Hủy
Thế giới

Trung Quốc hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc, NDT có thể tiếp tục giảm giá

Thứ Ba | 01/03/2016 14:53

 
 
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đang ở vào thế khó, trước tình trạng dòng vốn chảy ra nước ngoài và khả năng thanh khoản kém của các ngân hàng.

Nhằm ngăn đà suy giảm chứng khoán và trấn an tâm lý lo ngại của các nhà đầu tư, trong ngày hôm qua (29/02) Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) tiếp tục mạnh tay trong việc nới lỏng tiền tệ. 

Theo đó, PBOC đã ra thông báo hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thêm 0,5%, đưa tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại nước này xuống còn 17%.  Điều này đồng nghĩa với việc hệ thống ngân hàng sẽ được bổ sung thêm khoảng 700 tỷ NDT (tương đương 107 tỷ USD) hỗ trợ cho thanh khoản. 

Được biết, chính sách này sẽ bắt đầu có hiệu lực trong ngày hôm nay (1/3). Đây cũng là lần cắt giảm dự trữ bắt buộc lần thứ 5 của PBOC kể từ đầu năm 2015 và là lần đầu tiên trong năm 2016 này. Động thái này được cho là cần thiết để ổn định hệ thống ngân hàng tại Trung Quốc, khi các ngân hàng tại nước này đang thiếu hụt khả năng thanh khoản, nhất là khi nhiều người dân vừa rút một lượng lớn tiền mặt trong dịp tết Nguyên đán vừa qua. 

Trước thông tin này, chỉ số Shanghai Composite tại sàn chứng khoán Thượng Hải vào lúc chốt phiên trong ngày hôm qua đã giảm 2.86% xuống còn 2.687 điểm, mức thấp nhất trong vòng 1 tháng qua. Trong khi đó, đồng nhân dân tệ đạt tỷ giá quy đổi là 6.5452 nhân dân tệ ăn 1 đôla Mỹ, giảm 0,17% so với thứ sáu tuần trước.

Như vậy kể từ giữa tháng Giêng cho đến nay, tỷ giá giữa đồng nhân dân tệ so với đồng USD đã phần nào ổn định hơn so với thời điểm trước. "Với tỷ giá đang tương đối ổn định như hiện nay, PBOC đang dần chuyển sự tập trung sang việc giải quyết áp lực suy giảm tăng trưởng kinh tế", ông Zhong Zhengsheng hiện là giám đốc nghiên cứu kinh tế của công ty chứng khoán quốc doanh Hua Chuang nhận định. 

Tuy nhiên, áp lực đè nặng lên Bắc Kinh sẽ ngày càng lớn, khi mà nước này đã tuyên bố không phá giá mạnh đồng tiền nội tệ. Việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ góp phần tăng vốn cho các ngân hàng và từ đó khuyến khích cho vay nhiều hơn. Kết quả nguồn cung tiền mặt trong nền kinh tế sẽ lớn hơn và tất yếu dẫn tới việc hạ giá NDT.

Ngoài ra, tình trạng các doanh nghiệp và nhà đầu tư cá nhân tìm cách tháo chạy dòng vốn ra khỏi Trung Quốc do nền kinh tế giảm tăng trưởng trong thời gian qua cũng góp phần tạo sức ép lên đồng nhân dân tệ. Điều này đồng nghĩa rằng PBOC có thể sẽ phải tiếp tục can thiệp vào thị trường tiền tệ để giữ cho tỷ giá NDT được duy trì trong một khoảng hợp lý. Khi đó PBOC sẽ phải bán USD ra và mua vào NDT, nên sẽ phần nào  trung hoà chính sách tiền tệ nới lỏng của cơ quan này. 

"PBOC đang ở trong một tình thế khó khăn", ông Zhu Chaoping, chuyên gia kinh tế tại UOB Kay Hian Holdings nhận định. "Khi họ tiếp tục can thiệp để ổn định đồng NDT thì sẽ có một lượng lớn tiền được bơm ra hệ thống. Điều này kéo theo việc PBOC phải áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng nhiều hơn, kết quả là gây áp lực giảm giá lên đồng NDT", ông Zhu nói. 

Theo số liệu ước tính, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc trong tháng 1 đã giảm tới 99,5 tỷ USD, đưa mức tổng dự trữ xuống còn 3,23 nghìn tỷ USD. 

Nguyệt Nhi

Nguồn WSJ, Nikkei


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới