Philippines từ chối đề nghị Trung Quốc về đảo tranh chấp
Ngoài ra Bắc Kinh còn yêu cầu Manila không trì hoãn việc đưa vụ tranh chấp này ra toà án quốc tế.
Tờ South China Morning Postngày 28/2 dẫn lời ông Roilo Golez, một cựu Nghị sỹ Quốc hội và là Cố vấn An ninh Quốc gia cho Tổng thống Philippines, cho biết những đề nghị trên được Trung Quốc “đưa ra thông qua các kênh không chính thức”.
Trích dẫn một “nguồn thông tin rất đáng tin cậy”, ông Golez nói: “Củ cà rốt mà Trung Quốc đem ra làm mồi nhử chính là việc cả hai nước sẽ cùng rút quân ra khỏi bãi cạn Scarborough. Đổi lại Philippines sẽ không đệ trình một biên bản ghi nhớ về quan điểm của nước này về vụ tranh chấp chủ quyền trên vào ngày 30/3 tới”.
Bãi cạn Scarborough (Ảnh AP) |
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Tần Cương đã bác bỏ thông tin về đề xuất trên của Trung Quốc liên quan đến bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham còn Philippines gọi là đảo Bajo de Masinloc.
“Quyết tâm của Trung Quốc về việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là không thể lay chuyển được. Chúng tôi sẽ không bao giờ thoả thuận về quyền và lợi ích của lãnh thổ và lãnh hải của chúng tôi”, ông Tần Cương nhấn mạnh.
“Chúng tôi phản đối và sẽ không bao giờ chấp thuận việc Philippines muốn kiện Trung Quốc ra Toà án Quốc tế. Quan điểm của Trung Quốc về vấn đề này là không thay đổi”, ông Tần Cương khẳng định.
Tuy nhiên, đáp lại tuyên bố trên, ông Golez cho biết Bắc Kinh không yêu cầu Manila phải dừng vụ kiện đó hoàn toàn mà chỉ là trì hoãn đệ đơn lên Toà án quốc tế sau ngày 30/3, hạn chót mà Toà án Quốc tế theo Luật Biển (ITLOS) đưa ra.
Ông Lauro Baja, một nhà ngoại giao của Philippines đã nghỉ hưu và là cựu Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cho biết “việc chậm trễ so với hạn chót mà ITLOS đưa ra sẽ khiến vị thế của chúng tôi suy giảm nhiều bởi điều đó có nghĩa là chúng tôi vẫn chưa sẵn sàng cho vụ kiện. Điều này cũng khiến hình ảnh của chúng tôi trong mắt cộng đồng quốc tế xấu đi nhiều”.
Trong khi đó, hai quan chức Philippines muốn giấu tên cho biết, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã thảo luận với các thành viên Chính phủ về đề nghị này của Trung Quốc.
Trong khi ông Aquino không chính thức công nhận đề nghị này, hai quan chức trên đã viện dẫn cuộc phỏng vấn của ông Aquino trên tờ New York Timesngày 4/2 như một phần đáp trả của ông cho đề nghị này từ phía Trung Quốc.
“Nếu chúng ta chấp thuận một điều mà chúng ta tin là sai lầm thì có gì đảm bảo rằng sai lầm đó sẽ không tiếp tục bị khai thác”, ông Aquino nói tại cuộc phỏng vấn.
Sau đó ông còn nói thêm: “Làm sao bạn biết được lúc nào thì nên nói thế là đã quá đủ rồi. Hãy nhớ lại những gì những người Hà Lan nhận được khi cố gắng nhân nhượng với Hitler để ngăn chặn Thế chiến thứ 2”.
Trong khi đó, ông Golez cũng giải thích rõ rằng tại sao việc chấp nhận đề nghị của Trung Quốc sẽ là một sai lầm lớn đối với Philippines.
“Đây không phải là một thoả thuận công bằng bởi Trung Quốc mới là nước cần phải rút khỏi bãi cạn Scarborough nằm trong khu vực đặc quyền kinh tế của chúng tôi”, ông Golez nói.
Ông Zhang Mingliang, một chuyên gia nghiên cứu về Đông Nam Á tại Đại học Tế Nam, cho rằng Trung Quốc sợ rằng việc Philippines quốc tế hoá tranh chấp trên biển Đông sẽ làm phức tạp thêm tình hình tại đây./.
Nguồn vov.vn
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư