Carry trade sẽ là "vua" trên thị trường kinh doanh ngoại hối (Forex) sau động thái cắt giảm lãi suất xuống mức âm lần đầu tiên trong lịch sử của ECB.
5,3 nghìn tỷ USD giao dịch mỗi ngày trên thị trường ngoại hối (Forex) đã sẵn sàng chấm dứt một trong những nửa đầu năm tồi tệ nhất trong lịch sử. "Carry trade" - loại hình kinh doanh nhờ chênh lệch lãi suất của các thị trường khác nhau trên toàn cầu đã tìm thấy cơ hội kiếm lợi nhuận lớn sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ra quyết định cắt giảm lãi suất vào ngày 5/6 tuần trước.
Athanasios Vamvakidis - chiến lược gia trưởng tại Bank of America (London) phụ trách giao dịch tiền tệ trong nhóm G10 (Câu lạc bộ Paris) viết trong một lưu ý gửi khách hàng: "Sau (quyết định của) ECB, kinh doanh chênh lệch lãi suất vẫn là vua".
Chỉ số Deutsche Bank AG đo lường doanh thu từ giao dịch mua 5 loại tiền tệ có lợi suất cao nhất (trong đó có đồng rand của Nam Phi và đô-la New Zealand) đã tăng 1,3% kể từ khi Chủ tịch Mario Draghi phát biểu ngay sau khi cuộc họp của ECB kết thúc. Qua đó, đưa chỉ số này tăng 4,4% trong năm nay.
Chỉ số biến động thị trường ngoại hối toàn cầu của JPMorgan Chase & Co.’s giảm xuống thấp kỷ lục sau cuộc họp của ECB. Tính trong năm nay, chỉ số này đã giảm tới 33%.
Những người được hưởng lợi nhiều nhất là các nhà đầu tư đi vay tại các nền kinh tế đang có lãi suất thấp và dùng tiền đi vay đó để mua các tài sản tài chính có lợi suất cao hơn tại các thị trường mới nổi. Kể từ quyết định hạ lãi suất lịch sử của ECB, 5 trong số 24 tiền tệ của các thị trường đang phát triển theo khảo sát của Bloomberg (gồm đồng real của Brazil, đồng ruble của Nga, đồng lira của Thổ Nhĩ Kì, đồng rand và đồng ringgit của Malaysia) đều đã tăng 1% hoặc hơn so với USD và Euro.
Steve Barrow - trưởng bộ phận nghiên cứu kinh doanh ngoại hối trong nhóm G10 (Câu lạc bộ Paris) tại Standard Bank (London) cho rằng: "Với kết quả cuộc họp bất thường của ECB, chúng tôi kỳ vọng biến động trên thị trường sẽ ở mức rất thấp (...) Điều đó khiến tôi lạc quan hơn vào carry trade bởi vì sự biến động là kẻ thù đối với loại hình kinh doanh này".
Kết thúc cuộc họp chính sách tháng 6 vào tuần trước, ECB đã trở thành Ngân hàng Trung ương lớn đầu tiên thi hành lãi suất chủ chốt âm khi cắt giảm lãi suất tiền gửi dự trữ của các ngân hàng xuống -0,1%. Đồng thời, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 0,25% xuống 0,15%. Tại Brazil, tỷ lệ này hiện ở 11%.
Nhấn mạnh tác động có lợi trong quyết định của ECB đến kinh doanh chênh lệch lãi suất, bài viết trên Bloomberg đưa ra nhận định cho rằng, Chủ tịch Draghi là một trong số ít những người giúp đỡ cho giới đầu tư trong loại hình kinh doanh đang khó khăn này.
Nguồn Gafin/Theo DVO/Bloomberg