Hủy
Thế giới

Lo ngại hiệu ứng Domino sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ

Khánh Tú Thứ Tư | 16/08/2023 14:29

Lệnh cấm của Ấn Độ có tác động sâu rộng đối với thị trường gạo toàn cầu. Ảnh: Reuters/

 
 
Nhiều chuyên gia lo ngại lệnh cấm xuất khẩu gạo mới nhất của Ấn Độ sẽ tạo ra hiệu ứng domino như giai đoạn 2007-2008.

Áp lực nguồn cung

Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ buộc thị trường gạo toàn cầu phải có những chuẩn bị nếu như các quốc gia xuất khẩu gạo khác cũng có động thái tương tự nhằm tránh tình trạng thiếu hụt nguồn cung nội địa, có nguy cơ đẩy lạm phát lương thực toàn cầu vốn đã cao lên cao hơn nữa.

Giới phân tích nhận định lệnh cấm mới nhất của Ấn Độ tương tự như những hạn chế mà nước này từng áp đặt vào năm 2007-2008. Điều đó đã gây ra hiệu ứng domino khi nhiều quốc gia khác buộc phải hạn chế xuất khẩu gạo để bảo vệ nguồn cung lương thực cho người tiêu dùng trong nước.

Tuy nhiên ở lần này, tác động đối với nguồn cung và giá cả trên thị trường toàn cầu có thể sâu rộng hơn, vì Ấn Độ hiện chiếm hơn 40% thương mại gạo toàn cầu, cao hơn mức 22% của 15 năm trước. Theo đó, các quốc gia xuất khẩu gạo khác như Thái Lan và Việt Nam đang chịu áp lực về đảm bảo nguồn cung cho thị trường.

 

Tác động của lệnh cấm xuất khẩu đã diễn ra rất nhanh chóng khi giá mặt hàng lương thực được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới này đạt mức kỷ lục trong vòng 15 năm. Giới phân tích và các thương nhân cho biết nguồn cung bị gián đoạn và hạn chế có thể dẫn đến nguy cơ lạm phát lương thực toàn cầu, ảnh hưởng đến những người tiêu dùng nghèo khó ở châu Á và châu Phi. Các nhà nhập khẩu cũng đang chật vật do khan hiếm nguồn cung bởi ảnh hưởng từ thời tiết thất thường và gián đoạn vận chuyển qua Biển Đen.

“Thái Lan, Việt Nam và các quốc gia xuất khẩu khác đang sẵn sàng hoạt động, nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn cung từ Ấn Độ”, ông Nitin Gupta, Phó Chủ tịch cấp cao của công ty nông sản Olam Agri (Ấn Độ), cho biết.

Song, vẫn còn tồn đọng một hạn chế trong việc mở rộng năng lực xuất khẩu. Hạn chế này có thể là tiền đề cho việc tăng giá, khiến nhiều người liên tưởng đến đà tăng giá từng trải qua trong khoảng thời gian 2007-2008.

 

Năm 2008, giá gạo toàn cầu đạt mức cao kỷ lục trên 1.000 USD/tấn sau khi có thông tin Ấn Độ, Việt Nam, Bangladesh, Ai Cập, Brazil và các nhà sản xuất nhỏ khác hạn chế xuất khẩu.

Phản ứng dây chuyền

Lần này, giá gạo toàn cầu tăng khoảng 20% kể từ khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm. Theo dự đoán của các thương nhân quốc tế, nếu giá gạo tiếp tục xu hướng tăng thêm 15%, những nước xuất khẩu gạo khác như Thái Lan và Việt Nam có thể sẽ hạn chế hoạt động xuất khẩu.

Ông B.V. Krishna Rao, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ, nhận định nếu thời tiết ổn định, giúp hoạt động sản xuất gạo trở lại bình thường thì chính quyền New Delhi có thể đảo ngược lệnh cấm xuất khẩu. Cũng theo ông Rao, chỉ có nguồn cung từ Ấn Độ mới có thể cân bằng cung cầu trên thị trường gạo toàn cầu.

Gạo là lương thực chính của hơn 3 tỉ người với gần 90% lượng gạo toàn cầu được sản xuất ở châu Á. Trong nỗ lực bảo đảm nguồn cung của mình, Bộ Nông nghiệp Philippines thúc đẩy đàm phán để nhập khẩu gạo từ Việt Nam và Ấn Độ, nhằm tăng cường kho dự trữ quốc gia cũng như hạ nhiệt giá gạo nội địa.

Các chuyên gia của Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC) cho biết cần xem xét liệu lệnh hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ sẽ kéo dài trong bao lâu. Lệnh cấm càng kéo dài thì các nhà xuất khẩu khác càng khó để bù đắp “khoảng trống khổng lồ” này.

Có thể bạn quan tâm:

Trung Quốc được kỳ vọng là "cứu tinh" trong thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen

Nguồn Reuters


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới

XOR, XOR Việt Nam