Giấc mơ công nghiệp của ông Trump khó thành hiện thực

Nỗ lực khôi phục hào quang công nghiệp xưa cũ của Mỹ đang đi ngược lại xu thế phát triển kinh tế. Ảnh: NYTimes.
Tổng thống Donald Trump đã cam kết hồi sinh ngành sản xuất Mỹ. Các chính sách áp thuế ồ ạt của ông nhằm mục tiêu thúc đẩy các doanh nghiệp đưa hoạt động sản xuất trở lại nội địa, biến nước Mỹ thành siêu cường quốc công nghiệp một lần nữa. Thông điệp của ông Trump thu hút sự ủng hộ khi khơi gợi nỗi hoài niệm về thời kỳ mà lao động phổ thông có thể đạt mức thu nhập trung lưu nhờ làm việc trong các dây chuyền lắp ráp. Năm 1950, gần 1/3 lực lượng lao động Mỹ làm việc trong lĩnh vực sản xuất, so với chỉ 1/12 hiện nay. Tuy nhiên, nỗ lực khôi phục vinh quang công nghiệp xưa thực chất đang vấp phải những xu hướng kinh tế dài hạn đầy thách thức.
Trong nhiều thập kỷ, sự suy giảm việc làm trong ngành sản xuất tại các nước giàu đã là mối lo ngại lớn với giới hoạch định chính sách. Sản xuất từ lâu được xem là động lực tăng trưởng kinh tế nhờ năng suất cao và hiệu ứng lan tỏa tích cực sang các lĩnh vực khác. Công việc trong ngành này còn được lý tưởng hóa như cơ hội mang lại thu nhập khá cho lao động có trình độ thấp và trung bình. Người ta lo ngại rằng, nếu mất đi các việc làm sản xuất, người lao động sẽ buộc phải chuyển sang các công việc dịch vụ lương thấp, kéo theo hiện tượng "rỗng hóa" tầng lớp trung lưu và gia tăng bất bình đẳng thu nhập.
![]() |
Tuy nhiên, việc các công việc sản xuất dần biến mất là hệ quả tất yếu của quá trình phát triển kinh tế. Dữ liệu lịch sử từ Trung tâm Nghiên cứu Tăng trưởng và Phát triển Groningen (Hà Lan) cho thấy, việc làm trong ngành sản xuất có xu hướng theo mô hình chữ U ngược. Trong giai đoạn công nghiệp hóa, lao động chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp, khi các quốc gia giàu lên, lao động tiếp tục dịch chuyển từ công nghiệp sang dịch vụ và việc làm trong sản xuất giảm dần.
Vì sao các nước giàu như Mỹ lại phi công nghiệp hóa? Theo lập luận của ông Trump, nguyên nhân chính là do thương mại quốc tế. Khi Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác gia nhập hệ thống thương mại toàn cầu, nhiều doanh nghiệp Mỹ đã chuyển sản xuất ra nước ngoài để tận dụng chi phí thấp hơn. Chính quyền Trump cho rằng, điều này đã "xuất khẩu nền tảng sản xuất" của Mỹ và giúp Trung Quốc giành "vị thế thống trị toàn cầu trong các ngành công nghiệp sản xuất then chốt".
Không thể phủ nhận Mỹ đã chứng kiến làn sóng chuyển dịch sản xuất sang Trung Quốc. Tuy nhiên, phần lớn các nhà kinh tế cho rằng, nguyên nhân chủ yếu khiến việc làm sản xuất suy giảm là do năng suất lao động tăng. Công nghệ mới đã nâng sản lượng trên mỗi công nhân, khiến giá hàng hóa sản xuất giảm tương đối. Một nghiên cứu của Michael Hicks và Srikant Devaraj tại Đại học Ball State (Indiana) ước tính trong giai đoạn 2000–2010, 88% sự suy giảm việc làm trong ngành sản xuất Mỹ là do cải thiện năng suất, trong khi thương mại chỉ chiếm 13%.
Thay đổi trong mô hình tiêu dùng cũng là một yếu tố quan trọng. Theo định luật Engel, khi thu nhập tăng ở các nước nghèo, người dân chi tiêu nhiều hơn cho hàng hóa sản xuất. Ngược lại, khi thu nhập tăng ở các nước giàu, tiêu dùng dịch chuyển từ hàng hóa sang dịch vụ. Năm 1950, hàng hóa chiếm khoảng 60% tổng tiêu dùng của người Mỹ. Hiện nay, tỉ lệ này chỉ còn 1/3, trong khi dịch vụ chiếm tới 2/3.
Do đó, quá trình phi công nghiệp hóa không phải là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ suy yếu, mà là kết quả tất yếu của quá trình nước này trở nên giàu có hơn. Việc cố gắng hồi sinh việc làm sản xuất truyền thống không còn phù hợp trong bối cảnh các công việc dịch vụ ngày càng mang lại năng suất cao hơn và thu nhập tốt hơn. Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo sẽ còn đẩy nhanh xu hướng này.
Có thể bạn quan tâm:
Nike và giấc mơ “đưa sản xuất về Mỹ” bất thành
Nguồn The Economist
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
