Hủy
Thế giới

Dịch Covid-19: Mỹ có thêm gần 10.000 ca nhiễm, Italy ghi nhận thêm 743 ca tử vong, Ấn Độ bị phong tỏa toàn quốc

Thiên Vân Thứ Tư | 25/03/2020 08:48

Ảnh: Forbes

 
 
Số ca nhiễm tại Mỹ và Italy hiện đang tăng rất nhanh, trong đó Mỹ có thêm gần 10.000 ca nhiễm mới.

Cho tới nay, Covid-19 đã lan rộng ra 197 quốc gia và vùng lãnh thổ sau khi khởi phát ở Vũ Hán hồi tháng 12/2019, khiến hơn 420.000 người nhiễm bệnh và hơn 18.000 người tử vong. Trong khi Trung Quốc dần dần ổn định thì Mỹ và Italy lại nổi lên thành ổ dịch mới.

Mỹ có thể thành tâm dịch toàn cầu

WHO cảnh báo với số ca nhiễm tăng lên nhanh chóng như hiện nay, Mỹ có thể trở thành tâm dịch mới trong đại dịch toàn cầu Covid-19.

"Chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng rất lớn số ca nhiễm ở Mỹ. Bởi vậy, Mỹ có tiềm năng trở thành tâm dịch", Margaret Harris, phát ngôn viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm qua cho biết khi được hỏi liệu Mỹ có khả năng trở thành tâm dịch toàn cầu.

Theo bà Harris, số ca nhiễm ở Mỹ đã tăng lên rất nhiều. Trong 24 giờ qua, 85% ca nhiễm mới nCoV được ghi nhận ở châu Âu và Mỹ, trong đó Mỹ chiếm 40%. Cụ thể, số ca nhiễm mới tại Mỹ ghi nhận thêm 9.921 ca.

Mỹ hiện ghi nhận 53.655 ca nhiễm, trong đó 698 trường hợp đã tử vong. Số ca nhiễm thực tế có thể cao hơn con số được công bố. Ít nhất 18 bang của Mỹ với hơn 176 triệu dân, tương đương 54% dân số Mỹ, đã hoặc sẽ được lệnh yêu cầu ở nhà để ngăn đại dịch lây lan.

Italy ghi nhận 743 ca tử vong trong 1 ngày

Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy ngày 24/03 cho biết nước này đã ghi nhận đến 743 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua, số người chết cao thứ hai từng được ghi nhận kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Ý, và tăng mạnh so với 602 ca tử của ngày 23/03.

Như vậy, Italy hiện đã chứng kiến 6.820 người chết vì dịch bệnh này trong khi số người nhiễm virus toàn quốc là 69.176 người. Tỷ lệ tử vong là 9,8%, cao hơn gấp đôi trung bình toàn cầu 4,5%.

Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy cho biết nước này chỉ làm xét nghiệm với những người đã có triệu chứng nên ước tính số người mắc Covid-19 thật sự có thể gấp 10 lần con số hiện tại, theo Reuters.

Tây Ban Nha ghi nhận thêm 6.922 ca nhiễm mới

Tây Ban Nha là vùng dịch lớn thứ hai châu Âu với tổng cộng 42.058 ca nhiễm và 2.991 ca tử vong, tăng lần lượt 6.922 và 680 ca so với một ngày trước đó.

Thủ đô Madrid là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch, chiếm gần 1/3 số bệnh nhân toàn quốc. Do các dịch vụ tang lễ trong thành phố đều quá tải, giới chức Madrid đã trưng dụng sân trượt băng Palacio de Hielo để làm nhà xác tạm thời.

Đức có thêm 3.935 ca nhiễm

Đức ghi nhận thêm 3.935 ca nhiễm và 36 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết lên lần lượt là 32.931 và 159. Dù là vùng dịch lớn thứ năm thế giới và lớn thứ ba châu Âu, tỷ lệ tử vong ở nước này chỉ khoảng 0,48%. Đức là nước có số giường chăm sóc đặc biệt nhiều nhất châu Âu.

Iran vẫn là vùng dịch lớn thứ hai châu Á

Hiện Iran ghi nhận 24.811ca nhiễm và 1.934 ca tử vong. Đây cũng là một trong những nước có tỷ lệ tử vong cao, một phần nguyên nhân do hệ thống y tế đang chịu nhiều ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao Iran hôm qua từ chối nhận giúp đỡ từ "thế lực bên ngoài" sau lời đề nghị từ một tổ chức từ thiện y tế có trụ sở tại Pháp.

Singapore đóng cửa quán bar, rạp chiếu phim, tụ điểm giải trí đến cuối tháng 4

Singapore cho biết nước này sẽ đóng cửa tất cả quán bar, rạp chiếu phim và các tụ điểm giải trí khác từ 26/03 đến 30/04 trong bối cảnh đảo quốc này bước sang giai đoạn mới trong cuộc chiến chống Covid-19 với các ca bệnh nhập khẩu từ nước ngoài. 

Ngoài ra, tất cả cư dân Singapore trở về từ Anh và Mỹ từ 25/03 sẽ phải ở tại các khách sạn được chỉ định làm nơi cách ly trong vòng 14 ngày. Những người trốn lệnh cách ly sẽ bị phạt dưới 10.000 USD hoặc phạt tù dưới 6 tháng hoặc chịu cả 2 hình phạt này. 

Straits Times cho biết Singapore đưa ra các biện pháp này sau khi ghi nhận thêm 49 ca Covid-19 trong ngày 24/03, bao gồm 32 ca nhập khẩu từ nước ngoài, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 ở nước này lên 558 ca.

Ấn Độ bước vào ngày phong tỏa toàn quốc đầu tiên để cứu 1,3 tỷ dân trước dịch

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc, có hiệu lực từ nửa đêm 25/03 và sẽ kéo dài 21 ngày như một phần nỗ lực để làm chậm lại sự lây lan của dịch Covid-19.

"Toàn bộ đất nước sẽ bị phong tỏa, phong tỏa hoàn toàn. Sẽ có lệnh cấm hoàn toàn đối với việc mạo hiểm ra khỏi nhà của các bạn", ông Modi tuyên bố trên một đài truyền hình Ấn Độ. Ông Modi kêu gọi mọi người đừng hoảng sợ nhưng đám đông đã nhanh chóng tràn ngập các cửa hàng ở thủ đô Delhi và các thành phố khác.

Chính phủ Ấn Độ buộc phải áp đặt các biện pháp mới nghiêm ngặt hơn sau khi ghi nhận số ca nhiễm virus corona tăng nhanh trong những ngày gần đây. Hiện nay, Ấn Độ đã có 519 ca dương tính với virus và 10 ca tử vong.

Ấn Độ, với 1,3 tỷ dân, đang gia nhập vào danh sách ngày càng nhiều các quốc gia áp đặt các biện pháp phong tỏa tương tự khi số ca COVID-19 toàn thế giới đã gần đạt đến con số 400.000 ca và trên 17.000 người chết vì dịch bệnh này.

"Để cứu Ấn Độ, để cứu lấy mọi công dân, bạn, gia đình bạn..., mọi con đường, mọi khu phố sẽ được đặt dưới lệnh phong tỏa", ông Modi nói. Tuy nhiên, Thủ tướng Modi cũng cảnh báo rằng nếu Ấn Độ không "xử lý tốt trong 21 ngày phong tỏa thì đất nước của chúng ta sẽ thụt lùi 21 năm".

"Đây là lệnh giới nghiêm. Chúng ta sẽ phải trả giá về kinh tế vì điều này nhưng đây là trách nhiệm của mọi người" - ông Modi khẳng định.

Nguồn Tổng hợp


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới