Châu Á trông chờ vào Trung Quốc, Nhật Bản sau đợt bán tháo
Ngày 12/8, chính phủ Nhật Bản sẽ công bố số liệu GDP quý II. Nhiều chuyên gia dự báo rằng, kinh tế Nhật Bản sẽ suy yếu lần đầu tiên trong 2 năm do đợt tăng thuế giá trị gia tăng hồi tháng 4.
Kết quả khảo sát của Reuters cho thấy, GDP của Nhật Bản có thể giảm 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái và 1,8% so với 3 tháng đầu năm. Quý I/2014, kinh tế Nhật Bản tăng trưởng 6,7% khi người dân tăng cường chi tiêu trước đợt tăng thuế.
Các chuyên gia phân tích tại Ngân hàng Societe Generale nhận định, mặc dù tác động phản hồi sau đợt tăng thuế không nằm ngoài dự đoán của thị trường nhưng GDP Nhật Bản có thể sẽ giảm mạnh hơn so với dự tính. Ngân hàng dự đoán rằng, GDP quý II của Nhật Bản sẽ giảm 1,6% so với quý I.
Rất có thể đây là tín hiệu tiêu cực tiếp theo thị trường Nhật Bản cũng như khu vực phải đón nhận sau báo cáo thâm hụt tài khoản vãng lai thất vọng của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới. Yếu tố này sẽ gây sức ép lớn lên ngân hàng trung ương Nhật Bản trong việc xem xét nới lỏng chính sách hơn nữa.
Giới đầu tư dự báo rằng, số liệu về đơn hàng đặt mua máy móc tháng 6 của Nhật Bản, sẽ được công bố trong ngày 14/8, sẽ "vẽ" lên bức tranh kinh tế tươi sáng hơn với mức tăng dự báo 16,7% so với tháng trước, ghi nhận đợt tăng đầu tiên trong 3 tháng.
Cùng với Nhật Bản, thị trường cũng kỳ vọng, số liệu kinh tế của Trung Quốc sẽ thúc đẩy giới đầu tư quay trở lại với chứng khoán sau đợt bán tháo mạnh tuần trước. Ngày 13/8, chính phủ Trung Quốc sẽ công bố đầu tư tài sản cố định, sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ tháng 7 nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, số liệu sẽ không thay đổi nhiều.
Theo dự báo của Ngân hàng Quốc gia Australia, tháng 7, sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ của Trung Quốc lần lượt tăng 9,1% và 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi đầu tư tài sản cố định tăng 17,4%.
Tuần này, kinh tế Ấn Độ cũng sẽ được chú ý với việc công bố số liệu lạm phát vào ngày 12/8.
Giá thực phẩm vốn là mối lo ngại lớn đối với Ấn Độ khi giá thực phẩm đã tăng 64% trong 2 năm qua. Tuy nhiên, trong vài tháng gần đây, số liệu lạm phát đã cải thiện nhiều hơn khi giá tiêu dùng ghi nhận tốc độ tăng chậm nhất hơn 2 năm ở 7,3% nhờ chính sách của ngân hàng trung ương.
Các chuyên gia tại Ngân hàng Barclays dự báo, chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 của Ấn Độ có thể vẫn duy trì ở 7,3% với lãi suất của ngân hàng trung ương giảm thêm 50 điểm cơ bản tính đến cuối năm 2014. Trong khi đó, thương mại Ấn Độ có thể sẽ vẫn nằm trong tình trạng thâm hụt trầm trọng sau khi mức thâm hụt tăng lên cao nhất 11 tháng.
Nguồn Theo DVO/ CNBC
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư