đời và thân thuộc, trở thành niềm tự hào của người dân Việt.
“Luôn là niềm tự hào của Việt Nam”
Nhân kỷ niệm 145 năm thành lập, Sabeco đã cho ra mắt phiên bản đặc biệt Lạc Việt. Hãng cho biết, đây là sản phẩm mới được tạo tác bởi nghệ nhân nấu bia Việt, là lời khẳng định về chất lượng và truyền thống trăm năm của Sabeco. Ngoài Lạc Việt, tháng 10 năm ngoái, Sabeco còn tung ra sản phẩm bia cao cấp hơn dành cho người trẻ trung, năng động (Bia Saigon Chill). Tính chung, từ 2 loại Bia Larue và Bia 333 ở thời kỳ đầu, đến nay Sabeco đã phát triển thêm hàng chục dòng sản phẩm, gồm bia chai (Saigon Lager 450, Saigon Export, Saigon Special, Saigon Lager 355, 333 Premium, Lạc Việt), bia lon (333, Saigon Special, Saigon Lager, Lạc Việt).
Trước đó, năm 2019, Sabeco đã thực hiện chiến lược tái định vị tập trung vào việc giới thiệu diện mạo mới của 3 dòng sản phẩm: Saigon Special, Saigon Export và Saigon Lager. Diện mạo mới không chỉ thể hiện rõ nét tính đặc trưng của từng sản phẩm mà còn mang đến vẻ ngoài tinh tế và hiện đại. Theo Euromonitor, việc Sabeco thay đổi hình ảnh của Bia Sài Gòn theo hướng hiện đại, cao cấp hơn là để phù hợp với xu thế chuyển dịch tiêu dùng của người Việt khi tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng.
Dù cải tiến mẫu mã bao bì, Sabeco vẫn giữ nguyên công thức nguyên bản, thành phần và nồng độ cồn. Điều này giúp Sabeco giữ được phong vị đặc trưng và tươi mới của sản phẩm và lý giải vì sao Saigon Lager trở thành một trong những dòng bia ngon nhất thế giới với huy chương Vàng tại giải thưởng Bia Quốc tế - International Brewing Awards (IBA). Cùng với ra mắt các sản phẩm mới, Sabeco còn tích cực đẩy mạnh hoạt động bán hàng trên kênh off-trade (mua mang về sử dụng).
Ông Bennett Neo, Tổng Giám đốc Sabeco, nhấn mạnh: “Chúng tôi tự hào với những di sản và truyền thống của Sabeco và sẽ tiếp tục kế thừa, phát huy mạnh mẽ hơn nữa thương hiệu Việt để Sabeco luôn là niềm tự hào của người Việt Nam, tiếp tục song hành và góp phần mang lại những giá trị tích cực cho đất nước và con người Việt Nam”.
Chinh phục thị trường bia thế giới
Tham vọng của Sabeco không chỉ phát triển mạnh mẽ và dẫn đầu ngành bia Việt Nam. Sabeco cũng mong muốn vươn ra quốc tế và khẳng định vị thế trên thị trường khu vực. Theo các chuyên gia thương hiệu, tham vọng này không chỉ được quyết định bởi brand performance (nội lực và hiện trạng thực tế hoạt động của thương hiệu), mà còn nằm ở brand imagery (hình ảnh thương hiệu).
Thực tế, qua hàng trăm năm hình thành và phát triển, cho đến nay, Bia Sài Gòn và Bia 333 vẫn là thương hiệu Việt số 1 thị trường bia Việt Nam. Theo Euromonitor, suốt giai đoạn từ năm 2010, Sabeco là hãng bia chiếm vị trí quán quân cả nước. Cuối năm 2019, Sabeco sở hữu khoảng 40% thị phần bia Việt Nam. Năm 2018, thương hiệu của Sabeco đã được định giá ở mức gần 500 triệu USD, đứng thứ 3 trong danh sách những thương hiệu giá trị nhất Việt Nam.
Rõ ràng, giữ định vị và duy trì giá trị niềm tự hào bia Việt sẽ tiếp tục mang lại nhiều lợi thế cho Sabeco trong các chiến lược phát triển mới, nhất là khi Việt Nam đẩy mạnh chiến lược phát triển các thương hiệu quốc gia. Việt Nam đã đạt kim ngạch xuất khẩu xấp xỉ GDP, với nhiều mặt hàng xuất khẩu đến 20-30 tỉ USD/năm. Có những mặt hàng Việt Nam dẫn đầu thế giới về kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có những thương hiệu có uy tín tương xứng.
Khi Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế, với Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã có hiệu lực, việc xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia Việt Nam và các thương hiệu quốc tế từ Việt Nam ngày càng trở nên cấp bách, nhằm giúp kinh tế Việt Nam đạt nhiều thành tựu hơn nữa.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, cho biết, chiến lược cạnh tranh bằng thương hiệu đang diễn ra rất mạnh mẽ và sâu rộng, không chỉ dừng lại ở cấp độ doanh nghiệp mà đã phát triển lên mức độ địa phương, ngành hàng và thậm chí ở cấp quốc gia. Các thương hiệu toàn cầu như Samsung, Intel, Foxconn được “lắp ráp” hay “kiểm thử” tại Việt Nam, đã giúp Việt Nam có tên trên bản đồ công nghệ thế giới. Trong khi những thương hiệu bản địa như Vinamilk, Sabeco, Vietnam Airlines, Vingroup... đang giúp Việt Nam có được những thương hiệu quốc gia đi ra thị trường toàn cầu.
Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, cho biết, để được công nhận là thương hiệu quốc gia thì đó phải là doanh nghiệp Việt Nam và sản xuất ra sản phẩm tại Việt Nam với ít nhất 51% cấu thành sản phẩm là từ các yếu tố trong nước.
Dù đã có những vị thế và chuyển đổi đáng kể nhưng vẫn phải thừa nhận, sức ảnh hưởng của thương hiệu Sabeco mới chỉ mạnh ở trong nước. Nhằm khẳng định chất lượng thương hiệu Việt trên thị trường thế giới, Sabeco đã đưa các sản phẩm đi tranh tài ở những cuộc thi quốc tế. Năm 2019 Bia Saigon Lager đã được trao huy chương Vàng Giải thưởng Bia Quốc tế (IBA), Bia Saigon Special, Bia Saigon Lager và Bia 333 đã vượt qua hàng trăm đối thủ để gặt hái 1 giải vô địch và 3 huy chương tại International Beer Cup 2019 (IBC).
Bia Saigon Special đã giành huy chương Vàng trong hạng mục Bia Pilsener theo phong cách quốc tế. Đây là cuộc thi đã thu hút hàng ngàn thương hiệu bia từ 23 quốc gia trên thế giới tham dự, có cả các thương hiệu bia nổi tiếng đến từ Úc, Bỉ, Mỹ, Tiệp Khắc... Bên cạnh đó, Sabeco chú trọng đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng tại 26 nhà máy sản xuất. Tại đây, những kế hoạch đổi mới, những quy trình nghiên cứu cải tiến dây chuyền đều được tuân thủ chặt chẽ. Công ty cũng hướng đến mô hình sản xuất xanh, sạch và thân thiện với môi trường.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư