Công xưởng Trung Quốc đang ngắc ngoải?
Hyde Xu, Giám đốc Kinh doanh tại GKO, một nhà sản xuất nhôm Trung Quốc, đã đến tham dự Hội chợ Canton, cuộc triển lãm thương mại lớn nhất nước, nhưng mục đích chính không phải để tìm các thương vụ làm ăn mà chỉ để cho khách hàng thấy rằng “chúng tôi vẫn còn tồn tại”. “Xuất khẩu không khả quan và thị trường nội địa cũng tồi tệ. Giá vận chuyển hàng container đi xuất khẩu đã giảm phân nửa... và giờ các công ty giao nhận cũng như các nhà máy đang lo ngại về nguy cơ thị trường sụp đổ”, ông nói.
Giá cả giảm mạnh
Thực vậy, nhiều nhà sản xuất kim loại Trung Quốc đã phá sản vì nguồn cung dư thừa, sự tăng trưởng chậm lại ở thị trường nội địa và triển vọng toàn cầu không chắc chắn. GKO đã đối phó cơn bão này bằng cách thúc giục các nhà cung cấp phải cắt giảm chi phí và phát triển các sản phẩm mới, giá trị hơn. Từ một công ty chuyên về sản xuất nhôm sử dụng trong linh kiện, phụ tùng ôtô và trang trí xây dựng, GKO giờ sản xuất vali bằng nhôm có trọng lượng nhẹ, tương tự mẫu mã của các vali cao cấp được sản xuất bởi Samsonite và Rimowa nhưng chỉ bán bằng nửa giá.
“Nếu chỉ đơn thuần bán các sản phẩm nhôm thì rất khó kiếm lời. Vì thế, chúng tôi phải tìm các lĩnh vực kinh doanh mới, nếu không sẽ không thể sống nổi”, Xu nói.
Không chỉ GKO, nhiều công ty sản xuất của Trung Quốc cũng đang đối mặt với cuộc chiến sinh tồn. Nhu cầu thế giới ảm đạm khi châu Âu vẫn đang gượng dậy sau những năm khủng hoảng, đà phục hồi kinh tế Mỹ chưa vững chắc và các thị trường mới nổi như Brazil, Indonesia cũng đang loạng choạng trong khi nhu cầu hàng hóa của Trung Quốc đã hạ nhiệt.
Nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục chậm lại với tăng trưởng GDP hằng năm, theo số liệu của Tổng cục Thống kê Quốc gia, đã giảm còn 6,9% trong quý III từ mức tăng 2 con số của thập niên 2000. Nhiều chuyên gia phân tích tin rằng mức tăng trưởng thực tế còn thấp hơn con số này nhiều.
Nếu bức tranh vĩ mô tồi tệ, triển vọng của các nhà sản xuất Trung Quốc - một động lực chính về tăng trưởng kinh tế, cải tiến và lao động - cũng không khá hơn. Chính phủ không tiết lộ chi tiết về con số sa thải lao động trên toàn quốc cũng như tình trạng các doanh nghiệp đóng cửa. Nhưng các nhà máy đã và đang phải sa thải lao động trong suốt 2 năm qua, theo chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của tổ chức thông tin tài chính Caixin. Chỉ số PMI gần đây nhất của Caixin và chỉ số PMI của Chính phủ đều cho thấy sự suy giảm mạnh hơn trong khu vực sản xuất trong tháng 10. Các nhà máy đang cắt giảm chi phí và đưa các khoản chiết khấu giảm giá để tồn tại. Và điều đó đang góp phần tạo áp lực giảm phát. Bằng chứng là chỉ số giá sản xuất hằng năm đã giảm trong 44 quý liên tiếp.
Mặc dù giá cả đang giảm, nhưng các chi phí khác vẫn tăng cao, đặc biệt là chi phí lao động. Trong khi đó, chi phí lao động thường chiếm tới 25% tổng chi phí của các nhà xuất khẩu. Mức lương trung bình của công nhân nhà máy ở Trung Quốc đã tăng hơn gấp 4 lần trong thập niên qua, theo Conference Board (Mỹ).
Chuyển hướng
Thành lập vào năm 1957, Hội chợ Canton, được tổ chức 2 lần mỗi năm tại thành phố Quảng Châu, là nơi triển lãm chính các sản phẩm Trung Quốc và là một sự kiện phải có mặt của hàng ngàn nhà kinh doanh, nhà phân phối và nhà bán lẻ từ khắp nơi trên thế giới. Tại đây, họ bán mọi thứ từ vòi nước, ván lát sàn cho đến các sản phẩm công nghệ cao như máy in 3D và máy bay không người lái phun thuốc trong nông nghiệp.
