Hủy
Tài Chính

Cổ phiếu TPB đã tới thời điểm "bứt phá"?

Song Luân Thứ Ba | 11/05/2021 10:13

Diễn biến giá của cổ phiếu TPB từ đầu năm 2021. Ảnh: FireAnt.

 
 
Cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (mã TPB) vừa có phiên tăng trần và là lần thứ 3 kể từ đầu năm 2021 chạm mốc giá hơn 30.000 đồng/cổ phiếu.

Có thể nói, nếu so sánh với các cổ phiếu cùng ngành khác như LPB, TCB, CTG hay STB thì cổ phiếu TPB dường như chưa có nhiều bứt phá về thị giá. Trong khi những cổ phiếu cùng ngành đã tăng từ 20-30% về thị giá thì TPB mới chỉ đạt mức tăng khoảng 16% từ đầu năm đến nay. Đóng cửa phiên giao dịch 10.5 ở mức giá trần 31.100 đồng/cổ phiếu, TPB một lần nữa thách thức kháng cự ở quanh khu vực 31.000 đồng/cổ phiếu, được hình thành từ đầu tháng 3.2021. Và đây cũng là lần hiếm hoi TPB tăng trần kể từ đầu năm 2021.

Với giá trị giao dịch khớp lệnh đạt gần 128 tỉ đồng, tương đương hơn 14 triệu cổ phiếu được giao dịch, liệu rằng TPB đã “tới thời” và tiếp tục bứt phá hay lại điều chỉnh như 2 lần trước?

Cổ phiếu TPB tăng trần ở phiên 10.5. Ảnh: Banggiassi.
Cổ phiếu TPB tăng trần ở phiên 10.5. Ảnh: Banggiassi.

Nhìn nhận về yếu tố nội tại của TPBank, Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư (SSI Research) đánh giá Ngân hàng đã đạt kết quả lợi nhuận cao trong vài năm qua, được hỗ trợ bởi tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ, NIM cải thiện và hệ số CIR thấp hơn nhờ quá trình số hóa.

Trong quý đầu tiên của năm 2021, TPBank đạt hơn 1.138 tỉ đồng lãi sau thuế, tăng hơn 40,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nhập từ lãi thuần và thu từ hoạt động dịch vụ đóng góp chủ yếu vào kết quả lợi nhuận quý I/2021 với kết quả đạt lần lượt 2.263 tỉ đồng và 282 tỉ đồng, tương ứng tăng 31% và gần 80% so với cùng kỳ. Trong khi đó, thu thuần từ hoạt động khác giảm 105,1% do quý I/2020 TPBank thu được 400 tỉ đồng độc quyền bảo hiểm từ Công ty Bảo hiểm SunLife.

 

Năm 2021 TPBank đặt mục tiêu tăng cường vị thế của mình là một ngân hàng uy tín, hiệu quả, chất lượng. Theo đó TPBank đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng 20% trong năm 2021. Nâng cao hiệu quả, chất lượng cũng như số lượng đội ngũ quản lý đơn vị, lực lượng cán bộ bán hàng. Phát triển cơ sở khách hàng đa dạng, chất lượng, tăng cường bán chéo sản phẩm dịch vụ; tập trung vào hiệu quả, gia tăng thu nhập ngoài lãi, thực hiện cá biệt hóa mạnh mẽ trong chính sách khách hàng và sản phẩm đối với từng phân khúc khách hàng riêng biệt.

Cùng với đó, việc tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, đổi mới số toàn diện trong tất cả các hoạt động của ngân hàng cũng nằm trong định hướng của TPBank. Ban lãnh đạo TPBank cũng cho biết sẽ đặc biệt chú trọng việc nâng cao tỉ lệ CASA nhằm giảm chi phí vốn, gia tăng NIM để tăng thêm hiệu quả kinh doanh. Tăng cường kiểm soát, thu hồi, xử lý nợ xấu với mục tiêu duy trì tỉ lệ nợ xấu dưới 2% trong năm 2021.

Năm 2021, TPBank đặt kế hoạch tổng tài sản là 250.000 tỉ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 5.800 tỉ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ.

Theo SSI Research, kế hoạch kinh doanh năm 2021 của TPBank đầy tham vọng nhưng khả thi, được củng cố nhờ kết quả kinh doanh quý I/2021 và môi trường lãi suất thấp kéo dài giúp giảm chi phí vốn nói chung. Tuy nhiên, SSI Research cho rằng việc tăng vốn (tương đương 9,3% vốn điều lệ trước tăng vốn của ngân hàng) có thể có chút tác động pha loãng tiêu cực.

* Có thể bạn quan tâm 

► Hơn 366 ngàn tài khoản được mở mới trong 4 tháng đầu năm 2021


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới