Đầu tư lưới điện bùng nổ toàn cầu
![](https://st.nhipcaudautu.vn/staticFile/Subject/2025/01/11/20250111_wbd001_111830788.jpg)
Thế giới đang chứng kiến “siêu chu kỳ” trong ngành điện năng. Ảnh: The Economist.
Sàn nhà máy của Schneider Electric tại Conselve, Ý, đang nhộn nhịp và hối hả. Các công nhân tại đây đang khẩn trương lắp ráp các hệ thống làm mát tiên tiến nhằm phục vụ trung tâm dữ liệu, nền tảng phát triển trí tuệ nhân tạo (A.I). “Điểm mấu chốt nằm ở việc tích hợp từ lưới điện đến chip và từ chip đến hệ thống làm mát”, ông Pankaj Sharma, Giám đốc Điều hành Schneider Electric, chia sẻ về thiết kế mới do công ty hợp tác phát triển cùng Nvidia, "ông lớn" trong ngành chip A.I.
![]() |
Trong năm qua, giá trị vốn hóa thị trường của Schneider đã tăng hơn 1/3, đạt khoảng 140 tỉ USD. Không chỉ Schneider, các nhà sản xuất thiết bị điện khác cũng ghi nhận tăng trưởng ấn tượng. Giá trị thị trường của Hitachi, tập đoàn đa ngành Nhật Bản, tăng gấp 3 lần từ đầu năm 2022, nhờ vào sự phát triển nhanh của mảng thiết bị năng lượng. Sau một năm 2023 đầy thách thức vì vấn đề tua-bin gió, cổ phiếu của Siemens Energy đã tăng 300% vào năm ngoái, vượt qua cả Nvidia, nhờ doanh số trong lĩnh vực công nghệ lưới điện. “Điện năng là động lực chính của chúng tôi”, ông Christian Bruch, CEO Siemens Energy, cho biết.
Theo ông Scott Strazik, CEO GE Vernova, công ty năng lượng tách ra từ GE năm ngoái, thế giới đang chứng kiến “siêu chu kỳ” trong ngành điện năng. Nhu cầu đối với máy biến áp, thiết bị đóng ngắt và cáp truyền tải cao áp đang tăng vọt. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính đầu tư toàn cầu vào cơ sở hạ tầng lưới điện sẽ đạt gần 400 tỉ USD năm 2024, tăng từ hơn 300 tỉ USD năm 2020, đảo ngược xu hướng giảm từ năm 2017. IEA dự báo con số này sẽ tiếp tục tăng lên khoảng 600 tỉ USD mỗi năm vào 2030.
![]() |
Nguyên nhân chính đứng sau làn sóng tăng trưởng này là quá trình giảm phát thải carbon trong sản xuất điện. Việc bổ sung năng lượng gió và mặt trời, thường được sản xuất ở các khu vực xa xôi, đòi hỏi mở rộng đường dây điện và nâng cấp phần cứng lẫn phần mềm để quản lý tính không ổn định của nguồn năng lượng này. Tại Anh, mục tiêu đạt lưới điện phát thải ròng bằng không vào năm 2030 đã khiến các nhà vận hành đề xuất đầu tư gần 100 tỉ USD trong vòng 5 năm. Ngay cả ở Mỹ, đầu tư vào năng lượng tái tạo dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới nhờ chi phí ngày càng giảm của năng lượng mặt trời và gió.
Thị phần ngày càng tăng của điện trong tiêu thụ năng lượng là động lực thứ hai thúc đẩy đầu tư. IEA dự báo nhu cầu điện sẽ tăng nhanh gấp 6 lần so với nhu cầu năng lượng nói chung trong thập kỷ tới, khi điện năng hóa các phương tiện, hệ thống sưởi và quy trình công nghiệp. California, Mỹ, dự kiến cần 50 tỉ USD để nâng cấp hệ thống phân phối điện đến năm 2035, đáp ứng nhu cầu sạc xe điện.
Ở các nước đang phát triển, kinh tế tăng trưởng và nhu cầu điều hòa không khí tăng cao cũng thúc đẩy sử dụng điện. Ngân hàng Goldman Sachs ước tính lưới điện Ấn Độ cần 100 tỉ USD đầu tư từ năm 2024 đến 2032. Trong khi đó, đầu tư hàng năm vào lưới điện tại Trung Quốc, Rystad dự báo, sẽ tăng từ khoảng 100 tỉ USD vào năm 2024 lên hơn 150 tỉ USD vào năm 2030.
Ngoài ra, sự bùng nổ A.I cũng làm tăng đáng kể nhu cầu điện năng. Một số trung tâm dữ liệu tiêu thụ năng lượng tương đương nhà máy điện hạt nhân, buộc các nhà vận hành phải nâng cấp máy biến áp, đường dây và thiết bị điều khiển. Để đáp ứng nhu cầu của các trung tâm dữ liệu, Tokyo Electric, công ty tiện ích điện lớn nhất Nhật Bản, dự kiến chi hơn 3 tỉ USD vào cơ sở hạ tầng trước năm 2027.
Cuối cùng, động lực thúc đẩy làn sóng đầu tư này là việc củng cố lưới điện. Hiện tượng thời tiết cực đoan như bão lụt và cháy rừng gây thiệt hại hơn 100 tỉ USD toàn cầu năm 2023, thúc đẩy đầu tư nâng cấp lưới điện. Tại Mỹ, Bộ Năng lượng đã bảo lãnh vay 15 tỉ USD để giúp công ty PG&E của California tăng cường khả năng chống chịu cho hệ thống lưới.
Tuy nhiên, sự bùng nổ này cũng tạo ra nút thắt trong chuỗi cung ứng. Giá máy biến áp toàn cầu đã tăng 60-80% từ năm 2020, thời gian chờ lên tới 5 năm. Các công ty như Siemens Energy, GE Vernova, và Hitachi đã cam kết đầu tư hàng tỉ USD để mở rộng sản xuất, song cũng đối mặt rủi ro nếu “siêu chu kỳ” không diễn ra như dự đoán.
Dù vậy, áp lực lên cơ sở hạ tầng lưới điện vẫn gia tăng, và các chuyên gia dự báo xu hướng này sẽ kéo dài. “Đó là lý do chúng tôi lạc quan”, ông Bruch kết luận.
Nguồn The Economist
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
![](https://nhipcaudautu.vn/Content/Style_Layout_Home_V2/images/graphics/logo.png)