H&M bị điều tra sử dụng lao động là tù nhân Trung Quốc
Các thương hiệu thời trang nổi tiếng châu Âu như H&M, C&A đang điều tra thông tin trong bài phóng sự của báo Financial Times, cáo buộc các công ty này sử dụng tù nhân trong một nhà tù Trung Quốc để làm công việc đóng bao bì.
Hãng tin Reuters dẫn lời Trưởng văn phòng về phát triển bền vững của C&A, Jeffrey Hogue, cho biết công ty tư nhân có trụ sở ở Thụy Sĩ Cofra Holding AG đang nghiêm túc xem xét cáo buộc và đang tiến hành điều tra.
“Chúng tôi có chính sách không khoan nhượng đối với bất kỳ hình thức nô lệ hiện đại nào, gồm lao động cưỡng bức, bị bắt buộc lao động để trả nợ hay khai thác sức lao động của tù nhân. Nếu phát hiện ra bất cứ trường hợp nào, chúng tôi sẽ lập tức cắt đứt quan hệ với nhà cung cấp”, ông Hogue nhấn mạnh trong một tuyên bố qua email với Reuters.
Peter Humphrey, một nhà điều tra của tập đoàn Anh và cựu nhà báo, đã bị bỏ tù 23 tháng tại Trung Quốc với cáo buộc là thu thập thông tin cá nhân của các công dân Trung Quốc để bán lại cho khách hàng trong đó có hãng dược phẩm GlaxoSmithKline Plc, nhưng ông bác bỏ cáo buộc này.
Trong một bài báo trên Financial Times tuần trước, Humphrey mô tả về khoảng thời gian ở trong tù, kể cả những công việc mà tù nhân phải làm: “Chúng tôi làm việc trong khâu đóng gói. Tôi nhận ra các thương hiệu nổi tiếng - 3M, C&A, H&M”.
Bài viết còn đề cập đến việc các tù nhân sản xuất hàng dệt may và phụ tùng, nhưng không nói rõ cho công ty nào. Một phát ngôn viên của H&M nói công ty của Thụy Điển này đang xem xét các cáo buộc, nhưng chưa thể nói là đúng hay không.
Các công ty hiện đang nỗ lực mạnh để đảm bảo chuỗi cung ứng của mình không dính dáng đến buôn người và lao động cưỡng bức, nhưng vẫn chưa làm triệt để được, theo chỉ số hàng năm của EcoVadis thực hiện. Người phát ngôn của H&M nói: “Hoàn toàn không thể chấp nhận việc đưa khâu sản xuất vào nhà tù. Nó vi phạm nghiêm trọng quy định mà các nhà cung cấp của chúng tôi phải tuân theo”. Đại diện của H&M nói thêm: “Không tuân thủ sẽ lập tức dẫn đến chấm dứt vĩnh viễn hợp đồng kinh doanh”.
Các quy định liên quan đến sử dụng lao động trong ngành dệt may và thời trang thế giới hiện đang được giám sát chặt chẽ. Thậm chí, hãng thời trang Zara không sử dụng người mẫu trẻ em và dòng sản phẩm trẻ em thì lại phải dùng ma-nơ-canh giới thiệu, vì hiện luật vẫn chưa cho phép sử dụng lao động trẻ em.
Hãng giày Nike từng bị chỉ trích dữ dội hơn 10 năm trước vì sử dụng lao động trẻ em và trả tiền lương rẻ mạt cho công nhân, trong khi họ bán giày hàng hiệu với giá từ vài chục đến hàng trăm USD/đôi. Bị tẩy chay, sau đó Nike khẳng định sẽ cải thiện điều kiện làm việc tại 1.000 nhà máy của hãng ở khắp thế giới. Nike đưa ra khẩu hiệu “Một thế giới tốt hơn” với việc mang lợi ích quay về với cộng đồng và đảm bảo cải thiện đời sống công nhân.
Sau các vụ cháy và sập nhà máy dệt may tại Pakistan, nhiều thương hiệu dệt may thế giới cũng bị người tiêu dùng tẩy chay vì không quan tâm tới an toàn cho người lao động tại chuỗi sản xuất và gia công của mình.
Theo The Guardian, H&M từng bị điều tra trong cuốn sách có tên Modeslavar (Modeslavar là tiếng Thụy Điển, tiếng Anh có nghĩa là Fashions Slaves - Nô lệ thời trang) vì sử dụng lao động trẻ em dưới 14 tuổi tại các nhà máy ở Myanmar.
Năm 2010, một trong những thương hiệu quần jeans nổi tiếng thế giới, The Gap, bị cáo buộc bắt lao động tại Ấn Độ làm việc 16 tiếng mỗi ngày với mức lương 40 cent/ngày – thấp hơn nhiều so với lương tối thiểu qui định tại nước này.
Nhiều lao động trẻ em ở Pakistan bị sử dụng trong ngành dệt may. |
Năm 2007, hãng đồ lót danh tiếng Victoria’s Secret bị cáo buộc có điều kiện làm việc tồi tệ tại Jordan. Thậm chí công nhân tại đây có thể bị đánh hoặc tát nếu không làm tốt. Những công nhân này còn bị buộc làm việc quá giờ hơn 5 tiếng mỗi ngày mà không được trả thêm theo quy định. Vài năm sau đó, hãng này lại bị cáo buộc sử dụng lao động trẻ em tại Burkina Faso để lấy sợi bông làm áo ngực.
Gia công hàng ở các nước có chi phí nhân công rẻ để hạ giá thành đã bị chỉ trích nặng nề, nhưng để đối phó, nhiều công ty chỉ đơn giản di chuyển nhà máy đến những nơi xa hơn để khỏi bị giám sát chặt chẽ.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư