Hủy
Thế giới

Kỳ vọng và thực tế của doanh nghiệp ngoại ở Trung Quốc

Thứ Tư | 18/12/2024 14:25

Chưa đến 50% doanh nghiệp lạc quan về triển vọng kinh doanh trong 5 năm tới tại Trung Quốc. Ảnh: The Economist.

 
 
Từng là mảnh đất hứa với các doanh nghiệp nước ngoài, nhưng viễn cảnh của nền kinh tế Trung Quốc đang ngày càng trở nên ảm đạm.

Tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc được Hội đồng Xúc tiến Thương mại Quốc tế Trung Quốc (trực thuộc Bộ Thương mại) mô tả đầy tích cực. Theo cơ quan này, 90% doanh nghiệp ngoại bày tỏ sự hài lòng hoặc đánh giá cao trải nghiệm tại Trung Quốc. Một khảo sát gần đây cho thấy các doanh nghiệp này nhận định sức mạnh kinh tế, tiềm năng thị trường nội địa và triển vọng phát triển là những điểm sáng. Chính phủ Trung Quốc, sau giai đoạn đóng cửa vì đại dịch COVID-19, khẳng định đất nước đã sẵn sàng mở cửa trở lại, cải cách để tạo môi trường thuận lợi hơn cho doanh nghiệp quốc tế.

Tuy nhiên, thực tế từ góc nhìn của các lãnh đạo doanh nghiệp quốc tế lại không sáng sủa như vậy. Nhiều doanh nghiệp đang vật lộn để biện minh cho các khoản đầu tư và thậm chí cân nhắc cắt giảm nhân sự. Khảo sát của Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Thượng Hải cho thấy, chưa đến 50% doanh nghiệp lạc quan về triển vọng kinh doanh trong 5 năm tới, mức thấp kỷ lục.

Ngày 4/12, CEO Mary Barra của General Motors thông báo sẽ giảm giá trị tài sản tại các liên doanh Trung Quốc hơn 5 tỉ USD và đóng cửa nhiều nhà máy. Nhiều công ty Mỹ và châu Âu, từng thành công rực rỡ tại Trung Quốc, nay phải chứng kiến sự sụt giảm của hoạt động kinh doanh.

Trong hai thập niên qua, Trung Quốc không chỉ được các nhà lãnh đạo phương Tây xem là trung tâm sản xuất giá rẻ mà còn là thị trường tiêu thụ khổng lồ. Tuy nhiên, doanh thu của các công ty Mỹ và châu Âu niêm yết tại đây đã giảm từ đỉnh 670 tỉ USD năm 2021 (chiếm 15% tổng doanh thu) xuống còn 650 tỉ USD vào năm 2022 (14%). Xu hướng này tiếp tục trong năm nay, khi gần một nửa doanh nghiệp báo cáo doanh thu quý giảm so với cùng kỳ năm trước.

Hàng loạt các thương hiệu lớn như Apple, Volkswagen, Starbucks và LVMH đều chứng kiến doanh số lao dốc. Dù một số công ty như Eli Lilly và Walmart vẫn duy trì tăng trưởng, nhưng số lượng các công ty như vậy ngày càng ít.

Nguyên nhân chính đến từ tình trạng kinh tế trì trệ của Trung Quốc. Cuộc khủng hoảng bất động sản kéo giá nhà xuống thấp, dẫn đến xu hướng thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng. Mặc dù chính phủ đã cam kết thúc đẩy kinh tế từ tháng 9, nhưng các biện pháp vẫn chưa mang lại hiệu quả rõ rệt. Doanh số bất động sản tiếp tục giảm và được dự báo kéo dài đến năm 2025. Áp lực giảm phát khiến nhiều công ty, cả trong và ngoài nước, đối mặt với khó khăn. Thống kê cuối tháng 10 cho thấy 27% doanh nghiệp công nghiệp Trung Quốc báo cáo thua lỗ. Tình trạng dư thừa nguồn cung trong nhiều ngành, từ xe điện (EV) đến vật liệu xây dựng, đã dẫn đến những cuộc chiến giá khốc liệt. 

Cùng lúc, các công ty phương Tây ngày càng mất lợi thế trước đối thủ nội địa. Starbucks bị mất thị phần vào tay Luckin Coffee, chuỗi cà phê nội địa với 21.000 cửa hàng, gấp 3 lần số cửa hàng của Starbucks tại Trung Quốc. Trong lĩnh vực công nghệ, Apple chịu cạnh tranh từ các dòng điện thoại mới của Huawei. Ngành xe điện cũng không ngoại lệ, khi các thương hiệu Trung Quốc như BYD và NIO chiếm ưu thế nhờ giá rẻ và công nghệ hiện đại.

Ngoài ra, căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây càng làm tình hình thêm phức tạp. Ngày 2/12, Mỹ áp đặt các hạn chế mới với việc bán thiết bị sản xuất chip cho Trung Quốc, ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà cung cấp như Applied Materials và ASML. Liên minh châu Âu (EU) cũng áp thuế với xe điện Trung Quốc, trong khi Trung Quốc đáp trả bằng biện pháp chống bán phá giá với rượu mạnh châu Âu.

Doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong các ngành nhạy cảm, từ bán dẫn đến dệt may, bị cuốn vào vòng xoáy xung đột chính trị. Ông Andrew Polk, chuyên gia của Trivium China, nhận định rằng các công ty ngoại tại Trung Quốc đang mắc kẹt giữa một cuộc chiến địa chính trị, và tình hình khó sớm được cải thiện.

Có thể bạn quan tâm:

Vì sao Ấn Độ chưa thể "Made in India"?

Nguồn The Economist


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới