Gói vay lãi suất 2% hỗ trợ doanh nghiệp mới cho vay được 1/10 tổng số tiền
Báo cáo của NHNN từ báo cáo nhanh của các ngân hàng thương mại cho thấy tính đến nay, doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất đạt gần 4.100 tỉ đồng đối với gần 550 khách hàng. Ảnh:TST Tourist.
Du lịch là ngành chịu tác động nặng nề trong đại dịch do COVID-19. Tuy nhiên đến nay hầu như vẫn chưa có công ty du lịch nào tiếp cận được gói vay hỗ trợ bằng 40.000 tỉ đồng tiền ngân sách Nhà nước theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel cho biết gói hỗ trợ 2% đến thời điểm này hầu như các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp du lịch Vietravel không tiếp cận được do có nhiều rào cản: “Các ngân hàng đều yêu cầu muốn vay mới phải trả nợ cũ để bảo đảm an toàn và phải có tài sản thế chấp, nhưng tài sản trong 2 năm dịch đều thế chấp hết rồi. Doanh nghiệp lữ hành chủ yếu nhờ vào nhân lực, tri thức, thương hiệu, các yếu tố này không thế chấp được”.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM chia sẻ: “Chúng tôi đang thiếu vốn nghiêm trọng. Trước đây chỉ cần khoảng 100 tỉ đồng để dự trữ nguyên vật liệu, giờ chi phí tăng đẩy tiền dự trữ thêm 50%, nghĩa là phải cần 150 tỉ đồng. Tuy nhiên, gói hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách do độ trễ của chính sách nên doanh nghiệp chưa thụ hưởng được.
Theo báo cáo mới đây của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân, hầu hết doanh nghiệp vẫn đứng trước khó khăn rất lớn về tài chính do hậu quả của hơn 2 năm đại dịch COVID-19. Do đó, nhiều doanh nghiệp đang rất trong chờ vào những nguồn tín dụng ưu đãi. Tuy nhiên, báo cáo của NHNN từ báo cáo nhanh của các ngân hàng thương mại cho thấy tính đến nay, doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất đạt gần 4.100 tỉ đồng đối với gần 550 khách hàng. Số tiền lãi đã hỗ trợ cho khách hàng đạt khoảng 1,02 tỉ đồng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt 3.966 tỉ đồng.
Ông Phạm Huy Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, nhiều ngân hàng còn quá thận trọng trong phê duyệt, giải ngân tín dụng nên dòng vốn chưa đến được với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Một số ngân hàng đã và sắp “cạn” hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng nên cũng tác động đến tiến độ giải ngân gói vay ưu đãi, nhất là khoản vay mới.
Vì thế, vị này đề xuất NHNN cần sớm xem xét nâng room tín dụng cho các ngân hàng thương mại hỗ trợ vay vốn; các ngân hàng thương mại cần thống nhất cách hiểu về đối tượng được hỗ trợ, quy trình xét duyệt cũng cần nhanh chóng hơn.
NHNN cho biết, hiện các ngân hàng đã và đang rà soát danh mục khách hàng đáp ứng điều kiện được hỗ trợ lãi suất và đang đẩy mạnh công tác hướng dẫn khách hàng hoàn thiện thủ tục hỗ trợ lãi suất.
Có thể bạn quan tâm:
Tỉ trọng đóng góp của kinh tế số trong GDP Việt Nam tiếp tục tăng
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Vũ Hoài
-
Phi Vũ