Tái cân bằng giữa mua sắm trực tuyến và cửa hàng truyền thống
Mặc dù mua sắm online đang phát triển, số lượng cửa hàng trực tiếp vẫn tiếp tục tăng lên. Ảnh: FT.
Sosandar là thương hiệu bán lẻ thời trang nữ tại Anh được thành lập vào năm 2016 bởi hai nhà sáng lập là Ali Hall và Julie Lavington. Chỉ trong vài năm, doanh thu hàng năm của hãng thời trang đã tăng lên 42 triệu bảng Anh.
Mặc dù việc kinh doanh trực tuyến đã giúp hãng thời trang phát triển mạnh mẽ, nhất là thông qua hình thức hợp tác với các KOLs, nhưng hai nhà sáng lập vẫn quyết định mở thêm 8 cửa hàng trong năm 2024.
Thay đổi trong tâm lý
Theo cả hai, dù có sự bùng nổ trong mua sắm trực tuyến (online), một phần lớn các đơn hàng vẫn được bán tại các cửa hàng. Điều này cho thấy người tiêu dùng vẫn quan tâm đến việc trải nghiệm sản phẩm trực tiếp như thử đồ hay tận tay sờ chất liệu vải trước khi quyết định mua hàng.
“60% đơn hàng của chúng tôi là đến từ các cửa hàng vật lý. Vậy tại sao chúng ta không tận dụng 60% đó mà chỉ tập trung vào 40% còn lại”, bà Hall cho biết khi nói về tỉ lệ phân chia giữa hai kênh bán hàng trực tuyến và cửa hàng trực tiếp.
Điều thú vị là xu hướng này đang có sự đảo ngược so với hồi năm 2020-2021, thời điểm các cửa hàng truyền thống phải đóng cửa, nhằm thực hiện các biện pháp phòng chống đại dịch COVID-19. Khi đó, doanh số bán hàng online tăng cao, đẩy giá cổ phiếu của các thương hiệu thời trang online như Asos, Boohoo, Sosandar và Zalando tăng lên.
Người tiêu dùng vẫn quan tâm đến việc trải nghiệm sản phẩm trực tiếp. Ảnh: FT. |
Tuy nhiên, từ sau đại dịch, người tiêu dùng ở Vương quốc Anh quay trở lại với việc mua sắm trực tiếp trong khi các thương hiệu thời trang online chật vật đối mặt với các vấn đề về hậu cần, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các đối thủ giá rẻ ở châu Á và chi phí tăng cao.
“Hậu đại dịch, chúng tôi nhận thấy người tiêu dùng có sự linh hoạt trong việc mua sắm. Họ vừa muốn mua sắm online vừa muốn đến cửa hàng. Thậm chí xu hướng này đã có thể rõ ràng hơn nếu không có dịch bệnh”, bà Lavington cho biết.
Sự thay đổi trong tâm lý mua sắm cũng được thể hiện rõ trên thị trường chứng khoán. Cổ phiếu của Marks & Spencer, thương hiệu bán lẻ nổi tiếng tại Anh, đã phục hồi mạnh mẽ và gia nhập lại chỉ số FTSE 100 vào năm ngoái, nhờ doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ sau khi thay đổi chiến lược để thích nghi với sự tâm lý mới của thị trường.
“Những gì chúng ta đang thấy là sự tái cân bằng giữa các kênh bán hàng online và các cửa hàng truyền thống”, bà Tamara Sender Ceron, Chuyên gia phân tích thời trang bán lẻ, nói. Song, nhận định này lại bỏ ngỏ cho tất cả các nhà bán lẻ câu hỏi liệu kênh nào sẽ sinh lợi nhuận nhiều hơn và đáng để ưu tiên đầu tư hơn.
Ngay cả Next, nhà bán lẻ đã thành công trong việc kết hợp kinh doanh giữa cửa hàng truyền thống và online, cũng thừa nhận rất khó để có thể đưa ra câu trả lời chính xác. Nhưng một điều chắc chắn là những người đứng đầu của Next cho biết họ không ý định sẽ từ bỏ kênh bán hàng trực tiếp ở thời điểm này.
Xu hướng trong tương lai
Trong hai thập kỷ qua, sự bùng nổ của thương mại điện tử đã cho mọi người thấy bán hàng online có thể phát triển đến mức nào. Những thương hiệu thời trang bán lẻ như Asos, Boohoo, Zalando và Farfetch đã có thời hoàng kim như thế nào trong lúc dịch bệnh diễn ra.
Tuy nhiên, khi đến giai đoạn duy trì đà tăng trưởng, các hãng phải đối mặt với loạt thách thức mới như khả năng mở rộng quy mô và tuổi đời của mô hình kinh doanh. Mặc dù mua sắm online vẫn còn nhiều dư địa để phát triển, sự quay trở lại của các cửa hàng truyền thống đã làm giảm số lượng đơn đặt hàng online tại khu vực châu Âu, theo Forrester Research.
Trong thời kỳ đại dịch, các nhà bán lẻ đã cố gắng cải tiến quy trình, nhằm đáp ứng các nhu cầu của khách hàng. Một số thương hiệu cho phép người mua nhận hàng và trả đơn hàng online tại các cửa hàng. Điều này tạo ra sự kết hợp giữa mua hàng online và trực tiếp.
Trong tương lai, thị trường bán lẻ có thể sẽ chứng kiến sự tăng trưởng của cả hai kênh bán hàng online và trực tiếp. Forrester Research kỳ vọng doanh số mua sắm online tại châu Âu sẽ tăng từ 372 tỉ euro trong năm 2023 lên 579 tỉ euro vào năm 2028, tương đương với tốc độ tăng trưởng 9,2% hàng năm.
Điều cần lưu ý là các cửa hàng vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra trải nghiệm mua sắm tốt hơn cho người tiêu dùng. Do đó, các hãng bán lẻ cần cân nhắc chiến lược nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, đồng thời tận dụng tiềm năng của cả hai kênh bán hàng.
Có thể bạn quan tâm:
Nguồn FT
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Hằng Nguyễn