Số người tham dự Hội chợ Canton 2015 (bế mạc vào ngày 4.11 vừa qua), là 140.000 người, giảm 7% so với năm ngoái. Và mặc dù tâm trạng của các ông chủ doanh nghiệp sản xuất rất u ám, nhưng người mua lại nhìn thấy cơ hội “ép” nhà sản xuất phải giảm giá, thương lượng các điều khoản giao dịch có lợi hơn cho họ. “Tôi đang đàm phán với một nhà máy chuyên bán các giá thép không gỉ. Họ sẵn sàng giảm lượng đơn đặt hàng tối thiểu từ 500 xuống chỉ còn 50. Điều đó cho thấy mọi thứ đang tệ như thế nào”, Jayesh Vyas, một nhà giao dịch Ấn Độ, cho biết. Ông đã tham dự triển lãm Canton từ năm 2001 để tìm nguồn hàng về đồ nội thất và hàng điện tử.
Khi các ông chủ nhà máy đối mặt với đơn đặt hàng giảm mạnh, nhiều công ty cũng đi theo bước chân của GKO bằng cách cải tiến sản phẩm và nhắm đến thị trường nội địa. Megmeet, chẳng hạn, chuyên sản xuất các mặt hàng như bộ cấp điện và lò sưởi, nhưng giờ đã đổi mới trở thành một nhà sản xuất các sản phẩm tiêu dùng giá trị cao có thương hiệu riêng như toilet thông minh có giá 2.000 USD.
Các ông chủ doanh nghiệp sản xuất thuộc khu vực tư nhân đang nỗ lực thay đổi mô hình kinh doanh do bản năng sống còn, hơn là vì chủ trương của giới cầm quyền Trung Quốc. Giới lãnh đạo nước này luôn nhấn mạnh Trung Quốc phải cơ cấu lại nền kinh tế từ lĩnh vực xây dựng và đầu tư sang tiêu dùng và dịch vụ, muốn doanh nghiệp phải đi lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị, tạo ra nhiều việc làm chuyên môn cao, đẩy mạnh cải tiến ở các lĩnh vực như dược phẩm, không gian vũ trụ và năng lượng mới. Thế nhưng, theo giới chuyên gia kinh tế, sau những nỗ lực ban đầu, quá trình cải cách của Chính phủ đã mất đà và mất đi sự tập trung do sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế.
“Chính phủ đã phải chuyển hướng sang ổn định tăng trưởng và buộc phải tạm hoãn mục tiêu đẩy mạnh cải cách nền kinh tế. Các con số nhìn chung cho thấy Trung Quốc đang bắt đầu leo lên chuỗi giá trị, nhưng xét ở cấp các công ty và từng khu vực, vẫn còn đó những nỗi đau và thách thức ngắn hạn”, Louis Kuijs, đứng đầu bộ phận châu Á của Oxford Economics, nhận xét.
Vì sản phẩm vẫn còn thua kém tại nhiều thị trường phát triển và nhu cầu nội địa chậm lại, nên các công ty sản xuất như Haier, nhà sản xuất thiết bị gia dụng lớn nhất Trung Quốc và hãng xe SAIC đang hy vọng đẩy mạnh doanh số bán ở các thị trường mới nổi. Nhưng họ cũng đang chững lại tại đây. Trong khi đó, các nhà sản xuất xưa nay chỉ tập trung vào phát triển thị trường xuất khẩu thì gặp khó khăn trong việc chuyển hướng vào thị trường trong nước.
Willy Lin, điều hành một nhà máy sản xuất hàng dệt kim cao cấp tại thành phố Đông Hoản, cho biết Trung Quốc có vẻ là một thị trường tiềm năng cho các công ty như công ty của ông, vốn xuất khẩu 90% sản phẩm sang châu Âu và 10% sang Mỹ. Nhưng ông cho biết rủi ro tín dụng rất cao, đặc biệt trong điều kiện hiện tại. Ông cũng nói rằng người mua trong nước thiếu óc tinh tế của người mua quốc tế; họ có những kỳ vọng không thực tế về giá cả và ít hiểu biết về sản xuất.
Tóm lại, dù là đang sản xuất toilet cao cấp hay đang tinh gọn hoạt động sản xuất quần áo thì số phận của các doanh nghiệp này cũng sẽ góp phần quyết định thành bại của chiến lược tái cơ cấu nền kinh tế của Chính phủ, nhất là khi khu vực sản xuất vẫn chiếm gần 30% sản lượng kinh tế nước này.
Andrew Wang, nhà điều hành tại ERA, một nhà sản xuất thiết bị chạy bằng năng lượng mặt trời, có thể tiêu biểu cho tính thực tế của các ông chủ doanh nghiệp sản xuất. “Chúng tôi luôn luôn phải thích ứng”, ông nói khi dẫn chứng về những sản phẩm mới nhất của công ty ông: bộ pin sạc năng lượng mặt trời giá rẻ cho các thiết bị di động.
“Giá tấm pin năng lượng mặt trời giảm mạnh là điều tồi tệ cho những ai sản xuất chúng, nhưng lại cho phép chúng tôi làm ra những bộ sạc pin giá rẻ, hiện bán rất chạy”, ông nói thêm.
Đàm Hoa
Nguồn FT
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư