Hủy
Thế giới

Một đồng USD yếu hơn sẽ là điều tốt cho kinh tế thế giới?

Hà Linh Thứ Hai | 12/08/2019 17:50

Ảnh: vtc.vn

 
 
Sức mạnh của đồng USD hiện nay có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu vào hoàn cảnh khó khăn hơn và làm tăng nguy cơ suy thoái.

Tổng thống Donald Trump không phải là người duy nhất lo lắng về sự mạnh lên của đồng USD và tác động tiêu cực của nó đối với nền kinh tế Mỹ. Thậm chí, nhiều người còn lo ngại rằng sức mạnh của đồng USD có thể gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu.

Bloomberg cho biết, đà tăng giá hiện tại của đồng USD là hiếm thấy trong lịch sử.  Số liệu từ năm 1960 đến nay cho thấy, đồng USD đang trải qua quãng thời gian thăng hoa nhất trong 10 năm gần đây. Từ năm 2009 đến nay, giá trị đồng USD đã tăng tới 25%. Trong khi đó, một chỉ số khác từ Bloomberg cho thấy đồng USD suy yếu xuống mức đáy khoảng vài tuần trước khi nước Mỹ mất xếp hạng tín nhiệm AAA của S&P vào năm 2011. Kể từ đó đến nay, đồng USD đã mạnh lên thêm 32% và đánh bại nhiều đồng tiền lớn khác. 

Tuy nhiên, sức mạnh "đồng bạc xanh" lại khiến nhiều người lo lắng. Việc đồng USD mạnh lên sẽ làm giảm lợi nhuận của các tập đoàn đa quốc gia. Đây là những tập đoàn có vai trò chủ đạo trong nền kinh tế Mỹ. Đồng thời làm tăng chi phí của những tập đoàn vay nợ bằng USD. Các nhà kinh tế của Bloomberg nhận định đây là "vấn đề lớn của ngày hôm nay" khi nền kinh tế toàn cầu đang đứng trước nguy cơ suy thoái.

Coca Cola là một ví dụ điển hình cho những tập đoàn lớn đang phải "nếm mùi đau khổ" vì đồng USD. Người khổng lồ trong ngành đồ uống có trụ sở tại Atlanta đã nêu lên những cơn gió ngược vì đồng USD quá mạnh.

Tuần trước, Tổng thống Donald Trump cũng cho rằng đồng USD quá mạnh khiến cho các doanh nghiệp sản xuất lớn của Mỹ như Caterpillar, Boeing sẽ gặp khó. Ông Hans Redeker, người đứng đầu chiến lược FX toàn cầu của Morgan Stanley cho biết: "Sức mạnh của đồng USD hiện tại có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu vào hoàn cảnh khó khăn hơn và làm tăng nguy cơ suy thoái. Nếu USD tiếp tục mạnh thêm thì nền kinh tế toàn cầu lại có thêm trở ngại”.

Tuy nhiên, không phải ai cũng cho rằng đồng USD là tác nhân của suy thoái. Nhà kinh tế Aditya Bhave của Bank of America cho rằng tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ không quá phụ thuộc vào xuất khẩu.

Mot dong USD yeu hon se la dieu tot cho kinh te the gioi?
USD đã mạnh lên tới 32% trong 8 năm qua. Ảnh: Bloomberg.com

Ngược lại, các nhà phân tích của Morgan Stanley và Global Investment Management lại cho rằng đồng USD được xem là chất xúc tác cho một đợt suy thoái sắp tới của Mỹ cũng như toàn thế giới.

Ông Jack McIntyre đến từ Global Investment Management dự báo đồng USD có thể sẽ là nạn nhân cho sự thăng hoa của chính mình và có thể yếu đi 25% trong 5 năm tới.

Ông cho biết thêm, công ty của ông đã chuẩn bị cho kịch bản này bằng cách mua đồng won Hàn Quốc, koruna Czech và dollar New Zealand trong nhiều tháng qua. Trong khi đó, các chiến lược gia của Morgan Stanley thì khuyến nghị mua Yên Nhật và Franc Thụy Sỹ.

Ông Redeker từ Morgan Stanley cho rằng đồng USD có thể sẽ trở thành yếu tố tiêu cực trên bảng cân đối kế toán của các doanh nghiệp ngoài nước Mỹ. Theo số liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, vào tháng 3/2019, các khoản nợ phải trả bằng USD của các doanh nghiệp này đã chạm mức 11.800 tỷ USD.

Theo ông Redeker, việc đồng USD mạnh lên đã khiến việc chi tiêu cho tài sản cố định (Capex) trên toàn cầu giảm sút. Do đó, các doanh nghiệp ở nhiều nước phải cắt giảm tỉ lệ đòn bẩy.

Nhà phân tích của Morgan Stanley cho rằng đồng USD đang bị định giá cao hơn 10% so với giá trị thực. Ông cũng cho rằng nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục xu hướng nới lỏng tiền tệ trong dài hạn, đồng USD có thể yếu đi và giúp ích rất nhiều trong việc cải thiện tình hình kinh tế toàn cầu.

Ông McIntyre (hiện đang quản lí 75 tỷ USD) cho rằng đồng USD mạnh lên tác động tiêu cực tới kết quả tài chính của các doanh nghiệp trong chỉ số S&P 500 và dẫn tới cắt giảm việc làm, tỉ lệ thất nghiệp tăng lên. Điều này sẽ dẫn tới một cuộc suy thoái kinh tế trên toàn cầu. 

Theo ông McIntyre, dựa trên 3 chu kỳ mạnh lên gần đây nhất của đồng USD, có thể thấy chu kỳ mạnh lên hiện tại (vốn kéo dài nhiều năm qua) của đồng tiền này sắp kết thúc. Chu kỳ suy yếu sắp bắt đầu và sẽ kéo dài trong 5 – 7 năm nữa, trong khi các loại tiền tệ khác sẽ mạnh lên.

"Đặc điểm của các loại tiền tệ là ở chỗ chúng không phải lúc nào cũng bị chi phối bởi chênh lệch lãi suất; chênh lệch về tăng trưởng sẽ quan trọng hơn nhiều. Việc các ngân hàng trung ương nước ngoài đang chuẩn bị cắt giảm lãi suất sẽ kích thích tăng trưởng ở các nước đó. Và chúng tôi chưa thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy đồng USD sẽ mạnh lên trong vài năm tới", ông McIntyre nói.

Kịch tính xung quanh đồng Nhân dân tệ khiến Mỹ và Trung Quốc ngày một xa cách

Mỹ sẽ chủ động hạ giá đồng USD?

Kế hoạch của Trump: Hạ giá đồng USD để kích thích nền kinh tế Mỹ


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới