Kinh tế Trung Quốc tiếp tục đi xuống?
Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) của Trung Quốc tháng 12 chỉ còn 49,4, theo số liệu vừa được Cục thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố. PMI dưới 50 cho thấy hoạt động sản xuất co lại.
Đây là lần đầu tiên PMI của Trung Quốc dưới 50 kể từ tháng 7.2016 và cũng là thấp nhất gần 3 năm qua. Nó cho thấy kinh tế Trung Quốc tiếp tục mất đà, làm tăng rủi ro cho cả nước này và toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung kéo dài.
Căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Giới quan sát lo ngại các ảnh hưởng lên đầu tư và thương mại sẽ rõ ràng hơn trong năm tới.
Trung Quốc công bố sản xuất nước này trong tháng 12.2018 suy giảm mạnh hơn kỳ vọng trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ tăng cao. Ảnh: Bloomberg |
Số đơn hàng xuất khẩu mới đã giảm tháng thứ 7 liên tiếp do nhu cầu bên ngoài yếu đi. Chỉ số phụ đo tiêu chí này chỉ còn 46,6 trong tháng 12, thấp hơn so với 47 tháng trước.
Sản xuất rất quan trọng với việc làm và sức khỏe tổng thể nền kinh tế. Vì vậy, PMI liên tục yếu đi có thể khiến Trung Quốc phải công bố thêm biện pháp thúc đẩy nhu cầu nội địa, sau hàng loạt chính sách hỗ trợ năm nay.
Dù vậy, PMI ngành dịch vụ lại tăng lên 53,8 từ 53,4 tháng 11. Dịch vụ đóng góp nửa GDP Trung Quốc. Thu nhập tăng giúp người dân nước này có khả năng chi tiêu nhiều hơn. Tuy vậy, nhu cầu và niềm tin tiêu dùng gần đây đi xuống là dấu hiệu cho thấy sức ép lên nền kinh tế ngày một tăng.
Các số liệu kinh tế của Trung Quốc đang được theo dõi chặt chẽ khi mà chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp diễn. Vào đầu tháng 12.2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý về 90 ngày “đình chiến”, theo đó, Mỹ sẽ hoãn tăng thuế với khoảng 200 tỉ USD hàng Trung Quốc khi mà họ đang đàm phán về một thỏa thuận thương mại.
Trong ngày cuối năm 2018, trên Twitter, Tổng thống Trump cho biết ông đã có cuộc điện đàm dài với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và rằng tiến trình đàm phán giữa hai bên đang diễn biến tốt. Kinh tế Trung Quốc đối diện với nhiều thách thức trong nội địa.
Ngay cả trước khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc dâng cao, Bắc Kinh vốn đã gặp khó khi kinh tế bắt đầu tăng trưởng chững lại sau nhiều thập kỷ tăng trưởng ấn tượng.
Chỉ số PMI của Trung Quốc theo dõi hoạt động sản xuất tại các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhà nước, trong khi đó chỉ số Caixin và chỉ số IHS Markit theo dõi hoạt động sản xuất của doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Hằng Nguyễn