Phản ứng kinh tế của Mỹ đối với đại dịch COVID-19 khác xa phần còn lại của thế giới
Theo CNBC, thế giới đã đạt đến một cột mốc nghiệt ngã khi 1 triệu người tử vong vì COVID-19 kể từ khi đại dịch bắt đầu, trong đó có hơn 200.000 người đến từ Mỹ. Mặc dù, phản ứng y tế của Mỹ đối với đại dịch vấp phải nhiều chỉ trích, nhưng phản ứng kinh tế của họ lại thuộc hàng tốt nhất trên thế giới.
Trong bối cảnh đại dịch, Cục Dự trữ Liên bang và các nhà lập pháp Mỹ đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp kích thích chưa từng có nhằm hỗ trợ nền kinh tế lớn nhất thế giới trong thời gian toàn cầu ngừng hoạt động kinh tế. Nguồn ảnh: Financial Times. |
Những biện pháp này không chỉ giúp ổn định suy thoái kinh tế của Mỹ mà còn khơi mào cho một đợt phục hồi lớn trên thị trường chứng khoán giúp nền kinh tế phục hồi. Tuy nhiên, những lợi ích đó và sự xâm nhập kinh tế có thể gặp nguy hiểm nếu các nhà lập pháp không tiếp tục duy trì một gói kích thích tài khóa mới.
Giám đốc Chiến lược Thị trường Quincy Krosby tại Prudential Financial cho biết: “Đây là một phản ứng rất mạnh mẽ. Khi nhìn vào sự hợp tác giữa FED, chính quyền Trump và các đảng viên Dân chủ tại Quốc hội Mỹ có thể thấy đó không chỉ là lời cam kết mà còn là toàn bộ kế hoạch phục hồi kinh tế”.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell trong phiên điều trần của Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện về việc giám sát phản ứng đại dịch COVID-19. Nguồn ảnh: Reuters. |
Các biện pháp tiền tệ và tài khóa được thực hiện ở Mỹ và cách chúng so sánh với các biện pháp ở các nước khác:
Phản ứng tiền tệ: FED đã làm nhiều hơn vì họ có thể
FED đã giảm lãi suất xuống khoảng từ 0-0,25% ngày 15.3 và đưa ra chương trình mua trái phiếu có kết thúc mở, bao gồm việc mua kho bạc và chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp. Ngân hàng Trung ương Mỹ với một loạt biện pháp đã đảm bảo thị trường tín dụng hoạt động trơn tru.
Vào tháng 5 và 6, FED đã tăng cường nỗ lực kích thích khi bắt đầu mua các quỹ giao dịch hoán đổi trái phiếu doanh nghiệp cũng như nợ từ các công ty cá nhân. Những nỗ lực này đã khiến tổng tài sản của FED tăng hơn 68% kể từ tháng 3 lên hơn 7.000 tỉ USD.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), 2 ngân hàng chủ chốt, cũng đã thực hiện các chiến dịch kích thích kinh tế lớn để giúp đỡ nền kinh tế của họ.
Cụ thể, ECB đang thực hiện một chương trình mua trái phiếu khủng hoảng trị giá hơn 1.300 tỉ euro. BOJ cũng cam kết mua số lượng trái phiếu không giới hạn để giữ lãi suất đi vay ở mức thấp. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã cắt giảm lãi suất cơ bản cho khoản vay một năm từ 4,15% vào năm 2019 xuống còn 3,85%.
Tài sản của các ngân hàng ECB và BOJ đã tăng lần lượt lên gần 690.000 tỉ yen và 6.500 tỉ euro nhưng tổng số mức mở rộng tài sản là không đáng kể. Thậm chí, bảng cân đối kế toán của PBOC không thay đổi nhiều.
Bảng cân đối kế toán từ FED, ECB và BOJ. Nguồn ảnh: FactSet. |
Chiến lược gia thị trường toàn cầu Peter Perkins tại MRB Partners cho biết: “Theo nhiều cách, FED đã làm được nhiều hơn vì họ có thể. Họ cũng đã làm được nhiều việc hơn theo những cách khác thường so với các ngân hàng trung ương lớn khác”.
Vị chiến lược gia nói thêm rằng, theo một cách nào đó, FED phải làm nhiều hơn về mặt chính sách tiền tệ so với các ngân hàng trung ương khác.
Khi FED làm điều gì đó, nó có những phân nhánh toàn cầu có xu hướng tự củng cố. Không phải FED có trách nhiệm đảm bảo rằng các điều kiện tài chính ở châu Âu và châu Á được ổn định, nhưng nếu phần còn lại của thế giới tan rã, điều đó sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ và thị trường tài chính của Mỹ.
Phản ứng tài khóa: Rộng lượng hơn so với các nước khác
Các nhà lập pháp Mỹ cũng phản ứng với cú sốc kinh tế do đại dịch gây ra bằng các biện pháp kích thích lớn.
Vào ngày 27.3, Tổng thống Donald Trump đã ký Đạo luật CARES, một gói kích thích trị giá 2.200 tỉ USD bao gồm các khoản chi trả trực tiếp cho người Mỹ và mở rộng trợ cấp thất nghiệp cho những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Ông Gregory Faranello, người đứng đầu bộ phận giao dịch tỉ giá của Mỹ tại AmeriVet Securities cho biết: “Lịch sử có thể sẽ đánh giá phản ứng của chính sách tài khóa đối với COVID-19 nhiều hơn về kết quả liên quan đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cùng với việc làm cũng như cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng trong suốt chặng đường này”.
Chính phủ cũng thúc đẩy thông qua các luật khác nhằm hỗ trợ các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng khó khăn như hãng hàng không và các nhà khai thác du lịch.
Theo Ned Davis Research, tổng phản ứng tài chính của Mỹ đối với đại dịch lên tới khoảng 13% GDP của đất nước, tương đương khoảng 2.500 tỉ USD.
Nhà kinh tế quốc tế cấp cao Alejandra Grindal tại Ned Davis Research cho biết: nếu chỉ so sánh kích thích tài chính COVID-19 được công bố như một tỉ trọng của GDP, thì Mỹ thấp hơn đáng kể so với các nền kinh tế phát triển khác.
Tổng kích thích tài khóa ở Nhật chiếm khoảng 42% GDP của cả nước. Ở Đức và Pháp, các biện pháp của chính phủ tương ứng lên tới 33% và 21% GDP.
Kích thích tài chính của Mỹ so với các nền kinh tế phát triển. Nguồn ảnh: Ned Davis Research. |
Tuy nhiên, một số biện pháp được các nhà lập pháp Mỹ thông qua đã hào phóng hơn nhiều so với một số mạng lưới an toàn đã có ở nước ngoài, bao gồm việc chi phiếu 1.200 USD và 600 USD bổ sung thất nghiệp mỗi tuần.
Nhưng bất kể phản ứng tài khóa so với phần còn lại của thế giới như thế nào, những nỗ lực này đã giúp bắt đầu một đợt tăng giá khủng khiếp trên thị trường chứng khoán Mỹ khiến các thị trường khác chìm trong bụi mù.
Sự kết hợp tiền tệ và tài khóa đã khuấy động chứng khoán cũng như nền kinh tế Mỹ. Chỉ số S&P 500 tăng khoảng 50% kể từ khi chạm mức thấp nhất trong ngày là 2.191,86 vào ngày 23.3. Chỉ số thị trường rộng hơn cũng đạt mức cao nhất mọi thời đại trong ngày là 3.588,11 trước khi quay trở lại từ mức đó.
Chỉ số S&P 500 vượt xa thị trường toàn cầu kể từ mức thấp nhất hồi tháng 3. Nguồn ảnh: FactSet. |
Chứng khoán Mỹ có thể hoạt động tốt hơn thị trường nước ngoài một phần là do các nhà đầu tư đổ xô vào một loạt các tên tuổi công nghệ đang cung cấp dịch vụ kỹ thuật số trong thời gian ngừng hoạt động, chẳng hạn như Amazon, cũng như các nhà cung cấp phần mềm đám mây khác.
Hoạt động kinh tế của Mỹ đã phục hồi mạnh sau khi các biện pháp tài chính và tiền tệ này được thực hiện. Sự phục hồi sớm, nhưng mạnh mẽ đã làm tăng kỳ vọng cho GDP quý III của Mỹ.
Đầu tháng này, các nhà kinh tế tại Goldman Sachs đã nâng dự báo tăng trưởng GDP lên mức cao nhất của Phố Wall từ mức 30% lên mức 35%.
Chắc chắn, việc thiếu các biện pháp kích thích tài khóa hơn nữa có thể đe dọa thị trường này và sự phục hồi kinh tế. Lo ngại về dự luật kích thích kinh tế mới được thông qua đã phần nào làm suy giảm tâm lý thị trường Mỹ trong tháng này. Chỉ số S&P 500 đã giảm hơn 5% trong tháng 9 và đang đứng trước mức giảm hàng tháng đầu tiên kể từ tháng 3, khi nó giảm 12,5%.
Có thể bạn quan tâm:
► Nền kinh tế thế giới có đang phục hồi?
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư