Hủy
Thế giới

Trào lưu "bán kiến thức dạo" của giới trẻ Trung Quốc

Lam Ngọc Thứ Tư | 05/07/2023 17:13

"Bán kiến thức dạo" dần trở thành văn hoá hàng rong đối với giới trẻ Trung Quốc. Ảnh: Sixth Tone.

 
 
Nhiều sinh viên Trung Quốc quyết định khởi nghiệp ở "phố tri thức" trong bối cảnh thị trường lao động nước này có nhiều khó khăn.

Nghề bán hàng dạo đã quá đỗi quen thuộc đối với người dân Trung Quốc, nhưng bán kiến thức dạo lại là điều khá mới mẻ. Theo hãng tin Sixth Tone, “bán kiến thức dạo” hiện đang là xu hướng của những người trẻ tại đất nước tỉ dân này.

Ở các thành phố lớn, thay vì bày bán những gian hàng đồ ăn dạo thì nhiều sinh viên vừa tốt nghiệp ra trường lựa chọn bán kiến thức ở các gian hàng. Tại đây, những người trẻ sẽ bán những thứ như cách viết chữ thư pháp, tư vấn sức khỏe hay những kiến thức chuyên ngành về luật pháp, tài chính, kinh doanh,...Người qua đường đặt tên cho địa điểm bán hàng này là “hàng rong trên phố tri thức”.

Xu hướng “bán kiến thức dạo” ngày càng sôi nổi hơn giữa bối cảnh thị trường lao động Trung Quốc bấp bênh, còn sinh viên vừa ra trường thì cảm thấy nghi ngờ về giá trị của tấm bằng đại học. Vài tháng qua, các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã liên tục kêu gọi các bạn trẻ chủ động tìm kiếm hướng đi mới cho sự nghiệp của mình thay vì ngồi yên chờ đợi cơ hội khiến tỉ lệ thất nghiệp tăng cao.

Theo đó, một du học sinh Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London (LSE) quyết định xuống đường “bán kiến thức dạo”. Tháng 5/2023, khi du học sinh chia sẻ hình ảnh bán hàng của mình lên mạng xã hội đã thu hút nhiều người trẻ khác tham gia vào “lĩnh vực” này. 

Tuy nhiên, sự lan truyền rộng rãi của những bức ảnh đó đã tạo nên cuộc tranh cãi trên cộng đồng mạng. Một số ý kiến cho rằng đây là “tự hạ thấp bản thân” nhưng số khác lại cho rằng những bức ảnh đã tạo nên làn sóng tự tìm đường sống bằng những gì bản thân có của giới trẻ.

 

Bà Qian Jing, Giáo sư chuyên ngành tâm lý học Đại học Bắc Kinh, nhận xét trào lưu "bán kiến thức dạo" có thể giúp sinh viên vừa tốt nghiệp có cơ hội tiếp xúc với các hoạt động thực tiễn, đồng thời làm giảm bớt áp lực trong khi tìm kiếm việc làm.

“Đây là một liệu pháp tâm lý hiệu quả giúp các sinh viên hiểu được rằng những kiến thức học ở trường lớp có thể giải quyết các vấn đề của người khác, và nhiều người sẵn sàng chi trả để mua những kiến thức này”, Giáo sư Qian nói.

Hoạt động bán hàng rong bên lề tại Trung Quốc bắt đầu sôi nổi hơn kể từ năm 2020, thời điểm giới trẻ nước này cảm thấy áp lực khi trở lại cuộc sống sau đại dịch COVID-19. Những tháng gần đây, các thành phố lớn như Thâm Quyến, Thượng Hải và Hàng Châu đã có động thái nới lỏng chính sách kiểm soát hoạt động bán hàng rong nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế hậu dịch bệnh. 

Li Bingqian (25 tuổi) là một trong những người trẻ tham gia xu hướng “bán kiến thức dạo” sau khi tốt nghiệp hệ thạc sĩ ở Thâm Quyến. Trên “phố tri thức”, cô Li mở bán dịch vụ viết thư pháp theo yêu cầu. Cô Li cho biết cô cảm thấy sự thoải mái và tự do khi làm công việc này, đồng thời cô cũng nói rằng “phố tri thức” là nơi một nơi thích hợp cho những người trẻ muốn kiếm thêm thu nhập từ công việc bán thời gian.

Gian hàng bán dịch vụ viết thư pháp theo yêu cầu của thạc sĩ Li Bingqian. Ảnh: Sixth Tone.
Gian hàng bán dịch vụ viết thư pháp theo yêu cầu của thạc sĩ Li Bingqian. Ảnh: Sixth Tone.

Mặc dù tốt nghiệp với tấm bằng thạc sĩ và đang làm trong ngành sản xuất truyền thông, nhưng cô Li không hề cảm thấy xấu hổ vì công việc bán thời gian của mình. Cô cũng nhận được sự ủng hộ từ gia đình và những người thân thiết xung quanh. Thạc sĩ Li chia sẻ chỉ trong 7 ngày, gian hàng bán dịch vụ viết thư pháp theo yêu cầu của cô đã thu về 2.400 nhân dân tệ (336 USD). Do đó, cô quyết định chỉ cần trào lưu “bán kiến thức dạo” vẫn còn sôi nổi thì cô sẽ tiếp tục duy trì nghề tay trái này của mình.

Có thể bạn quan tâm:

Trung Quốc nỗ lực tìm "lối thoát" cho đồng nhân dân tệ

Nguồn Sixth Tone


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới